(Theo Tạp chí Khám phá) – Để khởi nghiệp thành công, một trong các yếu tố then chốt là đơn vị, cá nhân hoặc tổ chức khởi nghiệp phải có trong tay Sở hữu trí tuệ (SHTT – IP) các phát minh, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp… về loại sản phẩm do mình làm ra. Điều đó không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao giá trị sản phẩm mà còn hạn chế cạnh tranh đến từ các đối thủ không có SHTT về sản phẩm. Đó là ý kiến của LS. Nguyễn Văn Viễn, nguyên Phó cục trưởng Cục SHTT và hiện đang là Giám đốc Trung tâm Tư vấn SHTT và Đầu tư (LUVINA).
Nhưng làm sao để đăng ký SHTT cho sản phẩm thì không phải ai cũng biết. Từ đó phát sinh nhu cầu được tư vấn để đăng ký SHTT. Đây cũng chính là vấn đề nổi cộm nhất trong buổi tọa đàm mở diễn ra vào sáng nay, với hàng loạt các câu hỏi xoay quanh việc tư vấn SHTT trên địa bàn TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Chương trình do Sở Khoa học Công nghệ (KHCN) TP.HCM, Cục Sở Hữu Trí Tuệ (SHTT) Việt Nam và Hội Sở Hữu Trí Tuệ TP.HCM tổ chức tại Saigon Innovation Hub (SIHUB).
Theo thống kê của Cục SHHT, hiện cả nước đang có 183 tổ chức đại diện Sở hữu Công nghiệp đang hoạt động với 273 người có thẻ đại diện. Riêng TP.HCM có 44 tổ chức đại diện.
Ngoài ra, các tổ chức đại diện có trụ sở ở Hà Nội cũng đã mở thêm văn phòng đại diện hoặc chi nhánh ở TP.HCM. Từ đó nâng tổng số tổ chức đại diện Sở hữu Công nghiệp hợp pháp ở đầu tàu phía Nam lên 50 đơn vị.
LS Nguyễn Văn Viễn chia sẻ các vấn đề về đăng ký SHTT.
Cục nhận định, đa số các tổ chức được cấp thẻ đều làm tốt công việc của mình. Nhưng vẫn có vài tổ chức hoạt động chưa hiệu quả, chưa đáp ứng được nhu cầu của người cần tư vấn và làm lãng phí thời gian của họ không cần thiết.
Theo ý kiến của Cục, số lượng tư vấn viên Sở hữu Công nghiệp tham gia ngày càng nhiều hơn song đa số chưa nắm chắc kiến thức chuyên môn đã hành nghề tư vấn, dẫn điến tình trạng trên. Bên cạnh đó, đã xuất hiện tình trạng có những đơn vị, tổ chức mạo danh các cơ quan chức năng để lừa đảo khách hàng, khiến việc đăng ký SHTT của nhiều người lâm vào bế tắc.
Gỡ rối cho vấn đề này, bà Nguyễn Thị Vân – nguyên Trưởng Văn phòng đại diện Cục SHTT tại TP.HCM và hiện công tác ở Công ty TNHH Tầm nhìn và Liên Danh, cho rằng để giải quyết dứt điểm tình trạng giả mạo, các cơ quan chức năng nhà nước phải vào cuộc. Bản thân Cục SHTT cũng có hạn chế về năng lực và người dân không có khả năng phân biệt đâu thật đâu giả.
“Vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước phải hỗ trợ cho doanh nghiệp biết cách chọn dịch vụ nào tốt, để tránh các dịch vụ lừa đảo mạo danh Cục SHTT”, bà Vân đề xuất.
Trước câu hỏi, làm sao để người dân tiếp cận được dịch vụ tư vấn tốt hơn, bà Trương Thùy Trang, nguyên Trưởng phòng SHTT, nguyên PGD Sở KHCN TP.HCM, cho rằng muốn xây dựng một hệ thống tư vấn chuyên nghiệp, phải dựa trên kết nối từ 3 phía – nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức tư vấn.
Trước hết, tổ chức tư vấn phải là các đơn vị đã có kinh nghiệm, biết cách tư vấn tốt nhất, hiệu quả nhất để khách hàng có thể sớm đăng ký SHTT.
Các tổ chức này sẽ được lên cơ sở dữ liệu để người dân có thể tham khảo. Kế đó, cần có danh sách các doanh nghiệp đã đăng ký thành công SHTT, đã đạt được thành tựu trong kinh doanh để làm cơ sở tham chiếu cho các doanh nghiệp khác.
Sau cùng, bà Vân nhấn mạnh vai trò kết nối của nhà nước trong việc cung cấp các thông tin trên, đặc biệt ở hình thức online chứ không chỉ dựa vào các buổi hội thảo offline. Các chương trình và hoạt động liên quan tới SHTT của nhà nước cũng phải thường xuyên được cập nhật trên các trang web của Sở hay Cục để người dân nắm rõ.
Các bạn trẻ và doanh nghiệp tìm kiếm đơn vị tư vấn sau buổi tọa đàm.
Kết thúc buổi tọa đàm, các chuyên gia cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về SHTT, nhất là ở khối cái trường ĐH, Học viện. Tuy đã có một số nơi thành lập phòng SHTT của riêng mình nhưng vẫn còn nhiều cơ sở khác xem nhẹ vấn đề này.
Các chuyên gia cũng đề nghị, cần học tập thêm kinh nghiệm của nước khác, nhất là các nước mạnh về SHTT. Đặc biệt, công tác đào tạo chuyên gia tư vấn cũng phải hiệu quả hơn để giảm thiểu tình trạng thiếu năng lực chuyên môn trong công tác.