Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập cho biết, địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai ứng dụng công nghệ sinh học đến năm 2020 và phát triển công nghiệp sinh học đến năm 2030.

Theo đó, tỉnh từng bước xây dựng và hình thành nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ sinh học, trọng tâm là phát triển doanh nghiệp ứng dụng công nghệ sinh học và vùng sản xuất ứng dụng công nghệ sinh học. Các vùng ứng dụng công nghệ sinh học của tỉnh được quy hoạch dựa trên lợi thế từng vùng (cây giống, hoa kiểng, rau quả, thủy sản, chăn nuôi). Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đủ năng lực, nghiên cứu, tiếp nhận các công nghệ sinh học tiên tiến trên thế giới áp dụng vào điều kiện sản xuất cụ thể của tỉnh.
Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh Bến Tre tăng cường thông tin, tuyên truyền các tiến bộ khoa học kỹ thuật về công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp cho nông dân; đồng thời, tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống; quy trình sản xuất thâm canh cây trồng, vật nuôi an toàn theo hướng công nghệ sinh học.
Thêm vào đó, Bến Tre hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân ứng dụng công nghệ sinh học trong tỉnh được tham gia các hội chợ, triển lãm về nông nghiệp ở trong, ngoài nước. Ngoài ra, địa phương cũng tăng cường liên kết, xúc tiến thương mại giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản, nhất là các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ sinh học, sản phẩm an toàn.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre cho hay, thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho mạng lưới các phòng thí nghiệm chuyên ngành, các đơn vị ứng dụng công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tỉnh đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng cho Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Khu ứng dụng công nghệ sinh học Cái Mơn, huyện Chợ Lách, nhằm nâng cao hiệu quả nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, tỉnh đã triển khai nhiều đề tài, dự án như: Ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy mô để sản xuất nhanh cung cấp cho thị trường các giống hoa kiểng quý hiếm, sạch bệnh, có chất lượng và giá trị thương mại cao (hoa lan các loại, hoa lyly, hoa cúc, cát tường). Các loại cây ăn quả khác như chuối tiêu, chuối xiêm… Ngoài ra, tỉnh còn ứng dụng công nghệ sinh học kết hợp với công nghệ cao trong canh tác nông nghiệp…
Hiện, tỉnh Bến Tre cũng đang triển khai thực hiện dự án cấp Nhà nước “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình nhân giống, sản xuất thương phẩm cây bưởi da xanh, cây cam trên địa bàn tỉnh Bến Tre (tháng 9/2017- 9/2020). Riêng trên lĩnh vực thủy sản, tỉnh ứng dụng công nghệ EM kháng sinh trong xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, giúp thủy sản chống chịu được với các tác nhân gây bệnh mà không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; áp dụng kỹ thuật sản xuất giống tôm sú không cắt mắt; sản xuất tôm càng xanh toàn đực…/.

TTXVN