Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện nay ở 53/64 tỉnh thành của cả nước có khoảng 851 cơ sở giết mổ đã được kiểm tra đánh giá trên tổng số 28.285 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, trong đó phía Bắc có khoảng 11.485 cơ sở. Nước thải và chất thải rắn giết mổ có hàm lượng chất hữu cơ, nitơ, phốt-pho, và chứa một số lượng lớn vi khuẩn, vi rút gây bệnh. Nếu các chất thải này không được qua xử lý mà thải trực tiếp ra môi trường sẽ gây các tác động rất xấu đến môi trường xung quanh và sức khỏe của con người. Đa phần các lò giết mổ có quy mô nhỏ, và hầu như không trang bị hệ thống xử lý chất thải rắn hay nước thải ô nhiễm. Những chất thải này đều chủ yếu thải trực tiếp ra các con mương, ao hồ, hay đường đi gây mất vệ sinh môi trường cũng như làm ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.
Một số lò mổ có xây dựng các bể tự hoại hoặc hầm biogas để xử lý chất thải rắn lỏng này nhưng tương đối ít. Cơ sở hạ tầng dùng cho xử lý nước thải ở nước ta không đủ để có thể thu gom vận chuyển chất thải từ các lò giết mổ đưa tới các nhà máy xử lý tập trung. Do đó xử lý tại nguồn là một trong các giải pháp được đánh giá cao về hiệu quả và hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên các giải pháp này đòi hỏi mặt bằng xử lý rộng, hệ thống xử lý vận hành phức tạp, chi phí vận hành cao…
Từ những thực tế trên, từ tháng 2/2014 đến tháng12/2015, nhóm nghiên cứu do TS. Đỗ Tiến Anh, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đứng đầu đã tiến hành nghiên cứu đề tài; “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển mô hình công nghệ tích hợp tiên tiến có tận thu và sử dụng năng lượng tái tạo để xử lý hiệu quả, bền vững nguồn thải hỗn hợp rắn lỏng từ các lò giết mổ tập trung” với mục tiêu xây dựng và thiết kế được một mô hình công nghệ đồng bộ, hiệu quả để xử lý nguồn thải hỗn hợp rắn-lỏng từ lò giết mổ tập trung có quy mô 20-30m3/ngày đạt tiêu chuẩn nước thải loại B (QCVN 40:2011/BTNMT), sử dụng công nghệ xử lý tích hợp tiên tiến có tận thu và sử dụng hiệu quả năng lượng tái tạo phục vụ cho quá trình vận hành của mô hình trên cơ sở quy trình công nghệ đã được thử nghiệm và kiểm chứng ở quy mô phòng thí nghiệm. Đồng thời xây dựng, thiết lập và hoàn thiện các bộ thông số kỹ thuật cũng như xác định được các chỉ tiêu kinh tế, công nghệ cho mô hình xử lý tại nguồn quy mô 20-30m3/ngày đêm tại cơ sở giết mô đang hoạt động thực tế trên địa bàn Hà Nội cũng như đánh giá và kiểm chứng được tính ứng dụng, tính hiệu quả và bền vững của công nghệ và đề xuất các giải pháp chuyển giao và nhân rộng mô hình. Đây là đề tài nghiên cứu thuộc chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên.
Qua hai năm triển khai nghiên cứu với các nội dung nghiên cứu bao gồm nghiên cứu hiện trạng chất thải lò giết mổ và các phương pháp xử lý; khảo sát hiện trạng lò giết mổ ở Việt Nam và dự kiến công nghệ xử lý chất thải lò giết mổ; xây dựng và thực nghiệm hệ thống MBR xử lý nước thải lò giết mổ quy mô phòng thí nghiệm và quy mô 1-2 m3/ngày; phân lập vi sinh vật và lên men vi sinh vật phục vụ hệ thống xử lý sinh học năm chức năng; xử lý kị khí chất thải rắn lò giết mổ và lên men khí H2; xây dựng đồng bộ hệ thống xử lý chất thải rắn-lỏng lò giết mổ gia súc quy mô 20m3/ngày đêm; đánh giá hiệu quả kinh tế và đề xuất các giải pháp chuyển giao công nghệ, nhóm nghiên cứu đã đạt được các kết quả chính như sau:
Mô hình xử lý của đề tài tại tất cả các quy mô (PTN, 1m3, 20m3) có thể xử lý được COD, NH4, TN, TP đạt hiệu suất là 95%, 90% và 80%. Quy mô ngoài hiện trường cho thấy hiệu suất xử lý TN cao hơn so với tại hệ 1m3 và quy mô phòng thí nghiệm. Chất lượng nước sau xử lý đạt tiêu chuẩn loại B.
Hiệu suất lọc của hệ thống màng khí nâng theo quy trình vận hành của đề tài đã nghiên cứu cho thấy giảm được khả năng tắc màng. Kết quả sau thực nghiệm cho thấy lưu lượng lọc của hệ thống màng không đổi. Tại hệ phòng thí nghiệm, lưu lượng lọc đạt ổn định tại 18-25 LMH/bar trong thời gian hơn 4 tháng, tại hệ 20m3/ngày ngoài hiện trường đạt 50-60 LHM/bả trong một thời gian hơn 1 tháng và chưa thấy hiện tượng giảm lưu lượng lọc.
Chế phẩm vi sinh vật được phân lập và lên men từ nước thải giết mổ. Hiệu quả của chế phẩm vi sinh đã được chứng minh khi thí nghiệm tại hệ phòng thí nghiệm và khi được sử dụng tại bể 5 chức năng ngoài hiện trường 20m3/ngày.
Sự phân giải hiếu khí ưa nhiệt của chất thải lò giết mổ được sử dụng để sản xuất hyđro bằng quá trình tự lên men kỵ khí và bổ sung bùn hoạt tính làm tăng hiệu suất tạo thành hyđro là 35,93 (ml hyđro/g COD). Lên men kỵ khí hyđro sau khi tiền xử lý 48h cho năng suất hyđro tối đa 131,8 ml H2/g TS, cao hơn khoảng 15 lần so với bùn thô. Hiện nghiên cứu khí lên men khí H2 trong xử lý kỵ khí chất thải rắn lò giết mổ mới chỉ dừng lại tại quy mô phòng thí nghiệm, cần có nhiều nghiên cứu hơn để có thể đưa ra ứng dụng thực tế.
Hệ thống xử lý nước thải do đề tài tạo ra có lợi thế cạnh tranh hấp dẫn về giá cả so với các công nghệ nhập khẩu. Với lợi thế về giá và năng lực tự chủ hoàn toàn về thiết bị và công nghệ, sản phẩm của đề tài là một giải pháp hữu hiệu có thể triển khai đầu tư xây dựng đại trà, góp phần vào việc giải quyết tổng thể và toàn diện vấn đề ô nhiễm môi trường các cơ sở giết mổ tập trung hiện nay của nước ta. Đồng thời, sản phẩm của đề tài cũng có thể ứng dụng trong xử lý các nguồn thải hữu cơ rắn lỏng khác.
Như vậy, đề tài nghiên cứu đã góp phần đưa ra một công nghệ mới hiện đại, tiên tiến và phù hợp với điều kiện Việt Nam. Nếu sản phẩm này có thể nhân rộng sẽ góp phần vào việc bảo vệ môi trường cũng như sức khỏe cộng đồng.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 12032-2016) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)