Bộ trưởng Chu Ngọc Anh:Trong thời gian qua các Sở KH&CN đã tích cực chủ động tham mưu cho lãnh đạo địa phương ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát KH&CN, góp phần quan trọng tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội của vùng.
(Khoa học & Phát triển) Tại Hội nghị giao ban Khoa học Công nghệ các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ lần thứ XIII, năm 2018 với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh vừa diễn ra, vấn đề được bàn thảo nhiều nhất là tinh giản bộ máy hành chính.
Chưa vội cổ phần hóa
Ngay sau khi Nghị quyết 18 và 19 ra đời từ Hội nghị lần thứ 6, BCH TW Đảng khóa II liên quan đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được ban hành vào cuối năm 2017, kế tiếp đó là Nghị quyết số 10 và 8 của chính phủ cụ thể hóa nội dung trên ra đời vào đầu năm nay, các Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã nhanh chóng yêu cầu các cơ quan chuyên môn trực thuộc lập và hoàn thiện đề án tái cơ cấu lại bộ máy của mình trong vòng sáu tháng tới.
Những văn bản này không chỉ yêu cầu các sở KH&CN phải giảm thiểu các đầu mối, biên chế và tự chủ hóa các cơ quan trực thuộc mà còn chỉ ra cụ thể “về cơ bản, chỉ nên tổ chức một đơn vị sự nghiệp công lập”. Đây cũng là mấu chốt cuộc tranh luận, bởi các sở KH&CN ở các tỉnh Bắc Trung Bộ đều có từ 4-5 đơn vị sự nghiệp hiện nay.
Các phương án giải quyết tình trạng này không khó đoán trước, tập trung vào ba phương án: điều chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập sang một cơ quan khác (chẳng hạn như Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế chuyển Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển sang Hội Liên Hiệp Khoa học Kỹ thuật tỉnh), hay sáp nhập hai đơn vị thành một và cổ phần hóa. Nhưng hầu hết các sở đều có phần e dè khi thực hiện các phương án của mình do chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn và điều kiện của Bộ KH&CN. Họ sợ làm rồi sai thì không biết sửa thế nào. Thành ra, các sở đang đứng giữa hai gọng kìm như ông Trần Ngọc Nam, giám đốc sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế nói: “Một bên là áp lực từ phía Tỉnh ủy, một bên là ‘chờ thông tư’ của Bộ KH&CN”.
Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế, Trần Ngọc Nam:Sở vừa chịu sức ép từ UBND tỉnh, vừa “chờ công văn của Bộ” trong việc tinh giản bộ máy hành chính.
Sự lo lắng này hoàn toàn có cơ sở khi nhiều sở muốn cổ phần hóa những đơn vị sự nghiệp đang hoạt động hiệu quả nhất, tự chủ hoàn toàn nhờ vào doanh thu từ các dịch vụ KH&CN, đặc biệt là các trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Tuy nhiên điều này khác biệt với quan điểm của Bộ KH&CN.
Những diễn giả hôm đó đến từ Bộ KH&CN nhấn mạnh vấn đề cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập phải được “cân nhắc” vì những tổ chức có chức năng phục vụ quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công, sự nghiệp công do nhà nước đặt hàng.
“Vì vậy, ngay cả khi họ tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên, vẫn nên giữ là đơn vị sự nghiệp công lập, hoạt động theo cơ chế tự chủ mà vẫn phải đảm trách một số chức năng, nhiệm vụ phục vụ quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực” – Đại diện Vụ địa phương, Bộ KH&CN cho biết. Bản thân Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cũng chia sẻ rằng, một đơn vị sự nghiệp được cổ phần hóa bị cá nhân hóa rất cao, hiệu quả hoạt động bị chi phối bởi cá nhân giữ vai trò lãnh đạo trong công ty.
Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp (IMI) về cơ khí và tự động hóa của Bộ Công Thương, như một trường hợp thí điểm cho nghị định 115 trước kia là một “thực tiễn sinh động”, theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh. Ông cho rằng, thời kì đầu, IMI hoạt động rất tốt, thắng cả thầu nước ngoài nhưng sau khi thay đổi người lãnh đạo trong công ty, năng lực công nghệ sa sút và máy móc nhà xưởng đa phần đều không còn nữa.
Hơn nữa, những gì nhà nước đã đầu tư trước đó để viện này trở thành một cơ sở nghiên cứu ứng dụng và triển khai về cơ khí và tự động hóa không đủ ràng buộc hay triệu tập đơn vị này giải quyết các nhiệm vụ khoa học quốc gia. Và Bộ trưởng cho rằng, nếu muốn cổ phần hóa thì cũng cần có “quy chế cụ thể để cái tôi cá nhân có chừng mực thôi” để không ảnh hưởng đến kết quả quản lý của Sở hoặc Bộ KH&CN.
Phải cấp bách tự chủ
Việc phải tự chủ tài chính là một áp lực lớn đối với các tổ chức KH&CN sau khi Nghị định 54 mới ban hành vào năm 2016 của Thủ tướng, cùng với thông tư 90 của Bộ Tài chính thay thế cho Nghị định 115 trước đó về quy chế tự chủ của các tổ chức KH&CN công lập.
Theo ông Lê Xuân Định, Vụ trưởng vụ Kế hoạch – Tài Chính, Bộ KH&CN, nếu như trước đây việc xác định mức độ tự chủ dựa trên chức năng của tổ chức thì giờ đây dựa hoàn toàn theo hiệu quả tài chính. Theo đó, “số phận của đơn vị” phụ thuộc vào tỉ lệ giữa tổng nguồn thu sự nghiệp và chi thường xuyên. Tỉ lệ này càng lớn thì mức độ tự chủ, không phụ thuộc vào ngân sách của đơn vị càng cao. Nhưng cũng theo ông Định, công thức này chưa bao giờ được áp dụng vào thực tiễn và cũng không phải là cách tính hoàn hảo: “Nếu chúng ta chỉ áp dụng một cách máy móc công thức thì rất dễ xác định bản chất hình thức tự chủ của đơn vị sai hoàn toàn so với định hướng của thủ trưởng cơ quan hoặc lãnh đạo tỉnh”.
Ranh giới giữa nguồn thu và nguồn chi không hề dễ phân định đối với cơ quan quản lý. Theo khảo sát của ông Định, có rất nhiều trường hợp, một nhiệm vụ cấp bộ được giao cho đơn vị (nguồn thu) từ ban đầu nhưng về sau lại phục vụ nhiệm vụ thường xuyên và chức năng của đơn vị (nguồn chi). Lí do cho điều này, đó là, nguồn thu chủ yếu do các tổ chức Khoa học và công nghệ công lập báo cáo hiện nay vẫn đến từ các nhiệm vụ cấp tỉnh, cấp cơ sở và cấp quốc gia là chủ yếu, thay vì đến từ việc làm dịch vụ – nguồn xác định phương án tự chủ quan trọng nhất.
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ KH&CN Lê Xuân Định:Rất dễ xác định sai bản chất tự chủ của đơn vị so với định hướng của lãnh đạo cơ quan hoặc lãnh đạo tỉnh.
Và nguồn thu này rất ít ỏi, đa phần là “của nhà trồng được” (nhiệm vụ cấp Bộ thì giao cho đơn vị thuộc Bộ, cấp tỉnh thì cho đơn vị thuộc tỉnh), chỉ đủ để lo cho các hoạt động thường xuyên. Ngay cả các đơn vị nói rằng doanh thu từ dịch vụ của họ là rất lớn, hàng trăm tỉ, thì trừ đi chi phí đầu vào thì nguồn thu thực tế cũng rất nhỏ. Thành ra, “đa số các đơn vị sinh ra để cung cấp dịch vụ là chính thì lại được tính theo công thức của một đơn vị sinh ra để nghiên cứu là chính”.
Ông Định cho rằng, những người chịu trách nhiệm về tổ chức và tài chính của một đơn vị KH&CN phải rõ ràng và minh bạch trong việc xác định cơ chế tự chủ của mình với các cơ quan quản lý: “Tôi nói nôm na là nếu như chúng ta mà giấu nguồn thu chẳng hạn thì cũng không thể giấu được mãi. Sau ba năm, đơn vị là cung cấp dịch vụ mà nguồn thu từ dịch vụ là zero hoặc xấp xỉ zero thì không có lí do để tồn tại tiếp. Nếu cứ soi chiếu theo công thức này, nó sẽ tạo ra một cái khung rất khốc liệt cho sự tồn tại và phát triển của các đơn vị”.
Trên thực tế, việc tự chủ hóa các tổ chức KH&CN công lập là điều vô cùng khó khăn và mất nhiều thời gian. Trường hợp thành công như Hà Tĩnh (tất cả các trung tâm trực thuộc Sở KH&CN đều tự chủ) phải mất gần 10 năm và họ giao các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp sở cho các đơn vị với tiêu chí đầu ra khắt khe là có sản phẩm cụ thể và chứng minh được tiềm năng thị trường. Hơn nữa, nhờ thực hiện sớm nghị định 115, các trung tâm của họ cũng “tranh thủ” được những hỗ trợ về đất đai, cơ sở vật chất từ nhà nước, để làm “bàn đạp” cho việc tự chủ. Ông Đỗ Khoa Văn, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Hà Tĩnh thừa nhận, thời điểm bây giờ thì không có được thuận lợi như vậy.
Ông Đỗ Khoa Văn, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ kinh nghiệm tự chủ và tinh giảm biên chế.
Cơ hội thêm quyền tài sản cho các tổ chức KH&CN
Việc xử lý các tài sản hình thành từ việc triển khai các nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước là vấn đề đau đầu từ trước đến nay của các cơ quan KH&CN. Phần lớn các kết quả này đều… xếp xó vì đơn vị chủ trì không có quyền sở hữu để thương mại hóa và chuyển giao cho doanh nghiệp ngoài nhà nước. Hiện nay Nghị định 70 vừa được ban hành phần nào thay đổi được thực tế này. Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho rằng, đây là nghị định “ảnh hưởng đến ‘cơm áo gạo tiền’ của các tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH&CN”.
Theo đó, điểm đột phá nhất của nghị định này, theo ông Lê Xuân Định, là đối với những nhiệm vụ KH&CN mà nhà nước đầu tư kinh phí dưới 30% thì sẽ được giao không bồi hoàn cho các đơn vị chủ trì, kể cả các đơn vị chủ trì đó là doanh nghiệp.
Tuy nhiên, với những nhiệm vụ KH&CN mà nhà nước đầu tư trên 30% thì có các trường hợp sau: Bán trực tiếp cho doanh nghiệp. Trong trường hợp bán không được thì sẽ tiếp tục giao cho một đơn vị khác sử dụng (ưu tiên các đơn vị thuộc sở hữu nhà nước). Nếu đơn vị khác không sử dụng thì nấc thang cuối cùng, là giao cho tổ chức chủ trì tiếp tục sử dụng hoàn thiện và thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Nhưng với điều kiện là tổ chức chủ trì ấy phải có một phương án để thương mại hóa và được hội đồng đánh giá chấp nhận.
Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các tỉnh Bắc Trung Bộ
Trong giai đoạn 2016 – 2018, hoạt động nghiên cứu triển khai của các Sở KH&CN vùng Bắc Trung Bộ chuyển dịch theo cơ cấu kinh tế của Vùng và từng địa phương.
Nếu như 2014 – 2016, các nhiệm vụ nghiên cứu lĩnh vực khoa học xã hội chiếm 14% thì đến giai đoạn 2016 – 2018 tăng lên 25,54%; khoa học nhân văn từ 10,5% giảm xuống 3,78%. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã chủ động tham mưu lãnh đạo tỉnh đề xuất Bộ KH&CN tổ chức hỗ trợ nhiều nhiệm vụ KH&CN thuộc các Chương trình, dự án cấp quốc gia. Do đó KH&CN đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều kết quả nghiên cứu và phát triển KH&CN góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương và sự phát triển của Vùng.
Cụ thể đã thực hiện 529 nhiệm vụ khoa học bao gồm:
– Khoa học Tự nhiên: 37
– Khoa học Kỹ thuật và công nghệ: 90
– Khoa học Y dược: 65
– Khoa học Nông nghiệp: 182
– Khoa học Xã hội : 135
– Khoa học Nhân văn: 20
Tuy vậy hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ: chưa thực hiện được các nhiệm vụ có quy mô lớn, chưa đầu tư nghiên cứu theo chuỗi giá trị sản phẩm. Hệ thống cung cấp, trao đổi thông tin giữa các tỉnh về danh mục, kết quả các đề tài, dự án KH&CN vận hành chưa tốt nên còn có sự trùng lắp trong nghiên cứu; các địa phương còn lúng túng trong tổ chức các hoạt động xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo và chưa sẵn sàng cho việc thực hiện chức năng thẩm định công nghệ các dự án, đề án đầu tư phát triển theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ 2017; Công tác xã hội hóa hoạt động KH&CN chưa được đẩy mạnh, nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước chi cho KH&CN còn khá thấp. Hiện nay, một số địa phương đã có Quỹ phát triển KH&CN nhưng hoạt động chưa tốt. Quỹ của doanh nghiệp chưa được thực hiện; Hoạt động nghiên cứu triển khai trong các doanh nghiệp chưa được đẩy mạnh. Năng lực công nghệ của các doanh nghiệp trong địa phương nhìn chung còn yếu, số doanh nghiệp có đầu tư, đổi mới công nghệ không nhiều, trình độ công nghệ của một số nhóm ngành chủ lực chỉ đạt mức trung bình tiên tiến so với cả nước; Nhiều sản phẩm có thế mạnh của vùng chưa được đầu tư phát triển một cách thỏa đáng như vấn đề công nghệ chế biến sâu khoáng sản, công nghệ bảo quản chế biến nông lâm sản, phát triển bền vững cây dược liệu…