Các nhà khoa học đã đưa ra kỹ thuật sửa chữa ADN bị hỏng. Bước đột phá này có thể mở đường cho các liệu pháp mới điều trị ung thư và rối loạn thoái hóa thần kinh. Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Nature Communications.
Sự tích tụ tổn thương ADN là nguyên nhân gây lão hóa, ung thư và các bệnh thần kinh như bệnh thần kinh vận động, còn được gọi là ALS. Cho đến nay, các nhà khoa học đã cố gắng tìm cách sửa chữa tổn thương này. Các nhà nghiên cứu ở Anh đã phát hiện ra một loại protein mới có tên TEX264 có thể kết hợp với các enzyme khác để tìm kiếm và phá hủy các protein độc hại liên kết với ADN và gây tổn thương.
Các nhà khoa học đang hy vọng xác định được các phương thức sử dụng TEX264 và các protein cùng loại với protein này để sửa chữa tổn thương ADN liên quan đến các rối loạn như ung thư và ALS. Các liệu pháp mới lấy cảm hứng từ nghiên cứu mới nhất cũng có thể được sử dụng để sửa chữa tổn thương do hóa trị.
“Thất bại trong việc sửa chữa các đứt gãy ADN trong bộ gen của chúng ta có thể ảnh hưởng đến khả năng tận hưởng cuộc sống khỏe mạnh ở tuổi già, cũng như khiến chúng ta dễ mắc các bệnh thần kinh như bệnh thần kinh vận động“, đồng tác giả nghiên cứu Sherif El-Khamisy, giáo sư phân tử sinh học và công nghệ sinh học tại trường Đại học Sheffield ở Anh nói. “Chúng tôi hy vọng thông qua hiểu cách các tế bào sửa chữa các đứt gãy ADN, chúng tôi có thể hỗ trợ đáp ứng một số thách thức này, cũng như khám phá những cách mới để điều trị ung thư trong tương lai“.
Thông qua nghiên cứu TEX264, các nhà khoa học đã hiểu cách cơ thể tìm kiếm các protein có hại theo cách tự nhiên và sửa chữa tổn hại ADN mà chúng gây ra. Bước tiếp theo, nhóm nghiên cứu sẽ xác định xem liệu việc điều chỉnh biểu hiện và tính chất của protein TEX264 có thể đảo ngược tác động của lão hóa và làm thay đổi tiến trình của các bệnh như ung thư và rối loạn thần kinh hay không.
N.P.D (NASATI), theo https://www.upi.com/Science_News/2020/03/09/Scientists-find- toolkit-to-aid-repair-of-damaged-DNA/3751583765543/?sl=10