Các nhà khoa học cho rằng 1/3 khối lượng băng trong các sông băng ở châu Á sẽ tan chảy vào cuối thế kỷ này dù rằng thế giới đang nỗ lực thực hiện mục tiêu tham vọng là duy trì nhiệt độ nóng lên toàn cầu ở mức dưới 1,5 độ C. Sự cố này sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nước của hàng triệu người dân nơi đây.
Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature, các nhà nghiên cứu Hà Lan đã xem xét những gì xảy ra nếu nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng hơn 1,5 oC vào cuối thế kỷ này và đi đến kết luận gần 2/3 khối lượng băng trong các sông băng ở châu Á có thể biến mất, nếu không nỗ lực để ngăn chặn biến đổi khí hậu. Philip Kraaijenbrink, trưởng nhóm nghiên cứu cho rằng: “Ở những khu vực nước tan chảy từ sông băng là một phần quan trọng của dòng chảy sông, sự thu hẹp của các sông băng có thể gây sự cố. Dân cư sinh sống trong các lưu vực sông bắt nguồn từ những ngọn núi cao ở châu Á như Indus, Ganges và Brahmaputra khá đông đảo. Tại các lưu vực này, nước sông được sử dụng cho tưới tiêu, làm nước uống và cho các đập thủy điện“.
Mục tiêu duy trì sự gia tăng nhiệt độ ở mức dưới 1,5 oC đã được đề ra tại Hội nghị khí hậu quốc tế ở Paris cách đây hai năm, nhưng các chuyên gia cho rằng cần có sự thay đổi lớn của nền kinh tế thế giới. Tính tổng thể, các nhà nghiên cứu đã so sánh 110 mô phỏng khí hậu và phát hiện thấy các sông băng trên núi cao ở châu Á có xu hướng trải qua giai đoạn nhiệt độ tăng cao hơn mức trung bình toàn cầu. Tất cả các sông băng đã được phân tích đều mất khối lượng lớn băng ngoại trừ các sông băng ở dãy núi Kunlun phía Tây Trung Quốc.
Theo các nhà nghiên cứu, ngay cả khi nhiệt độ ổn định ở mức hiện nay, băng sẽ tiếp tục tan chảy trong nhiều thập kỷ tới cho đến khi đạt được trạng thái cân bằng mới.
- Graham Cogley tại trường Đại học Trent, Canada cho rằng mô hình sông băng của các nhà nghiên cứu Hà Lan “có một số đặc trưng sáng tạo gây ngạc nhiên cho các nhà nghiên cứu khí hậu, nhưng rất khó để tìm ra lỗi. Việc đạt được mục tiêu duy trì sự gia tăng nhiệt độ ở mức dưới 1,5 oC sẽ bảo tồn phần lớn tài nguyên nước ở châu Á và nếu thất bại, chúng ta sẽ phải trả giá tương xứng với mức độ thất bại”.
N.P.D (NASATI), Theo https://phys.org/news/2017-09-asia-glaciers-massive-global.html#jCp, 13/9/2017