Hiện nay, nhu cầu sản xuất thú nhồi bông ngày càng tăng do tính hữu dụng của chúng trong cuộc sống như làm đồ chơi cho trẻ nhỏ hay làm gối ôm, gối cổ khi ngồi trên tàu, xe. Tuy nhiên, thực tế gia công làm thú nhồi bông ở trong nước cho thấy đa phần các cơ sở vẫn đang dùng kỹ thuật nhồi thủ công nên các công đoạn thường chậm, chất lượng ít đồng đều. Máy nhồi bông nếu được sử dụng, chủ yếu được nhập khẩu với giá thành cao.
Vì những lý do trên, năm 2019, nhóm nghiên cứu tại Chi Nhánh Công Ty Cổ Phần – Viện Nghiên Cứu Dệt May Tại TP. Hồ Chí Minh do ThS. Lê Văn Tùng dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, thiết kế chế tạo máy nhồi bông”.
Đề tài hướng đến thực hiện các mục tiêu sau: Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máy nhồi bông, phục vụ sản xuất các con thú nhồi bông, gối nhồi bông; làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị, thay thế hàng nhập khẩu cho thiết bị máy móc ngành làm thú nhồi bông; máy gia công chế tạo ở trong nước, vật tư phụ tùng sẵn có trên thị trường Việt Nam, tỷ lệ nội địa hóa cao.
Nhóm nghiên cứu đã thực hiện thiết kế và chế tạo xong máy nhồi bông đáp ứng được các yêu cầu của đề tài đặt ra. So với các máy nước ngoài thì việc chủ động thiết kế, chế tạo máy nhồi bông mang lại một số hiệu quả kinh tế như:
– Chi phí bảo dưỡng, thay thế vật tư phụ tùng dễ dàng và rẻ hơn nếu mua máy từ nước ngoài.
– Chi phí tổng thể máy nếu sản xuất số lượng nhiều thì giá cả sẽ hợp lý rẻ hơn máy ngoại nhập, giúp cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ dễ dàng mua để tăng công suất, chất lượng sản phẩm.
– Theo nhóm nghiên cứu thì khả năng nội địa hóa sản phẩm khá cao (70% – 80%) nên đây là cơ hội để sản phẩm này cạnh tranh được về giá cả.
Nhóm nghiên cứu dự kiến sẽ tiếp tục cải thiện tối ưu các chức năng của máy và có thể chuyển giao thương mại cho các công ty, doanh nghiệp có sản xuất về thú nhồi bông
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17619/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Nguồn: vista.gov.vn