Trung tâm Ứng dụng Công nghệ sinh học Đồng Nai vừa nghiên cứu xây dựng thành công quy trình trồng 4 loại hoa trong chậu theo công nghệ cao tại huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Kết quả nghiên cứu này vừa được Hội đồng KH&CN chuyên ngành nghiệm thu.
ThS Lâm Thủy Ngân Tuyền – chủ nhiệm đề tài cho biết, hiện nay, nhu cầu thưởng thức hoa kiểng của người dân ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, đối với người ở thành thị khó có được một diện tích đất để trồng hoa hoặc cây cảnh, vì thế họ ưu tiên trồng những loại hoa có thể trồng ở ban công hoặc treo tường… Bốn loại hoa: Dạ yên thảo, Mai địa thảo, Lan son môi và hoa Chuông đều là những loại cây trồng trong chậu, ra hoa quanh năm, đa dạng về màu sắc và cho nhiều hoa lại dễ trồng, vì thế, đề tài đã lựa chọn để nghiên cứu xây dựng quy trình trồng cụ thể cho 4 loại hoa này.
Để xây dựng được quy trình trồng 4 loại hoa trên, đề tài đã xây dựng nhà màng với diện tích hơn 8.600 m2 bằng công nghệ sản xuất trong nước có hệ thống tưới nước nhỏ giọt capinet, hệ thống kiểm soát khí hậu và làm mát, hệ thống lưới cắt nắng… đảm bảo đủ điều kiện để trồng hoa đạt hiệu quả kinh tế.
Sau khi nhà màng được xây dựng, đề tài đã tiến hành các thí nghiệm nhằm nghiên cứu ảnh hưởng của giá thể trồng, lượng dung dịch tưới phù hợp và khoảng cách trồng đến sinh trưởng, phát triển và chất lượng của hoa trồng; đồng thời nghiên cứu ảnh hưởng của các nồng độ của 1-methycyclopropene (1-MCP) khác nhau đến thời gian tươi của hoa trồng trong nhà màng.
Theo đó, đối với hoa Dạ yên thảo và Mai địa thảo, giá thể trồng thích hợp là xở dừa và phân hữu cơ vi sinh với tỷ lệ 1:1. Cho giá thể vào khay gieo hạt và chăm sóc cây con trong vườn ươm 21 ngày rồi trồng ra chậu. Dung dịch tưới pha theo công thức: 650g Ca(NO3)2.4H2O, 200 g KNO3, 100 g KH2PO4, 200 g KCL, 250 Mg(NO3)2, lượng phân này pha với 1000 l nước. Chế độ tưới: 0,6 l dung dịch/cây/ngày (trước ra /nụ) và 0,7 l dung dịch/cây/ngày (sau ra nụ) và tưới 5 đến 6 lần/ngày. Khoảng cách trồng 2 loại hoa này thích hợp là chậu cách chậu 40 cm. Sử dụng 1-MCP phun lúc hoa đầu tiên nở với nồng độ 300nl/l (đối với hoa Dạ yên thảo) và 200nl/l phun đều và ướt đẫm lá, nụ hoa lúc sáng sớm 2 lần cách nhau 4 ngày (đối với hoa Mai địa thảo) sẽ làm tăng đường kính và độ bền của hoa.
Về sâu bệnh hại, hoa Dạ yên thảo thường bị bệnh héo rũ do nấm gây ra và bị thối nhũn do vi khuẩn gây ra. Cách phòng trừ: Nên cắt bỏ những lá già để tránh bệnh lây lan và phun thuốc bảo vệ thực vật định kỳ 7 ngày/lần để ngừa bệnh. Còn hoa Mai địa thảo dễ bị bệnh xoán và khảm lá. Để phòng trừ thì dùng bẫy dính màu vàng đặt so le 3 m/cái để thu hút con trưởng thành và côn trùng bọ trĩ, bọ phấn, hoặc dùng giấy bạch treo trên ngọn cây tạo ánh sáng phản xạ xua đuổi côn trùng. Bên cạnh các biện pháp vật lý trên thì còn cần sử dụng các loại thuốc phòng trừ như: Sat 4AS, Ditacin 8SL, Somec 2SL để tăng khả năng chống chịu bệnh của cây.
Đối với hoa Chuông, giá thể trồng thích hợp là: Xơ dừa, trấu, phân hữu cơ vi sinh theo tỷ lệ 1:1:1. Trồng các cây con đạt tiêu chuẩn sạch bệnh, có từ 3-4 lá vào khay xốp, che chắn lưới cắt nắng và thường xuyên tưới phun sương để đảm bảo độ ẩm cho cây. Cây con được 15 đến 20 ngày tuổi thì đem trồng ra chậu. Dung dịch tưới và chế độ tưới dung dịch giống với hoa Dạ yên thảo, Mai địa thảo. Khoảng cách trồng hoa Chuông thích hợp là chậu cách chậu 30 cm. Sử dụng 1-MCP phun lúc hoa đầu tiên nở với nồng độ 200nl/l, phun 2 lần vào sáng sớm, phun cách nhau 4 ngày. Hoa Chuông thường gặp các bệnh thối gốc và chết héo. Các bệnh này do độ ẩm quá cao, nơi trồng không thôn thoáng nên cần tưới vừa phải và tưới vào buổi sáng, tránh tưới vào buổi chiều hoặc trưa sẽ làm hư lá. Đồng thời phun ngừa các loại thuốc Ridomil Gold 68 GW, Mexyl-MZ 72 WP, Topsin M 50 WP…
Còn hoa Lan son môi thì giá thể trồng là hỗn hợp xơ dừa, trấu và phân hữu cơ vi sinh với tỷ lệ 1:1:1. Hoa lan son môi giâm cành được trồng thẳng vào chậu. Chế độ tưới 6 l dung dịch/cây/ngày, tưới mỗi ngày 5-6 lần, giai đoạn ra hoa tưới 0,7 l/cây/ngày. Hoa Lan son môi thường bị bệnh thán thư phát triển mạnh vào mùa mưa nên phải phòng trừ trước, thường là cắt bỏ lá vàng rồi phun thuốc diệt nấm 5-7 ngày/1 lần.
Chủ nhiệm đề tài cho biết, vì được trồng trong nhà màng nên các loại hoa sẽ hạn chế được sâu hại tấn công. Đề tài cũng đã xây dựng 4 mô hình trồng 4 loại hoa trên với diện tích 500 m2/ mô hình đạt hiệu quả kinh tế để trình diễn cho nông dân tham quan, học tập.
(Sở KH&CN Đồng Nai)