Viêm gan E là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do vi rút thuộc loài Orthohepevirus genus trong họ Hepeviridae gây nên. Vi rút viêm gan E (HEV) là ARN vi rút không có màng bao bọc. Bộ gen của HEV dài 7.2kb bao gồm 3 khung đọc mở: ORF1 mã hóa cho các protein phi cấu trúc, ORF2 mã hóa cho lớp vỏ capsid của vi rút, và ORF3 mã hóa các photpho-protein thường quy. Bệnh viêm gan E là bệnh truyền lây giữa người và động vật. Bệnh đã được báo cáo tại một số nước Châu Phi, Châu Mỹ La Tinh và Châu Á trong đó có Việt Nam. Hàng năm trên thế giới có khoảng 20 triệu ca mắc bệnh, trong đó Châu Á có số ca bệnh cao nhất chiếm 60.6% tổng số ca bệnh, đồng thời số ca chết do nhiễm HEV của bệnh nhân Châu Á chiếm 64.7% tổng số bệnh nhân chết do nhiễm HEV trên toàn thế giới. Cho đến nay vi rút viêm gan E (HEV) được biết đến có ít nhất 8 genotype đang lưu hành trên người và động vật. Trong đó HEV genotype (1-4, và 7) gây bệnh truyền lây giữa người và động vật. HEV genotype 3,4 và 7 truyền lây chủ yếu thông qua việc con người tiêu thụ các sản phẩm thịt, sữa hoặc nước uống có chứa mầm bệnh không được nấu chín.

Một số nghiên cứu tại các nước châu Á, châu Âu và Mỹ cho thấy lợn là loài vật chính truyền lây HEV genotype 3 và 4 cho con người. Tại Việt Nam, ca bệnh HEV trên người đầu tiên được ghi nhận vào năm 1994 trên lưu vực sông Hậu giáp ranh biên giới Campuchia. Một nghiên gần đây của Viện thú y trên mẫu phân lợn thu thập từ lò mổ tại Việt Nam cho thấy HEV đang lưu hành trên lợn với tỉ lệ 6.8%. Mặc dù bệnh viêm gan E là bệnh truyền lây giữa người và động vật nguy hiểm, tuy nhiên hiểu biết về HEV tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.

Nhằm đánh giá sự lưu hành của HEV trên các mẫu phân lợn thu thập tại các hộ chăn nuôi nhỏ và tỷ lệ huyết thanh dương tính với kháng thể kháng virus viêm gan E trong quần thể lợn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và Nghệ An; Phân tích đánh giá phả hệ di truyền và xác định genotype của các chủng HEV đang lưu hành trong đàn lợn tại địa bàn hai tỉnh. Phân tích sự truyền lây HEV giữa các loài và giữa các quốc gia có bệnh HEV đang lưu hành trên thế giới, nhóm nghiên cứu Viện thú y do TS. Bùi Nghĩa Vượng làm chủ nhiệm đã đề xuất thực hiện đề tài: Xác định tỷ lệ lưu hành huyết thanh dương tính với virus Viêm Gan E trong quần thể lợn tại Việt Nam, xác định genotype”.

Nhóm đề tài xây dựng một số phương pháp chẩn đoán dựa trên các phương pháp đã được phát triển trên thế giới và thích nghi với điều kiện các phòng thí nghiệm của Việt Nam. Sau đó ứng dụng các phương pháp đó vào trong nghiên cứu này. Để xác định tỷ lệ huyết thanh dương tính với viêm gan E, đề tài sẽ áp dụng phương pháp ELISA. Việc đánh giá tỷ lệ huyết thanh có thể phản ánh sự lưu hành hay phơi nhiễm của quần thể lợn ở địa phương với virus viêm gan E vì chưa có công ty hay viện nghiên cứu nào phát triển vaccine viêm gan E cho lợn. Để tiến hành phân tích được genotype nào đang lưu hành, đề tài tiến hành rà soát phát hiện gene của virus viêm gan E trong mẫu phân của lợn con nhỏ hơn 3 tháng tuổi bằng phương pháp Realtime RT-PCR. Đây là phương pháp có độ nhạy cao và đặc hiệu có thể thực hiện với nhiều mẫu một lúc. Từ các mẫu dương, đề tài sẽ tiến hành chạy nested PCR để khuếch đại đoạn gene mong muốn phục vụ việc giải trình tự. Phân tích phả hệ sẽ giúp phân định genotype nào đang lưu hành ở trên lợn. Căn cứ trên kết quả phân tích phả hệ, đề tài có thể đánh giá và khuyến cáo cho dân địa phương về mối nguy cơ bệnh lây từ lợn sang người đặc biệt trong bối cảnh người dân Việt Nam còn duy trì các thói quen ăn nem chua, tiết canh hay món tái… Đây cũng là tiền đề để xây dựng TCVN cho việc chẩn đoán bệnh Viêm gan E.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài thu được một số kết quả sau:

1. Xây dựng quy trình phát hiện virus viêm gan E bằng phương pháp Realtime RT-PCR

Đã xây dựng và tối ưu hóa thành công phương pháp phát hiện virus viêm gan E bằng Realtime RT-PCR đã được hội đồng khoa học của Viện thông qua và ứng dụng thành công phương pháp vào phân tích mẫu phân tại hai tỉnh Bắc Giang và Nghệ An.

2. Xác định genotype virus viêm gan E đang lưu hành bằng các phương pháp sinh học phân tử

– Đề tài thu thập tổng số 252 mẫu phân tại 120 hộ chăn nuôi trong địa bàn 4 xã thuộc 2 tỉnh Bắc Giang và Nghệ An. Tỉ lệ lưu hành của HEV trên lợn qua xét nghiệm sinh học phân tử bằng phương pháp real-time RT-PCR là 2.38% (6 mẫu dương /252 tổng số mẫu xét nghiệm). Trong đó tỉ lệ lưu hành HEV trên lợn tại tỉnh Nghệ An cao hơn chiếm 3.85% (5 mẫu dương/130 tổng số mẫu), và ở Bắc Giang là 0.82% (1 mẫu dương/120 mẫu xét nghiệm).

– Tổng số 4 mẫu HEV dương tính (3 mẫu tại Nghệ An và 1 mẫu tại Bắc Giang) qua xét nghiệm Nested PCR được tinh sạnh và giải trình tự thành công 348bp nucleotide gen HEV ORF2.

– Phân tích phả hệ di truyền 348bp nucleotide của gen HEV ORF2 cho thấy, cả 4 chủng HEV đang lưu hành trên đàn lợn tại hai tỉnh Nghệ An và Bắc Giang đều thuộc genotype 3, subgenotype 3a. Trong số 4 chủng HEV, 1 chủng phân lập tại Nghệ An có cùng nguồn gốc với các chủng HEV phân lập từ cày Mongoose và lợn nuôi tại Nhật Bản. Các chủng còn lại cùng nhóm với các chủng HEV phân lập tại Việt Nam trước đây.

– Đại đa số các hộ chăn nuôi lợn ở các vùng nông thôn và miền núi kém phát triển ở Việt nam thực hành an ninh và an toàn sinh học ở mức độ thấp. Người chăn nuôi thường làm việc trong môi trường vệ sinh kém và không có đồ bảo hộ. Thêm vào đó, một số địa phương vẫn còn thói quen ăn đồ ăn sống như gỏi thịt, nem sống, tiết canh, cá sống, hay rau sống được trồng theo cách truyền thống. Đây có thể là lý do khiến HEV có khả năng lây nhiễm sang con người. Chính vì vậy, việc điều tra, nghiên cứu các con đường truyền lây HEV, cũng như thói quen, tập quán của người dân tại một số vùng nông thôn miền núi kém phát triển là hết sức cần thiết. Thông qua nghiên cứu có thể xác định con đường truyền lây chính, giúp đề ra biện pháp phòng chống, khuyến cáo người dân, giúp ngăn chặn lây nhiễm và phát tán HEV. Hiện nay HEV phân bố khắp các Châu lục, chính do quá trình giao thương giữa các quốc gia khiến HEV có cơ hội truyền lây và phân bố rộng như vậy.

– Việc nghiên cứu và dịch tễ học phân tử và đường truyền lây các bệnh truyền lây giữa người và gia súc là rất quan trọng cho Việt Nam đặc biệt là bệnh viêm gan E vì những thiệt hại do nhiễm virus viêm gan E liên quan đến bệnh gan và rối loạn ngoài gan còn nhiều hạn chế. Ngày nay, với xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập, việc giao thương kinh tế và du lịch giữa các quốc gia phát triển nhanh chóng. Bên cạnh những lợi ích toàn cầu hóa đem lại, thì các nhà quản lý cũng gặp không ít khó khăn trong công tác quản lý dịch bệnh trên vật nuôi cũng như dịch bệnh trên con người. Trong những năm gần đây Việt Nam cũng phải đương đầu với những dịch bệnh lần đầu tiên xuất hiện trên đàn vật nuôi như bệnh Dịch Tả lợn châu Phi (African Swine Fever) xuất hiên đầu năm 2019 hay dịch bệnh Viêm da nổi cục (Lumpy Skin Disease) trên trâu bò xuất hiện cuối năm 2020. Do vậy, việc giám sát dịch bệnh mới nổi và tái nổi trong thời đại hiện nay để giúp chúng ta có thể dự báo sớm và phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi cũng như các dịch bệnh có thể lây từ động vật sang cho loài người là rất quan trọng và cần thiết trong công cuộc dự báo sớm và phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi cũng như cho loài người.

3. Đã đánh giá tỷ lệ huyết thanh dương tính sử dụng một số huyết thanh lợn của hai tỉnh Bắc Giang và Nghệ An

– Kết quả khảo sát tỉ lệ lưu hành huyết thanh học kháng viêm gan E trên đàn lợn hiện đang nuôi tại nông hộ của 2 tỉnh Bắc Giang và Nghệ An cho thấy tỉ lệ huyết thanh dương tính viêm gan E là khá cao, đối với cá thể lợn là 48,82% (95%CI: 44,73%-52,92%)

– Tỷ lệ huyết thanh dương tính là không đồng đều giữa các tỉnh, số liệu thu được trong nghiên cứu này cho thấy tỷ lệ dương tính ở Bắc Giang cao hơn tại Nghệ An

– Sự khác biệt lớn về tỷ lệ huyết thanh HEV ở lợn có thể do tính đặc hiệu và độ nhạy khác nhau của các xét nghiệm huyết thanh học được sử dụng. Tỷ lệ hiện nhiễm HEV có liên quan trực tiếp đến sự khác biệt trong công tác quản lý và thực hành vệ sinh chăn nuôi.

Kết quả nghiên cứu sẽ giúp ích cho công tác phòng chống lây truyền bệnh viên gan E từ động vật sang người. Cần phải mở rộng giám sát huyết thanh học trên cả nước và so sánh tỷ kệ huyết thanh dương hay ca bệnh ở người để có cái nhìn tổng thể về mối liên quan giữa người và động vật trong bối cảnh có sự lây nhiễm vi rút viêm gan E.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18354/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

P.T.T (NASATI) visa.gov.vn