Sau 25 năm thực hiện ca ghép tạng đầu tiên trên người tại Việt Nam, đến nay nước ta đã có hơn 1.500 ca ghép tạng được thực hiện thành công. Hiện Việt Nam đã làm chủ được nhiều kỹ thuật khó trong ghép tạng với tỉ lệ thành công tương đương với nhiều nước trên thế giới.

 

Đánh dấu nền y học Việt trên bản đồ ghép tạng thế giới

 

Thiếu tướng, GS.TS. Đỗ Quyết – Giám đốc HVQY cho biết, ghép tạng là một trong mười thành tựu khoa học lớn nhất của thế kỷ XX. Ca ghép tạng đầu tiên trên thế giới được thực hiện vào năm 1952. Đó là trường hợp của một bà mẹ tình nguyện hiến một quả thận cho con trai không may bị tai nạn và bị giập thận. Thời điểm ấy, giới y học vẫn chưa xác định được các yếu tố về sự phù hợp của các tổ chức trong cơ thể. Vì vậy, chỉ sau ghép 10 ngày bộ phận ghép đã bị đào thải, cậu bé không may đã qua đời. Những nỗ lực để hoàn thiện việc ghép tạng chỉ đến sau đó, năm 1954 ở Boston (Mỹ), khi ca ghép thận đầu tiên thành công.

 

Hiện trên thế giới mỗi năm có khoảng 50.000 trường hợp ghép tạng được tiến hành với tỷ lệ sống thêm sau ghép trên 1 năm và 5 năm là từ 80 – 90%. Ngày nay, cùng với những tiến bộ trong nhiều lĩnh vực của y học như phẫu thuật, gây mê, hồi sức, nội khoa, miễn dịch,… kỹ thuật ghép tạng trên thế giới đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Đã thực hiện ghép tim ở trẻ mới đẻ 9 giờ tuổi, ghép phổi từ người sống, ghép nhiều tạng như tim phổi, thận tụy, gan tim… Đặc biệt, thời gian sống sau ghép của bệnh nhân đã tăng đáng kể (trên 30 năm với ghép thận, trên 25 năm với ghép gan, trên 20 năm với ghép tim), chất lượng cuộc sống sau ghép đã được cải thiện rõ rệt và có thể hòa nhập với cộng đồng trong lao động, học tập, kết hôn, sinh con,…

 

Tại Việt Nam, lịch sử ngành ghép tạng được đánh dấu bằng sự kiện ca ghép thận cho Thiếu tá 40 tuổi vào ngày 4/6/1992 tại Bệnh viện Quân y 103 (HVQY) từ người cho là em trai ruột 28 tuổi. Sau đó 12 năm (tháng 01/2004), ca ghép gan đầu tiên được thực

 

hiện. Hiện nay, cháu bé được ghép gan đã chuẩn bị tốt nghiệp Trường cao đẳng Quân y. Đến nay, đã có 68 bệnh nhân cứu sống nhờ được ghép gan. Cụm công trình ghép thận và ghép gan của HVQY đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN năm 2006; Sáu năm sau, ngày 17/6/2010 ca ghép tim từ người cho chết não đầu tiên tại Việt Nam đã ghi tên Việt Nam vào bản đồ một số ít nước trên thế giới ghép tim trên người thành công. Đến nay đã có 15 bệnh nhân được cứu sống nhờ ghép tim; Ngày 01/03/2014, ca ghép đồng thời đa tạng thận-tụy đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện thành công và mới đây ngày 21/2/2017, ca ghép phổi từ người cho sống đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện tại HVQY. Bệnh nhân được ghép phổi hiện đang hồi phục rất tốt. Đó là những cột mốc, đỉnh cao của y học về ghép tạng. Tất cả những thành công nói trên, đều là lần đầu tiên triển khai trên người tại HVQY và là kết quả của các nhiệm vụ KH&CN độc lập, đề tài thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) quản lý.

 

Theo GS.TS. Phạm Gia Khánh – Chủ tịch Hội ghép tạng Việt Nam, có thể khẳng định, sau 25 năm kiên trì, nỗ lực, ghép tạng Việt Nam đã thực sự theo kịp ghép tạng thế giới, thực hiện được các kỹ thuật và công việc của ghép tạng mà thế giới đang làm, đó là: Ghép được các tạng quan trọng nhất và thường gặp trong lâm sàng (thận, tim, gan, tụy, phổi, riêng ghép ruột chưa làm vì chưa có chỉ định ghép hoặc không có người cho tạng); Làm chủ được các kỹ thuật ghép các tạng với tỷ lệ tử vong, tai biến, biến chứng

 

  • mức thấp nhất, tương đương các nước trên thế giới; Lấy đa tạng ghép cho nhiều bệnh nhân; Ghép đa tạng; Số lượng ghép tăng nhanh hàng năm; Phát triển nhanh các trung tâm ghép; Giải quyết tốt nguồn hiến tạng; Các bệnh viện có ghép tạng đã thành lập đơn vị điều phối tạng, giúp Trung tâm Điều phối Quốc gia ghép bộ phận cơ thể người hoạt động ngày càng hiệu quả. Có được những thành công này là do các nhà khoa học trong lĩnh vực ghép tạng của Việt Nam đã tự tin, dám nghĩ, dám làm, chịu khó, chịu khổ, chủ động, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn; có sự đoàn kết, hợp tác giữa các nhà khoa học trong nước và quốc tế; có sự đầu tư cho KH&CN đúng hướng và đúng mức.

 

Tiếp tục ứng dụng kỹ thuật tiên tiến

 

Bệnh viện Quân y 103 là cơ sở đầu tiên trong cả nước triển khai tất cả các loại ghép tạng đã thực hiện được tại Việt Nam hiện nay: ghép thận, ghép gan, ghép tim, ghép đồng thời tụy-thận, mới đây là ghép phổi. Đồng thời, là 1 trong 4 cơ sở ghép tạng nhiều nhất tại nước ta hiện nay (cùng Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện TW Huế, Bệnh viện Việt Đức). Để chuyển giao rộng rãi các kỹ thuật ghép tạng, Bệnh viện Quân y 103 đã CGCN, kỹ thuật ghép tạng cho nhiều bệnh viện.

 

Lý giải vì sao hầu hết các ca ghép tạng đầu tiên tại Việt Nam do Bệnh viện Quân y 103 (HVQY) thực hiện đều có sự chuyển giao, hỗ trợ từ các chuyên gia nước ngoài, Thiếu tướng Đỗ Quyết cho rằng, với những công nghệ mới, nếu tự mày mò chúng ta cũng có thể làm được, nhưng vì thực hành trên người bệnh nên phải đặt tính mạng lên trên hết. Kết quả là cứu sống được bệnh nhân hay thất bại sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe bệnh nhân, thậm chí tử vong. Hơn nữa, với những công nghệ mới, cần phải có sự học tập. Con đường đi ngắn nhất là con đường khoa học nhất. Việc CGCN sẽ giúp chúng ta tiếp thu công nghệ tiên tiến của thế giới đã đạt được, tiến tới làm chủ công nghệ, như thế sẽ nhanh chóng tiếp cận được công nghệ mới và tiếp tục chuyển giao. Ví dụ, sau ca ghép thận năm 1992, kỹ thuật đã được chuyển giao cho hàng chục cơ sở y tế trên cả nước (Bệnh viện Việt Đức, Saintpault, Bệnh viện 198, Bệnh viện Trung ương

 

Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy…). Đến nay, đã có hàng ngàn bệnh nhân được cứu sống nhờ ghép thận. Giá thành ghép thận trong nước chỉ bằng 40%-50% so với đi nước ngoài để ghép thận. “Tôi cho rằng, bước đi ban đầu bao giờ rất quan trong giống như trong quân đội gọi là tiếng kèn xung trận của cả đội ngũ ngành y”, Thiếu tướng, GS.TS Đỗ Quyết nhấn mạnh.

 

Hiện nước ta đã có 18 cơ sở (trong đó có cả các bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện ngành) có đủ điều kiện để tiến hành ghép tạng. Tuy nhiên sau 25 năm triển khai kỹ thuật này, cả nước mới chỉ có khoảng hơn 1.500 ca ghép tạng được thực hiện. Con số này còn ít ỏi so với nhu cầu của người bệnh. Theo các chuyên gia, một phần do số lượng người hiến tạng cho y học còn hạn chế.

 

GS.TS. Phạm Gia Khánh cho biết, mặc dù chi phí cho ghép tạng ở Việt Nam có mức thấp nhất so với các nước trên thế giới (ít hơn từ 1/3 đến ½ lần), nhưng chi phí cho một ca ghép tạng vẫn còn cao (300 triệu cho 1 ca ghép thận, 1 tỷ cho một ca ghép tim, 1,5 tỷ cho một ca ghép gan) trong khi thu nhập của người dân còn thấp. Đặc biệt, phần lớn những người có nhu cầu ghép tạng lại là người nghèo. Vì vậy, cần tăng kinh phí hỗ trợ của bảo hiểm y tế cho ghép tạng, thành lập quỹ hỗ trợ ghép tạng từ các nhà hảo tâm và nguồn khác.

 

Để chuyên ngành ghép tạng của Việt Nam tiếp tục phát triển, mang lại cơ hội kéo dài và nâng cao chất lượng cuộc sống cho các bệnh nhân suy tạng, Thiếu tướng, GS.TS. Đỗ Quyết cho rằng, cần phát triển theo hướng tăng về số lượng ca ghép tim, gan, phổi; Ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến để nâng cao kết quả các ca ghép: phẫu thuật, gây mê, hồi sức, điều trị miễn dịch, kiểm soát nhiễm trùng; Tăng cường các nguồn tạng hiến: người cho sống, người cho chết não; Phát triển ghép tạng mới: ghép mặt, ghép ruột, ghép da, ghép chi thể, ghép tế bào gốc trung mô trong điều trị bệnh phổi phế quản tắc nghẽn mạn tính,… Riêng với HVQY, Học viện sẽ đầu tư xây dựng Trung tâm Ghép tạng thành trung tâm kỹ thuật cao hàng đầu của cả nước và trong khu vực phục vụ ghép tạng và ứng dụng kỹ thuật cao điều trị các bệnh lý cho bộ đội, nhân dân. Trung tâm không chỉ phục vụ cho công tác giảng dạy, đào tạo các đối tượng học viên đại học, sau đại học các chuyên ngành, mà còn để tập huấn, hội thảo và hợp tác quốc tế.

 

Cùng với đó, đào tạo các kíp kỹ thuật chuyên ngành trong và ngoài nước trở thành những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực ghép tạng của cả nước và khu vực. Chuyển giao kỹ thuật, đào tạo cán bộ về ghép tạng cho các cơ sở y tế trong nước. Duy trì và mở rộng hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước trong lĩnh vực ghép tạng.

 

Hạnh Nguyên – Trung tâm truyền thông KH&CN