Một nghiên cứu DNA trên 10.000 người của các nhà khoa học ở Đại học London (UCL) và Đại học Queen Mary đã xác định được một nhóm biến thể gen xuất hiện để bảo vệ chống lại bệnh Alzheimer. Các phát hiện, được công bố trên Annals of Human Genetic, cho thấy các biến thể gen xuất hiện tự nhiên này làm giảm chức năng của các protein được gọi là tyrosine phosphatase, được biết là làm suy yếu hoạt động của con đường truyền tín hiệu tế bào được gọi là PI3K/Akt/GSK-3β. Con đường này rất quan trọng cho sự sống của tế bào.
Nghiên cứu này dựa trên các nghiên cứu trước đây trên chuột nhắt và chuột cống, ở đó đề xuất ức chế chức năng của các protein này có thể bảo vệ chống lại bệnh Alzheimer, nhưng đây là lần đầu tiên một tác dụng như vậy được chứng minh ở người. Các nhà khoa học tin rằng con đường truyền tín hiệu PI3K/Akt/GSK-3β có thể là mục tiêu chính của thuốc điều trị và các phát hiện cũng củng cố bằng chứng cho thấy các gen khác có thể liên quan đến việc tăng hoặc giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
Tác giả nghiên cứu Giáo sư David Curtis (Viện di truyền học UCL) cho biết: “Những kết quả này khá đáng khích lệ. Có vẻ như khi các biến thể di truyền tự nhiên làm giảm hoạt động của tyrosine phosphatase thì điều này làm cho bệnh Alzheimer ít có khả năng phát triển, cho thấy các loại thuốc có tác dụng tương tự cũng có thể bảo vệ”.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã phân tích DNA từ 10.000 người: một nửa mắc bệnh Alzheimer và một nửa không có. Tổng cộng, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra tất cả các biến thể trình tự DNA trong hơn 15.000 gen, bao gồm hơn một triệu biến thể riêng lẻ, để xác định các gen trong đó các biến thể gây hại phổ biến hơn ở những người có hoặc không mắc bệnh Alzheimer.
Họ phát hiện ra rằng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer thấp hơn ở những người có các biến thể gây hại trong một loại gen cụ thể, mã hóa cho tyrosine phosphatase. Nhóm nghiên cứu cho biết những phát hiện cho thấy các loại thuốc có tác dụng tương tự cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Giáo sư Curtis chỉ ra rằng đã có một số loại thuốc tác dụng với tyrosine phosphatase nhưng chúng chưa được thử nghiệm trong các thử nghiệm lâm sàng.
Giáo sư Curtis giải thích: “Đây là một thử nghiệm tự nhiên ở những người giúp chúng tôi hiểu bệnh Alzheimer phát triển như thế nào: vì một số người có các biến thể di truyền này và một số thì không, chúng tôi có thể thấy rằng tác động của việc có các biến thể đặc biệt là giảm khả năng phát triển bệnh Alzheimer“. Có một điều nhất quán
trong kết quả của chúng tôi rằng hoạt động của con đường truyền tín hiệu PI3K/Akt/GSK-3β là bảo vệ, điều này hoàn toàn phù hợp với những phát hiện từ các nghiên cứu trên động vật. Nếu có các biến thể di truyền làm hỏng gen của protein PI3K, thì nguy cơ mắc bệnh Alzheimer sẽ tăng lên.
Nghiên cứu cũng tìm thấy bằng chứng gợi ý cho thấy một gen mà trước đây không biết có ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, được gọi là C1R. Gen này được biết là ảnh hưởng đến hội chứng Ehlers-Danlos nha chu, một bệnh liên quan đến viêm nướu mãn tính. Một số nghiên cứu trước đây cho thấy rằng nhiễm trùng nướu có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, vì vậy Giáo sư Curtis suy đoán có thể có một cơ chế theo đó các biến thể di truyền ở C1R dẫn đến một mức độ nào đó của bệnh nướu răng, từ đó dẫn đến bệnh Alzheimer.
Nghiên cứu này dựa trên một nghiên cứu lớn năm 2019 có sự tham gia của các nhà nghiên cứu ở Đại học London đã xác định năm gen nguy cơ mới mắc bệnh Alzheimer, thêm vào hồ sơ nghiên cứu hàng đầu thế giới về chứng mất trí nhớ và di truyền học của Đại học London.
Giáo sư Curtis nói: “Việc tìm kiếm các biến thể DNA làm thay đổi nguy cơ mắc bệnh Alzheimer là hữu ích vì nó có thể giúp chúng tôi phát triển các loại thuốc nhắm vào cùng loại protein. Đồng thời, các nhà nghiên cứu tại UCL và trên toàn cầu đang tìm cách phát hiện các giai đoạn sớm nhất của bệnh Alzheimer, trước khi nó gây ra bất kỳ vấn đề nào. Khi sự tìm kiếm của chúng tôi được cải thiện, có thể có cơ hội can thiệp bằng các phương pháp điều trị để ngăn ngừa bệnh tiến triển”.
Đ.T.V (NASATI), theo https://medicalxpress.com/news/2020-02-genetic-variants-
alzheimer-disease.html,