Chàng trai 9X Lê Sơn Hải đã dành hết tâm huyết để làm ra sản phẩm trà sạch hữu cơ sinh thái (organic), thực hiện ước mong gìn giữ, nâng tầm đặc sản trà của quê hương Thái Nguyên.

Lê Sơn Hải, chủ thương hiệu An Hải Trà.

Đi theo cách riêng

Tháng 3/2021, sau gần 6 năm đeo đuổi nghề làm trà organic, Lê Sơn Hải (tên thường gọi là Hải Trà) mới đặt tên cho đứa con tinh thần của mình là An Hải Trà và hoàn tất thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ.

“Đáng ra, tôi không đăng ký, nhưng khách hàng muốn có tên thương hiệu và logo chuẩn để tránh bị nhầm lẫn, nên tôi mới làm. Quan trọng nhất là mình làm ra hàng chất lượng, chứ không phải ở nhãn mác, bao bì”, chàng cử nhân Học viện Báo chí và Tuyên truyền sinh năm 1992 bộc bạch.

Khi lựa chọn theo nghề truyền thống của gia đình, tôi nhận ra được nhiều bài học về sự kiên trì, tính nhẫn nại.

– Lê Sơn Hải, chủ thương hiệu An Hải Trà

Tâm huyết với sản phẩm trà hữu cơ, nên Hải đã suy nghĩ rất nhiều về logo và tên thương hiệu. Anh muốn logo phải thật sang, mang phong cách cổ điển, đơn giản, thanh lịch, dễ cảm nhận và phải truyền được câu chuyện, ý nghĩa nhân văn cũng như văn hóa uống trà.

Sản phẩm do Hải cung cấp ra thị trường chủ yếu phục vụ phân khúc hàng trung và cao cấp, biết thưởng thức trà. An Hải Trà gồm 2 loại chính là trà mộc và trà ướp hoa, có giá 400.000 – 500.000 đồng/kg, loại trà cao cấp nhất có giá tới 15 triệu đồng/kg.

“Điều vẫn làm tôi đau đầu là khách hàng cấp cao muốn mua sản phẩm đi biếu, cần túi xách, hộp quà đẹp, mà phải chứa đựng tâm hồn, nghệ thuật của uống trà. Tôi đã nghĩ đến làm hộp quà bằng ống tre, nhưng phải đầu tư thêm”, Hải nói.

Anh bảo, mình làm nghề bằng đam mê, nhiều khi làm mà không nghĩ thu về bao nhiêu. Đầu tư nông nghiệp rủi ro cao. Nhiều người mải chạy theo lợi nhuận, áp lực dòng tiền mà đánh mất giá trị sản phẩm. Đặc biệt, làm sản phẩm hữu cơ thật còn có vô vàn cái khó.

Thấy mô hình chè hữu cơ của Hải khá hiệu quả, cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên đã khuyến khích anh phát triển thành hợp tác xã để có thể vừa sản xuất thêm nhiều dòng sản phẩm mới, vừa đưa giá trị của trà tới nhiều khách hàng, song Hải vẫn ngần ngại.

“Có thể, tôi khó tính. Nhưng nếu đã làm, thì phải làm thật, làm rất bài bản”, Hải chia sẻ.

Bởi vậy, trước mắt, Hải sẽ phát triển theo cách riêng. Lựa chọn xuất phát từ đam mê, nên Hải luôn có nguồn cảm hứng sáng tạo lớn. Tự làm chủ vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn, vì mỗi hướng đi đều yêu cầu chính xác hơn, phải sáng tạo, nhưng không phá vỡ tính truyền thống. Hải nói, anh thấy mình cũng khá may mắn, vì vẫn bám trụ được với nghề của gia đình và phát triển bền vững nghề trên chính quê hương.

Món “nợ” với nghề

Hải sinh ra ở vùng đất chè nổi tiếng của Thái Nguyên, vùng chè đặc sản Tân Cương, nơi đã nuôi sống nhiều thế hệ người dân ở đây và cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình Hải. Bởi vậy, ngay từ khi còn đang học đại học (ngành báo chí), Hải đã nuôi ý tưởng trở về quê hương khởi nghiệp. Qua những tháng ngày lặn lội tìm việc ở Hà Nội, Hải cảm thấy không phù hợp với bất kỳ công việc nào, mà chỉ muốn về quê để làm trà organic. Không ai tin Hải sẽ thực hiện được ý tưởng đó.

Kể cả khi Hải đạt được thành quả, sản phẩm của anh vẫn bị chê về hình thức. Đó là khi người ta nhìn thấy những búp trà không xanh đen như những vườn chè được chăm sóc bằng phân hóa học, không vươn dài ngồng như dùng phân bón lá, hay trong vườn chè vẫn có khu bị sâu chích hút.

Nhưng đối với Hải, đó là món “nợ” với nghề. “Để làm trà sạch, tôi đã phải đánh đổi thời gian và tiền bạc. So với bạn cùng trang lứa, tôi tự thấy mình chưa làm được gì so với nhiều người. Nhưng tôi tin chắc, mình đang đi đúng hướng và những trải nghiệm của tôi sau mỗi lần cười dở, khóc dở là vô giá”, Hải trải lòng.

Nhớ lại những ngày đầu, tới lứa hái, mà vườn chè rộng chỉ lưa thưa vài búp vì sâu hại, có lứa thì nấm bệnh, và rất nhiều lứa khác chè vẫn bị sâu, Hải buồn, nhưng vẫn kiên nhẫn. Anh tự động viên, mình còn nhiều thời gian trải nghiệm. Sau những tháng ngày ấy, khu vườn của Hải xuất hiện thảm thực vật đa dạng hơn, đất tơi xốp hơn, giúp vườn chè phần nào thoát khỏi sâu bệnh, mầm bắt đầu lên nhiều và khỏe.

“Giờ đây, tôi càng vững vàng hơn bao giờ hết. Tôi chỉ mong người thưởng trà đừng chỉ nhìn vào hình thức bên ngoài, mà hãy nhìn cả một chặng đường cố gắng của người làm ra sản phẩm”, Hải nhắn nhủ.

Theo Hải, khó khăn của nghề làm trà hữu cơ chính là vốn đầu tư lớn, luôn phải theo dõi và kiểm soát sâu bệnh cũng như tạo ra những sản phẩm mới để phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Theo thời gian, các sản phẩm An Hải Trà hữu cơ đã trở thành quà tặng xách tay sang Nhật, Mỹ, Đức, Canada.

Hải đang từng bước đi theo hướng bán sản phẩm qua văn hóa uống trà, cũng như quyết tâm lấy lại thương hiệu chè Tân Cương bị nhiều nơi gắn mác với sản phẩm không tốt. Chỉ khi đó, anh mới thực hiện được mong ước giữ gìn và nâng tầm đặc sản trà của quê hương.

THEO ANH HOA