Dong riềng là một trong những cây trồng đã trở thành cây sản xuất hàng hóa ở các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc. Cây dong riềng có khả năng thích ứng rộng, trồng được trên nhiều loại đất (kể cả các vùng đất nghèo dinh dưỡng), có khả năng chống chịu tốt với điều kiện bất thuận đặc biệt là chịu hạn. Tuy nhiên, tiềm năng và giá trị của cây trồng này tại các tỉnh còn thấp. Để giải quyết được vấn đề đặt ra trong sản xuất dong riềng hiện nay việc bổ sung 4 giống dong riềng mới, đặc biệt giống dong riềng mới DR1 có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất kết hợp áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật canh tác để bảo vệ đất chống xói mòn, giảm sâu bệnh hại nhằm nâng cao năng suất cây trồng và tăng thu nhập của ngược dân là rất cần thiết.

Vì thế, nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Nguyễn Viết Hưng tại Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên thuộc Đại học Thái Nguyên đã thực hiện đề tài: “Xây dựng mô hình trồng dong riềng giống mới và thâm canh tổng hợp tại miền núi phía Bắc” từ năm 2017 đến năm 2019.

Đề tài nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng được mô hình trồng dong riềng giống mới áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tổng hợp, đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Mô hình trồng giống mới kết hợp hướng dẫn nông dân lựa chọn củ dong riềng đạt tiêu chuẩn làm giống cho vụ tiếp theo.

Về công tác tổ chức triển khai các hoạt động của dự án: Đơn vị trực tiếp triển khai là Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có củ cùng với các đơn vị hợp tác là Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La, Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Na Rì, huyện Nguyên Bình và huyện Đà Bắc đều là các đơn vị đã có kinh nghiệm trong việc triển khai các chương trình, dự án khuyến nông nói chung và triển khai các mô hình về sản xuất dong riềng nói riêng. Bên cạnh đó có đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyên sâu đã giúp cho sự thành công của dự án.

Tại tất cả các địa phương tham gia thực hiện dự án đều có điều kiện đất đai và khí hậu phù hợp để trồng giống dong riềng DR1 vì vậy năng suất và hiệu quả tại cả 5 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Yên Bái và Hòa Bình đều cao hơn so với yêu cầu của dự án. Tuy nhiên, nếu để lựa chọn mở rộng diện tích trồng giống dong riềng DR1 cơ quan chủ trì khuyến cáo nên thực hiện tập trung tại các thực hiện dự án nhưng đặc biệt quan tâm đến 2 tỉnh là Bắc Kạn và Hòa Bình.

Kết quả nghiên cứu cho thấy năng suất dong riềng bình quân đạt 83,14 tấn/ha (yêu cầu ≥ 60,0 tấn/ha), tăng 38,57% so với yêu cầu của dự án. Hiệu quả kinh tế của mô hình dong riềng bình quân đạt 40,11% so với hiệu quả sản xuất dong riềng ngoài mô hình (yêu cầu đạt ≥ 20%).

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17645/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

N.P.D (NASATI)