Việt Nam nói chung và miền núi phía Bắc (MNPB) nói riêng, lúa gạo không chỉ là lương thực mà còn là một phân thiết yếu của đời sống văn hóa, chính trị. MNPB bao gồm 15 tỉnh được chia làm hai khu vực dựa vào điều kiện địa hình và khí hậu là Đông Bắc và Tây Bắc với tổng diện tích đất tự nhiên 9533,7 nghìn ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 1426,4 nghìn ha (chiếm 15%). Diện tích canh tác lúa của vùng là 689,2 nghìn ha chiếm 43,1% tổng diện tích đất nông nghiệp của toàn vùng. Bên cạnh đó vùng MNPB, do sự đa dạng về điều kiện tự nhiên, khí hậu đã tạo ra nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau, mỗi tiểu vùng đều đòi hỏi sự thích ứng khác nhau đối với mỗi loại giống cây trồng (thích ứng với điều kiện khí hậu, tập quán canh tác và hệ thống canh tác của vùng). Sự đa dạng này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh trưởng phát triển của nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng, trong đó có cây lúa, đặc biệt là các giống lúa bản địa chất lượng cao như: lúa Séng Cù-Lào Cai; Chiêm Hương-Yên Bái; Khẩu Mang, Già Dui-Hà Giang… Ngoài việc vẫn duy trì các giống lúa cổ truyền chất lượng cao thì nhưng năm gần đây do áp lực về gia tăng dân số và để đáp ứng đủ nhu cầu lương thực trong vùng nhiều địa phương đã thay đổi tập quán độc canh cây lúa với các giống lúa cổ truyền bằng tập quán đưa thêm một số cây trồng cạn vào gieo trồng trên đất lúa, tạo nên hệ thống cây trồng đa dạng, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn thay đổi giống lúa truyền thống bằng việc đưa vào các giống lúa thơm chất lượng, lúa năng suất cao ngắn ngày nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên cùng diện tích canh tác: HT1, HT6, T10…

Do nhu cầu về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hệ thống canh tác trên đất lúa trong vùng những năm qua có bước chuyển dịch lớn theo hướng: không ngừng tăng diện tích cấy lúa có thời gian sinh trưởng ngắn để tạo điều kiện mở rộng diện tích cây màu vụ đông. Hơn thế nữa, do hệ thống thủy lợi ở nhiều nơi còn hạn chế nên hệ thống đất ruộng, chưa khai thác hết tiềm năng của vùng. Chính vì vậy để tăng diện tích cây màu trong các năm tới thì cần có những giống lúa ngắn ngày, năng suất cao và vẫn đảm bảo được chất lượng hợp với nhu cầu của vùng. Mô hình về giống lúa mới có thể cho năng suất vượt trội cần thỏa mãn nhiều tiêu chuẩn, trong đó quan trọng nhất là: khả năng sinh trưởng phát triển mạnh trong các giai đoạn của đời sống cây lúa, ngắn ngày, có các yếu tố cấu thành năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu khá với các loại sâu bệnh gây hại và điều kiện bất thuận chủ yếu, khả năng thích ứng rộng. Do đó, nhóm nghiên cứu do TS. Lưu Ngọc Quyến, Viện khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền núi phía Bắc đứng đầu đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu chọn tạo giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt cho vùng miền núi phía Bắc” nhằm chọn tạo được giống lúa thuần ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh khá, thích hợp cho vùng miền núi phía Bắc.

Qua 4 năm thực hiện đề tài đã đạt được các kết quả như sau:

– Đối với kết quả thu thập, đánh giá và duy trì nguồn vật liệu ban đầu:

+ Thu thập được 156 mẫu giống vật liệu khởi đầu. Trong đó chọn ra được 124/156 mẫu giống đảm bảo yêu cầu về thời gian sinh trưởng ngắn (<135 ngày vụ Xuân), năng suất, chất lượng tốt, chống chịu khá làm vật liệu phục vụ cho quá trình lai tạo.

+ Đã lai tạo thành công 151 tổ hợp lai bằng phương pháp lai hữu tính và bằng xử lý đột biến tạo ra 44 dòng cây xanh từ mô phôi làm nguồn biến dị cho các chọn lọc tiếp theo.

– Kết quả chọn lọc đánh giá các dòng triển vọng:

+ Đánh giá tập đoàn con lai đã lưa chọn được 18 dòng đảm bảo ít nhất có 2/4 chỉ tiêu (thời gian sinh trưởng <110 ngày vụ Mùa, năng suất thực thu >65 tạ/ha, hàm lượng amylose <24% và chống chịu sâu bệnh khá) vượt hơn đối chứng.

+ Kết quả Đánh giá khả năng chống chịu sâu bệnh của các dòng triển vọng PB10, PB53 và PB61 cho thấy các dòng nhiễm nhẹ với rầy nâu, đạo ôn và bạc lá. Khả năng chịu hạn ở mức trung bình và chịu lạnh khá.

– Khảo nghiệm và sản xuất thử nghiệm các dòng/giống có triển vọng:

+ Kết quả khảo nghiệm VCU: Giống PB3 được đánh giá có triển vọng và được đề nghị cho sản xuất thử, các giống: PB10, PB53 và PB61 được đánh giá là giống có triển vọng và đề nghị khảo nghiệm sản xuất để đánh giá khả năng mở rộng.

+ Kết quả khảo nghiệm DUS cho giống PB53 khẳng định giống có tính ổn định và khác biệt với giống Hưng dân tại 3 tính trạng: Thời gian trỗ, chiều dài trục chính và hàm lượng amylose.

+ Năm 2015, giống PB53 đã được công nhận cho sản xuất thử theo quyết định số 609/QĐ-TT-CLT ngày 30 tháng 12 năm 2015.

+ Kết quả khảo nghiệm sản xuất tại các Phú Thọ, Hà Giang, Yên Bái và Điện Biên với diện tích 20 ha: Giống PB53 cho TGST ngắn (109 ngày vụ Mùa, 129-135 ngày vụ Xuân), NSTT trung bình từ 66,2-69,7 tạ/ha (Phú Thọ), đạt 73,5 tạ/ha (Yên Bái), 71,1 tạ/ha (Điện Biên), nhiễm nhẹ (điểm 0-3) với sâu bệnh hại. Các giống PB10 và PB61 cho TGST ngắn (119-135 ngày vụ Xuân), NSTT từ 65,3-70,2 tạ/ha, nhiễm sâu bệnh ở mức nhẹ đến trung bình. Hiệu quả kinh tế trong sản xuất PB53 cao hơn so với các giống đối chứng tại địa phương với tỷ suất lợi nhuận biên (MBCR) cao từ (- 4,45) – (+7,02).

– Hoàn thiện quy trình canh tác cho các dòng/giống lúa mới được chọn tạo:

+ Tổng hợp kết quả thử nghiệm các mật độ cấy tại Phú Thọ, Yên Bái và Hà Giang cho thấy, với giống PB53 khi cấy ở mật độ 40-50 khóm/m2 sẽ cho thời gian sinh trưởng ngắn: 127-129 ngày (vụ Xuân) và 100 ngày (vụ Mùa), năng suất cao: 66,5-74,4 tạ/ha và mức độ nhiễm sâu bệnh nhẹ-trung bình.

+ Với dòng PB53 khi bón liều lượng đạm 80-100kgN và kali 90K2O cho TGST ngắn (<135 ngày), các yếu tố cấu thành năng suất khá, năng suất cao (64,6-71,4 tạ/ha). Mức độ nhiễm sâu bệnh ở công thức 80-100kgN + 90K2O nhẹ (điểm 1-3).

– Trong 4 năm thực hiện đề tài đã tổ chức thành công 6 lớp tập huấn cho >120 người. Đề tài đã tham gia 3 bài báo trên tạp chí Khoa học Nông nghiệp, 1 bài báo quốc tế, tham gia đào tạo được 1 thạc sỹ, 1 tiến sỹ Nông nghiệp, hướng dẫn học tập cho 4 sinh viên thuộc Khoa Nông nghiệp thuộc Viện Công nghệ Ladkarabang hoàng gia King Mongkut Thái Lan.

– Tiếp tục chọn lọc các dòng triển vọng ở các thế hệ để có được những dòng, giống mới tốt hơn.

– Xác định vùng sinh thái thích hợp mở rộng phạm vi sản xuất cho các giống PB3, PB10, PB53 và PB61 bằng các thử nghiệm mô hình trình diễn, biện pháp kỹ thuật thích hợp cho từng vùng…

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 13174-2016) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

P.T.T (NASATI)