(VietQ.vn) – Sàn giao dịch tri thức Novelind hiện đã thu hút được hơn 200 nhà khoa học nhận lời tham gia

Nhiều năm nay, ứng dụng khoa học công nghệ vẫn chưa được ứng dụng hiệu quả trong sản xuất công nghiệp. Lần đầu tiên tại TP.HCM đã có một giải pháp kết nối giữa nhà khoa học và doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể áp dụng các nghiên cứu từ các nhà khoa học. Và ngược lại các nhà khoa học lấy những ví dụ thực tiễn từ doanh nghiệp cho nghiên cứu. Đó là sàn giao dịch tri thức Novelind do Đại học Nguyễn Tất Thành sáng lập.

Theo TS. Dương Trọng Hải – Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Industry 4.0, Trường Đai học Nguyễn Tất Thành – người sáng lập ra Sàn giao dịch tri thức Novelind, hiện nay ở Việt Nam, phần lớn các nghiên cứu chạy đua theo bài báo, thành tích, chưa có đánh giá chuẩn. Người làm nghiên cứu còn đơn độc, chỉ có những nhóm nhỏ cùng chuyên môn. Với xu thế của ngành công nghiệp 4.0, nền kinh tế Việt Nam đòi hỏi phải có nghiên cứu và phát triển, phục vụ đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Trong khi đó, hàng năm có rất nhiều đề tài đặt hàng của nhà nước nhưng chưa đáp ứng được thực tế đặt ra.

“Vì vậy, sự ra đời của Sàn sẽ đáp ứng nhu cầu đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế chia sẻ, của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thông qua Sàn, những thách thức từ doanh nghiệp được giải quyết bằng kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học” – TS. Hải bày tỏ kỳ vọng với sàn tri thức Novelind.

Hiện Sàn giao dịch tri thức Novelind đã thu hút được hơn 200 nhà khoa học nhận lời tham gia. Trong đó có hơn 160 nhà khoa học làm chuyên gia và hơn 50 nhà khoa học lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu từ 50 trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp trên cả nước.

Muốn xây dựng và phát triển Novelind thành môi trường để các nhà khoa học, DN có thể liên kết cùng nhau giải quyết những yêu cầu của một nền công nghiệp 4.0 đang phát triển như vũ bão hiện nay và đem lại nhiều giá trị cho DN, cho xã hội, ThS. Vũ Tuấn Anh, Trưởng Dự án cộng đồng khởi nghiệp Hoa Sen Group cho rằng, cần xây dựng Sàn tri thức Novelind trở thành bước đột phá tại Việt Nam về việc là hệ thống kết nối giữa các cá nhân, tổ chức, DN với cộng đồng nhà khoa học.

Đồng thời xây dựng cộng đồng khoa học xuyên ngành, đáp ứng nhu cầu đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế chia sẻ, trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt, trở thành cổng KHCN, nơi đại diện cho các tổ chức KHCN lựa chọn các giải pháp tốt nhất cho các nhiệm vụ đặt hàng về KHCN.