Các loài keo và bạch đàn được sử dụng phổ biến nhất để trồng rừng ở Việt Nam nhằm cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp giấy, ván gỗ nhân tạo và xây dựng dân dụng (làm ván cốt pha, cột chống)… Loại vỏ bầu bằng màng PE dạng túi từ sản phẩm dầu mỏ đang được sử dụng phổ biến để ươm cây giống do rất mềm, nhẹ, dễ xếp gọn, thuận tiện sử dụng và giá thành thấp song rất khó phân hủy, khó tách khỏi khối đất bầu và khó thu hồi sau khi trồng nên thường bị vứt bỏ bừa bãi trên hiện trường, vùi lấp cùng bầu cây, làm cản trở phát triển của bộ rễ, đặc biệt làm hư hỏng đất trồng.
Vỏ bầu ươm cây mọc nhanh cho các loài keo, bạch đàn… rất nhỏ với đường kính bầu trung bình (5 – 6) cm, thậm chí (3,5 – 4) cm. Vỏ bầu được dán đáy để chống tụt khối hỗn hợp và được đục một số lỗ ở thành bên để thoát nước và tăng cường ôxy cho bộ rễ. Do vậy, rất khó cơ giới hóa khâu đóng bầu, thường phải làm bằng thủ công, tốn công sức, chất lượng không đều.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, từ năm 2012 đến năm 2016, nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam do TS. Lê Xuân Phúc dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu công nghệ sản xuất bầu ươm cây giống lâm nghiệp quy mô bán công nghiệp với vỏ bầu mềm tự hủy & compost từ sản phẩm phụ rừng trồng”.
Một số kết quả nổi bật của nghiên cứu:
– Đã xây dựng và hoàn hiện được quy trình công nghệ tạo vật liệu tự hủy sinh học và sản xuất vỏ bầu ươm cây tự hủy từ polyme đáp ứng yêu cầu ươm cây giống lâm nghiệp mọc nhanh.
– Đã tạo ra chế phẩm sinh học thích hợp cho phân hủy xenlulô của cành lá vỏ cây keo, xây dựng được quy trình công nghệ ủ compost từ cành lá vỏ cây rừng trồng quy mô trang trại hộ gia đình phù hợp với điều kiện sản xuất lâm nghiệp Việt Nam, góp phần tăng giá trị rừng trồng, tăng thu nhập cho người dân miền núi và giảm ô nhiễm môi trường.
– Đã xây dựng được công nghệ sản xuất bầu ươm cây giống lâm nghiệp quy mô bán công nghiệp phù hợp với điều kiện sản xuất lâm nghiệp Việt Nam, sử dụng vỏ bầu ươm tự hủy và compost từ sản phẩm phụ rừng trồng.
– Đã hướng dẫn kỹ thuật và chuyển giao công nghệ sử dụng và bảo quản vỏ bầu tự hủy, sản xuất và sử dụng compost để ươm cây giống lâm nghiệp, sử dụng bảo trì hệ thống máy sản xuất bầu ươm cây cơ sở sản xuất.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 13565) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)