Cám mì thường được sử dụng làm thức ăn gia súc, nhưng trong tương lai, giá trị của cám mì trong chế độ dinh dưỡng của con người và trong y học có thể được khai thác hết tiềm năng nhờ phương pháp xử lý mới bền vững do các nhà nghiên cứu Thụy Điển phát triển.
Phần ít giá trị nhất của hạt lúa mì là cám, lớp phủ ngoài của hạt nhân, thường được bán dưới dạng thức ăn gia súc. Nhưng, giờ đây, quy trình mới của các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ hoàng gia KTH ở Stockholm có thể khai thác các phân tử sinh học giá trị từ cám mì để sử dụng làm chất chống oxy hóa, prebiotic (nguồn thức ăn cho các vi sinh vật hữu ích trong đường ruột của vật chủ) và thậm chí là vật liệu bao gói thực phẩm.
Quá trình khai thác chỉ sử dụng nước nóng cao áp và các enzym hoạt tính cacbohydrat để thu hemicellulose và oligosaccharide của cám mì. Quá trình này cho phép polysaccharide duy trì tính chất chống oxy hóa, thường bị mất đi nếu áp dụng các kỹ thuật khai thác bằng kiềm thông thường.
PGS. Francisco Vilaplana, đồng tác giả nghiên cứu cho rằng: “Trong cám mì và các mô ngũ cốc khác, hemicellulose rất khó tách vì chúng liên kết với nhau rất chắc”. Để phân tách, cần có kiềm nhưng quá trình này cũng phá hủy phần phân tử mang lại cho phân tử chức năng chống oxy hóa.
Nhóm nghiên cứu đã áp dụng phương pháp tách hemicellulose ở dạng polyme và sau đó sử dụng enzym để xử lý có chọn lọc dư lượng chưa được khai thác. Nhờ vậy, họ đã tăng tối đa tổng khối lượng phân tử sinh học có giá trị từ cám mì.
Các nhà khoa học đang nghiên cứu những ứng dụng triển vọng của các polyme sinh học này, chẳng hạn như để sản xuất màng bọc thực phẩm tiện ích và chất làm đặc, cung cấp một phương pháp tự nhiên, không chất phụ gia để ngăn chặn quá trình oxy hóa. Trong y học, polyme sinh học cũng có thể được sử dụng để bao gói các hợp chất hoạt tính nhạy oxy và giảm viêm do loại oxy phản ứng gây ra trong các ứng dụng y sinh. Ngoài ra, hemicelluloses và oligosaccharide cũng được biết đến có tính chất prebiotic như chất xơ, quan trọng đối với việc cải thiện chế độ dinh dưỡng và sức khỏe con người.
N.P.D (NASATI), Theo https://www.sciencedaily.com/releases/2017/05/170502095824.htm, 4/5/2017