Bà Phan Hoàng Lan chia sẻ về các kiến nghị với chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Ảnh: Tử Thắng
(Báo Khoa học và phát triển ) Sự ra đời và phát triển của các startup Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, các startup Việt thường gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn từ các bên trong giai đoạn đầu khi mới có ý tưởng và xây dựng sản phẩm. Không ai khác, chính phủ giữ vai trò then chốt trong việc tháo gỡ những vướng mắc này.
Cần chấp nhận thất bại
Một doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thường trải qua 3 giai đoạn phát triển: Tìm hiểu thị trường, sản xuất sản phẩm mẫu và mở rộng thị trường để phát triển. Theo quá trình này, đường đi của nguồn vốn cũng theo hướng tiền ươm mầm, ươm mầm, gọi vốn từ nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm.
Tại hội thảo “Cơ chế tài chính hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo” do Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan Giai đoạn II (IPP2) tổ chức, bà Phan Hoàng Lan – Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, hiện nay số lượng startup đang ngày một gia tăng tại Việt Nam.
Cụ thể, tính đến năm 2017, Việt Nam có khoảng 3.000 startup. Họ rất cần có sự hỗ trợ về nguồn vốn để hiện thực hóa ý tưởng của mình, nhưng “startup Việt đang gặp phải khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn từ nhà nước, quỹ đầu tư hay tập đoàn công ty lớn. Vì vậy, ở giai đoạn đầu tiên khi hình thành ý tưởng, khảo sát thị trường, các startup hầu như đều tự bơi bằng nguồn vốn tự có hoặc vay của người thân” – bà Phan Hoàng Lan chia sẻ.
Ở góc độ người làm chính sách, bà Phan Hoàng Lan mong muốn rằng, nhà nước sẽ dành nguồn vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp. Việc hỗ trợ phải tiến hành ở giai đoạn đầu tiên, khi startup vẫn chưa có được sản phẩm hay tài sản thế chấp nào để thuyết phục nhà đầu tư hoặc ngân hàng.
“Để hái được trái ngọt, chính phủ cần tham gia hỗ trợ ngay từ giai đoạn này và biết chấp nhận thất bại. Các nhà đầu tư đầy kinh nghiệm cũng khó có thể biết được dự án nào thành công, nên họ thường phải đầu tư cho nhiều startup cùng một lúc. Thậm chí ở Nhật Bản, người khởi nghiệp thất bại còn được cộng điểm ưu tiên trong hồ sơ xin tài trợ của nhà nước. Nhiều nước trên thế giới, khi startup không thể chi trả nguồn vốn đầu tư ban đầu, chính phủ sẽ chuyển số tiền vay ban đầu thành tiền tài trợ để đơn giản hóa thủ tục” – Bà Lan nêu ví dụ về chính sách của các nước trên thế giới.
Cần tiếp tục giảm thiểu các thủ tục hành chính là một trong những kiến nghị được nhiều chuyên gia nhấn mạnh. Mặc dù trong 4 năm triển khai các chương trình hỗ trợ của IPP2, các startup cảm thấy vô cùng hào hứng, bởi hồ sơ đã được đơn giản hóa, không cần thực hiện các bản thuyết minh dài vài chục trang. Ngoài ra, các yêu cầu cứng nhắc về điều kiện nhận hỗ trợ cũng được đề nghị giảm thiểu.
Xây dựng bộ dữ liệu mở về doanh nghiệp
Theo các chuyên gia, các startup Việt Nam có điểm xuất phát tuyệt vời với nhiều nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhưng các bên liên quan còn thiếu thông tin và khả năng đánh giá dữ liệu. Đây là phần quan trọng giống nút cổ chai cản trở sự vận hành của cả mô hình.
Ông Jouko Ahvenainen – chuyên gia đến từ Grow Vc Group. Ảnh: Tử Thắng
Ông Jouko Ahvenainen – chuyên gia đến từ Grow Vc Group, công ty hàng đầu thế giới về các sáng kiến Fintech (công ty tài chính công nghệ), dịch vụ tài chính kỹ thuật số, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cho rằng, các ngân hàng rất khó ra quyết định cho vay vì không có đủ thông tin từ công ty xin đầu tư. Ông nhấn mạnh: “Toàn bộ thị trường cần có nguồn dữ liệu mà ngân hàng và nhà đầu tư có thể truy cập được một cách minh bạch. Hệ thống cho phép kiểm tra sự vận hành của doanh nghiệp, hóa đơn và các giao dịch cụ thể trong từng giai đoạn theo thời gian thực. Nếu có những dữ liệu này, ngân hàng cũng như nhà đầu tư mới có cơ sở để ra quyết định, giúp giảm thiểu rủi ro. Đây là quá trình vô cùng quan trọng khi giải ngân’”.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, nhà nước cần chú trọng xây dựng hệ sinh thái hoàn chỉnh với quy định pháp lý minh bạch, rõ ràng và môi trường thông thoáng, để nhà đầu tư yên tâm rót vốn, khơi thông nguồn vốn tư nhân. Ông tiết lộ: “Tôi biết rất nhiều nhà đầu tư quan tâm tới thị trường startup Việt Nam nhưng họ vẫn còn ngần ngại đổ tiền vào lĩnh vực này do môi trường pháp lý còn phức tạp”.
Ông cho hay, hệ sinh thái của Việt Nam dù đang ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển nhưng đang đi đúng hướng. Để hoàn thiện được hệ sinh thái này cần thời gian và không ai có thể buộc hệ sinh thái này hoàn thiện trong thời gian ngắn.