Lắp đặt thiết bị sàng lọc cát tại Phú Quốc – Ảnh: Thanh Ngọc
(Motthegioi.vn) Mới đây, ông Võ Tấn Dũng – tác giả sáng chế công nghệ chế biến cát sạch Phan Thành – đã cùng Công Ty CP Cát đá Việt Sàng Rửa Sạch (Cần Thơ), hoàn tất việc lắp đặt máy, đưa vào vận hành công nghệ chế biến cát biển và đã thẩm định cát sạch thành phẩm cho ra kết quả sau chế biến đạt tiêu chuẩn cát xây dựng theo TCVN 7570:2006, tại đảo Phú Quốc (Kiên Giang).
Những ngày trước đó, với sự giám sát của các nhà báo, chuyên gia, cán bộ kỹ thuật Viện Vật liệu xây dựng, Viện Chuyên ngành bê tông, thuộc Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng), ông Dũng cùng các cộng sự đã tiến hành đưa nguồn cát nhiễm mặn nguyên khai tại vùng biển Phú Quốc (Vùng 5 Hải quân), vào chế biến bằng công nghệ Phan Thành. Cơ sở này đặt tại ấp 7, TT.An Thới, H.Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Và ngày 12.1.2019, các cán bộ kỹ thuật và chuyên gia của Viện Chuyên ngành bê tông, đã thu mẫu tại hiện trường, niêm phong đưa về Hà Nội, tiến hành thí nghiệm. Kết quả phân tích: Cát nhiễm mặn nguyên khai tại vùng biển Phú Quốc có hàm lượng bụi, bùn, sét, tạp chất hữu cơ khá cao (1,5 % – nhiều nhất là vỏ sò) và hàm lượng ion clo (Cl-) là 0,38%. Nhưng sau khi đưa vào chế biến bằng công nghệ Phan Thành đã cho ra cát thành phẩm sạch, hàm lượng tạp chất hữu cơ đạt 0,2% và hàm lượng Cl- đạt 0,009% và Modul độ lớn của hạt đạt 1.6.
Các chuyên gia, kỹ thuật viên của Phân viện Vật liệu xây dựng miền Nam – Bộ Xây dựng lấy mẫu tại hiện trường kỳ sản xuất ngày 7.1.2019, cũng cho ra kết quả thí nghiệm sản phẩm cát nhiễm mặn tại vùng biển Phú Quốc sau chế biến bằng công nghệ Phan Thành đạt tỷ lệ Cl- là 0,009%. Trước đó, ngày 15.1.2019, Trung tâm Đo lường chất lượng Cần Thơ, xác nhận tỉ lệ Cl- trong sản phẩm cát đạt tỷ lệ 0,003%.
Các chuyên gia thu mẫu cát – Ảnh: Thanh Ngọc
Và ngày 22.1.2019, Viện Chuyên ngành Bê tông thuộc Viện Khoa học công nghệ xây dựng có văn bản báo cáo chính thức, nhận xét: Mẫu cát nhiễm mặn Phú Quốc nằm trong vùng vô hại về khả năng phản ứng kiềm silic, trước khi chế biến hàm lượng Cl- không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật sử dụng cho bê tông, vữa sau khi được lọc rửa bằng công nghệ Phan Thành thì lượng bụi, bùn, sét, tạp chất hữu cơ và hàm lượng Cl- đạt yêu cầu kỹ thuật sử dụng cho các loại bê tông và vữa theo yêu cầu kỹ thuật trong TCVN 7570:2006.
Thực tế, việc chế biến cát nhiễm mặn bằng công nghệ Phan Thành đã chính thức thành công từ tháng 3.2018. Khi đó, kết quả kiểm nghiệm của các chuyên gia, cho thấy: mẫu cát nhiễm mặn nguyên khai vùng biển Bà Rịa – Vũng Tàu có hàm lượng Cl- là 0,255%, sau khi đưa vào chế biến bằng công nghệ Phan Thành, giảm xuống đạt tỷ lệ ở mức 0,018 %.
Từ năm 2017, Công Ty Phan Thành đã chủ động thu mẫu cát nhiễm mặn ở nhiều nơi trên phạm vi cả nước, như Móng Cái, Vân Đồn, Bình Thuận, Kiên Giang… đưa vào chế biến thử nghiệm trong quá trình hoàn thiện chế tạo công nghệ và các đơn vị chức năng kiểm định đều ghi nhận chất lượng cát sau chế biến đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cát xây dựng theo quy định, đặc biệt là hàm lượng Cl-.
Là một trong những chuyên gia trực tiếp tham gia thị sát, lấy mẫu thí nghiệm, kiểm định chất lượng cát nhiễm mặn đưa vào chế biến bằng công nghệ chế biến cát sạch Phan Thành, ông Nguyễn Đức Thắng – nguyên Giám đốc Viện Chuyên ngành Bê tông thuộc Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) – khẳng định: Các yếu tố gây hại còn lại trong cát biển nguyên khai như hàm lượng Cl-; bụi, bùn, sét, tạp chất hữu cơ và thành phần hạt mịn thì qua dây chuyền công nghệ chế biến cát sạch Phan Thành đều có thể xử lý được, chống tình trạng hút ẩm, dộp bê tông, ăn mòn bê tông cốt thép từ việc sử dụng cát biển.
Cát thành phẩm từ cát nhiễm mặn – Ảnh: Thanh Ngọc
Được biết, cụm máy chế biến cát tại đảo Phú Quốc là 1 trong 6 cụm máy chế biến được Công Ty Phan Thành ủy quyền cho Công Ty CP Cát đá Việt Sàng Rửa Sạch liên kết lắp đặt. Trước đó, công ty đã hợp tác lắp đặt thành công công nghệ chế biến cát tại TP.Cần Thơ, TX.Gò Công (Tiền Giang), Long An, TP.HCM, và đang lắp đặt tại Thanh Hóa.
Đến nay, các cụm máy này đều đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu chế biến các loại cát sông, suối, đồi núi và dần có chức năng chế biến cát biển nhiễm mặn đạt tiêu chuẩn chất lượng TCVN 7570:2006, theo quy mô công nghiệp. Theo các chuyên gia xây dựng, việc chế biến thành công cát biển nhiễm mặn đạt tiêu chuẩn cát xây dựng sẽ góp phần tích cực để khắc phục cơn sốt cát xây dựng trên thị trường, đáp ứng yêu cầu tận dụng nguồn cát biển đưa vào phục vụ nhu cầu xây dựng các công trình biển đảo.
Đây cũng là giải pháp phát huy lợi thế sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, giảm chi phí cát và vận chuyển cát trong đầu tư xây dựng công trình, nâng cao hiệu quả sử dụng công trình; Đồng thời tận dụng được nguồn cát biển dôi ra sau quá trình khơi thông luồng lạch… hàng năm.