Một con chuột cái với buồng trứng nhân tạo được tạo ra trên công nghệ in 3D đã mang thai và sinh con khỏe mạnh. Các nhà nghiên cứu cho biết nghiên cứu này có thể hướng đến phương pháp điều trị vô sinh cho phụ nữ bị ung thư. Theo nhóm nghiên cứu, buồng trứng được tạo ra bằng cách sử dụng giá đỡ xốp làm từ gelatin. Gelatin là một dạng collagen, protein có nhiều nhất ở động vật có vú. So với collagen tự nhiên, gelatin bị phá vỡ nhiều hơn và do đó có thể được làm thành một loại mực có thể được sử dụng trong công nghệ in 3D. Sau khi tạo ra giá đỡ gelatin, các nhà nghiên cứu đã thêm tế bào buồng trứng lấy từ buồng trứng của chuột khác. Các tế bào buồng trứng tạo thành các nang trứng tiết ra hormone và giải phóng trứng.
Alexandra Rutz, một trong những tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Những tế bào buồng trứng này có dạng hình cầu, 3D và điều rất quan trọng là chúng ta duy trì được hình dáng bằng cách tạo ra cho chúng một cấu trúc 3D. Đó là nơi mà giá đỡ đi vào, nó là những lỗ rỗng giống như bọt biển. Những lỗ rỗng này có hình dạng khác nhau, các nhà nghiên cứu thấy rằng hình dạng đặc biệt để hỗ trợ tốt nhất cho nang trứng. Hỗ trợ hình dạng của chúng, giúp giữ cho chúng sống và hoạt động”.
Buồng trứng được gọi là các cơ quan “sinh tổng hợp” vì chúng chứa cả vật liệu sống (tế bào buồng trứng) và vật liệu không sống (gelatin). Các nhà nghiên cứu cho biết, chúng thải ra các hoóc môn tương tự như buồng trứng bình thường, cho phép con vật đi qua chu kỳ tự nhiên, bao gồm cả việc rụng trứng. Vì gelatin là chất liệu tự nhiên, cơ thể nhận ra mô cấy như bộ phận cơ thể thông thường và cho phép các mạch máu phát triển.
Alexandra Rutz nói: “Buồng trứng sinh tổng hợp được cấy vào cùng một vị trí chính xác nơi chúng tôi loại bỏ buồng trứng ban đầu. Khi các mạch máu phát triển, chúng tự nhiên bắt đầu lấy các hoóc môn do tế bào buồng trứng tiết ra và phân phối chúng khắp cơ thể tới các cơ quan đích. Khía cạnh thách thức nhất của nghiên cứu này là thiết kế các lỗ rỗng của giá đỡ buồng trứng để có thể hỗ trợ đúng các tế bào buồng trứng trong thời gian dài”.
Nhóm nghiên cứu đang chuẩn bị một thử nghiệm tương tự đối với lợn, loài gia súc gần với con người về kích thước và sinh học. Việc mở rộng cấu trúc in 3D với kích thước cần thiết cho việc sử dụng của con người có thể là một thách thức. Alexandra Rutz giải thích: Ở người, các nang buồng trứng có thể rộng tới 15mm vì vậy chúng ta phải chắc chắn rằng thiết kế giá đỡ thực sự có thể chứa được các tế bào lớn như vậy. Nhưng chúng ta cũng phải nhìn vào hiệu suất lâu dài của những cấy ghép này để có thể cung cấp một thay thế buồng trứng với chức năng suốt đời có thể kéo dài nhiều năm. Tiến tới việc cấy ghép như vậy có thể thay đổi cuộc sống cho những người phụ nữ có buồng trứng bị suy giảm. Các nhà nghiên cứu hy vọng, để giúp những người sống sót của bệnh ung thư ở trẻ em mà các phương pháp điều trị ung thư đã làm hỏng buồng trứng của họ.
Monica Laronda, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Buồng trứng không hoạt động ở mức độ đủ cao và cần phải sử dụng các liệu pháp thay thế hoóc môn để kích thích dậy thì. Nghĩa là ở mọi giai đoạn của cuộc đời cô gái từ độ tuổi dậy thì đến khi trưởng thành, sau đó giai đoạn mãn kinh tự nhiên”.
Alexandra Rutz, khẳng định, trong tương lai việc cấy ghép như vậy có thể giúp những phụ nữ có thụ thai khó để thụ thai và có thể làm giảm nhẹ triệu chứng mãn kinh của phụ nữ. Thay vì sử dụng các hoóc môn tổng hợp có thể gây ra các phản ứng phụ khó chịu, một phụ nữ có thể có một nguồn hormone nữ được cấy trực tiếp vào cơ thể.
Đ.T.V (NASATI), Theo http://www.livescience.com/59189-3d-printed-ovaries-offer-promise-as-infertility-treatment.html, 20/5/2017