Tăng trưởng toàn cầu ước tính sẽ chậm lại từ chỗ đạt 3,6% trong giai đoạn 2010-20 xuống còn 2,4% trong giai đoạn 2050-60. Do dân số già hoá, tăng trưởng thu nhập sẽ ngày càng được thúc đẩy bởi đổi mới sáng tạo và đầu tư vào kỹ năng. Tuy nhiên, tăng năng suất lao động đã chậm lại tại nhiều nước OECD trong hai thập kỷ qua, điều này chủ yếu phản ánh tốc độ tăng năng suất yếu tố tổng chậm lại. Quan điểm bi quan cho rằng đây là một hiện tượng lâu dài, do sự suy giảm ở tốc độ tiến bộ công nghệ. Theo quan điểm này, các loại hình đổi mới diễn ra trong nửa đầu thế kỷ 20 (ví dụ như điện khí hóa) có ý nghĩa lớn hơn nhiều so với bất cứ điều gì diễn ra sau đó (ví dụ như ICT), hoặc trong tương lai. Mặt khác, các quan điểm lạc quan về công nghệ cho rằng tốc độ cơ bản của tiến bộ công nghệ không chậm lại và cuộc cách mạng công nghệ thông tin sẽ tiếp tục làm thay đổi đáng kể các nền kinh tế tiên phong.
Phân tích gần đây của OECD về xu thế năng suất cho thấy nguyên nhân chính làm năng suất tăng chậm lại không phải do tốc độ đổi mới sáng tạo tại hầu hết các công ty tiên tiến nhất trên toàn cầu chậm lại, mà là do tốc độ phổ biến đổi mới sáng tạo trong toàn bộ nền kinh tế bị chậm lại. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, đầu tư vào vốn hữu hình (máy móc, thiết bị, cơ sở hạ tầng vật chất) liên tục yếu cũng góp phần làm chậm tăng trưởng năng suất lao động. Nhưng điều đáng lo ngại hơn đó là sự chậm lại kể từ đầu những năm 2000 trong tích lũy nguồn vốn tri thức, đây là cơ sở cho đổi mới sáng tạo và việc áp dụng sau đó.
Đầu tư dài hạn đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo và tạo việc làm. Hầu hết đầu tư công ty được tiến hành dựa vào lợi nhuận giữ lại, sự trông cậy vào tài chính bên ngoài tương đối nhỏ. Trong những năm gần đây, các công ty đã phân bổ một phần khá lớn lợi nhuận giữ lại, được hậu thuẫn nhờ cho vay với lãi suất thấp, cho các cổ đông dưới hình thức cổ tức và mua lại cổ phiếu. Sự phân bố thu nhập như vậy làm giảm các khoản đầu tư “tăng trưởng” dài hạn của các công ty. Do đó, một thách thức chính sách chủ yếu đó là thiết lập các biện pháp khuyến khích đầu tư dài hạn để bù đắp cho những xu hướng trong hệ thống tài chính nhằm đánh giá biên lợi nhuận trên cơ sở ngắn hạn.
Trọng tâm kinh tế thế giới chuyển dịch sang phía Đông và Nam
Trọng tâm kinh tế thế giới sẽ chuyển đổi sang phía Đông và Nam trong vòng 50 năm tới. Đến năm 2030, các nước đang phát triển được dự báo sẽ đóng góp 2/3 tăng trưởng toàn cầu và một nửa sản lượng toàn cầu và sẽ là những điểm đến chính của thương mại thế giới. Các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ là những thị trường ngày càng quan trọng đối với các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành. Tầng lớp trung lưu mới đang phát triển nhanh sẽ dẫn đến sự gia tăng tiêu thụ các sản phẩm tiêu dùng cơ bản và các hạng mục sản phẩm khác. Các yếu tố trọng cầu này cho thấy các nền kinh tế mới nổi có khả năng vẫn duy trì các địa điểm thuận lợi cho hoạt động sản xuất, làm giảm khả năng phải vận chuyển trở lại các nước OECD. Hơn nữa, tăng thu nhập và mẫu hình tiêu dùng thay đổi có nghĩa là hàng xuất khẩu công nghiệp từ Trung Quốc, Ấn Độ và các nền kinh tế châu Á khác sẽ tăng lên trên thang giá trị gia tăng toàn cầu, trong khi sự chuyển đổi quan trọng theo hướng dịch vụ sẽ cho thấy Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác sẽ giành được tỷ trọng thương mại dịch vụ lớn từ các nước OECD trong dài hạn. Những thay đổi này sẽ đi kèm theo và bị chi phối một phần bởi đầu tư vào STI. Ví dụ, chi tiêu nghiên cứu ở Trung Quốc đã vươn lên đứng thứ hai thé giới, chỉ sau Hoa Kỳ.
Công nghệ số sẽ gây gián đoạn thêm các nền kinh tế
Sự trưởng thành và hội tụ ngày càng tăng của công nghệ số có thể tác động sâu sắc đến năng suất, phân bổ thu nhập, phúc lợi và môi trường. Đến năm 2030, phần lớn các doanh nghiệp đều áp dụng kỹ thuật số, cho phép tích hợp các quy trình thiết kế sản phẩm, sản xuất chế tạo và cung ứng với hiệu quả cao. Các công nghệ chế tạo bổ sung sẽ cho phép sản xuất theo kiểu may đo các loại sản phẩm nhất định phù hợp với nhu cầu của người dùng, trong khi IoT, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và công cụ học máy sẽ tạo khả năng phát triển máy móc thông minh, có thể điều chỉnh bằng các công nghệ cảm biến, với năng lực tính toán rẻ và sử dụng các thuật toán trong thời gian thực.
Chi phí thiết bị và tính toán sẽ tiếp tục giảm, trong khi sự hình thành các phương pháp phát triển nguồn mở sẽ tạo ra thêm nhiều cộng đồng người phát triển, không chỉ trong lĩnh vực phần mềm mà cả phần cứng và “phần ướt” (wetware), ví dụ như trong sinh học tổng hợp “tự mình làm” (do-it-yourself – DIY). Sẽ có nhiều cơ hội hơn cho người mới tham gia – bao gồm cả các cá nhân, các doanh nghiệp ngoài ngành và các nhà khởi nghiệp thành công trong các thị trường mới. Các công nghệ nhận dạng mẫu, như dữ liệu lớn và học máy, sẽ nâng cao khả năng đánh giá nhu cầu của người sử dụng và nhu cầu đổi mới tổng thể. Rủi ro và khoảng thời gian từ phát triển sản phẩm đến đưa ra thị trường dự đoán sẽ giảm, thúc đẩy gia tăng phát triển. Chi phí sản xuất liên quan đến đổi mới sẽ giảm trong các ngành công nghiệp chủ chốt, với điện toán đám mây và dịch vụ in 3D sẽ tạo cơ sở nền tảng cho các công ty mới. Chi phí phân phối sản phẩm sẽ tiếp tục giảm, kể cả chi phí tung ra các sản phẩm và dịch vụ mới. Những phát triển này còn có thể mang lại cho các nền kinh tế mới nổi nhiều cơ hội để đẩy nhanh sự đuổi kịp công nghệ, có thể cho phép họ nhảy vọt lên các mức năng suất gần với mức đạt được tại các nước OECD.
Trong lĩnh vực dịch vụ, công nghệ số đã giúp hình thành các doanh nghiệp mới và hoạt động hiệu quả hơn, thúc đẩy tăng trưởng năng suất và tạo thuận lợi cho thương mại dịch vụ quốc tế. Ngành chế tạo công nghiệp ở các nước OECD ngày càng phát triển nhờ đầu vào dịch vụ để tạo ra giá trị và sự khác biệt giữa chế tạo và dịch vụ ngày càng trở nên mờ nhạt. Phần lớn sự tăng trưởng sản xuất trong tương lai được dự đoán sẽ xuất phát từ cái gọi là “manu-services”, đó là lĩnh vực kết hợp chế tạo tiên tiến với nhiều dịch vụ khác nhau. Sự tương tác ngày càng tăng và phức tạp giữa chế tạo và dịch vụ sẽ đòi hỏi phải có cái nhìn tổng hợp hơn về công nghiệp chế tạo và dịch vụ trong các chiến lược công ty, cũng như các thảo luận chính sách.
Sự gia tăng nền tảng kỹ thuật số
Kinh tế nền tảng số đang nổi lên nhanh chóng. Vào 2015, các nhà khai thác nền tảng kỹ thuật số gần như chiếm ưu thế trong số top 15 công ty Internet lớn nhất thế giới được xếp hạng theo vốn hóa thị trường. Các nền tảng công nghệ rất đa dạng về loại hình và chức năng. Ví dụ: chúng cung cấp nền tảng để xây dựng các ứng dụng (như Android của Google và iOS của Apple); hỗ trợ tìm kiếm và truyền thông xã hội (như Google và Facebook); cung cấp dịch vụ (như Airbnb và Uber); cung cấp các chợ giao dịch (như Amazon và eBay); và làm công việc trung gian (như Mechanical Turk và UpWork của Amazon). Các nền tảng giúp hạ thấp rào cản đối với các nhà cung cấp nhỏ bước vào thị trường. Kết hợp với nhau, các nền tảng công nghệ đang tổ chức lại nhiều loại thị trường, các sắp xếp công việc và cuối cùng là tạo ra giá trị và nắm bắt. Điều này có khả năng dẫn đến những phá vỡ về kinh tế và xã hội tạo nên những kẻ thắng và người thua.
Một khi các hệ thống nền tảng đạt đến tầm cỡ tới hạn, các ảnh hưởng bên ngoài hệ thống có thể bảo vệ vị trí và chức năng của nền tảng như những rào cản đối với các công ty hay các nền tảng khác. Các hiệu ứng mạng này chỉ ra rằng đổi mới liên quan đến nền tảng kỹ thuật số là một phiên bản mới của độc quyền tự nhiên, nơi có một hoặc hai công ty trở nên nổi trội và có thể chiếm đoạt một phần giá trị lớn được tạo ra bởi tất cả người dùng trên nền tảng.
Việc làm trong tương lai
Chi phí cho năng lực tính toán giảm và các tiến bộ khác trong công nghệ kỹ thuật số đã làm phân rẽ các thị trường lao động và làm cho một số nhân công trở nên dư thừa. Máy tính đã bắt đầu thay thế lao động để thực hiện các công việc rõ ràng, thông thường (có thể mã hóa) tuân theo các thủ tục chính xác và dễ hiểu như công việc văn phòng (ví dụ như kế toán) và một số hoạt động thể lực trong các dây chuyền sản xuất. Trong thời gian hiện tại, các nhiệm vụ khó mô tả như một tập hợp các bước và giới hạn trong những tình huống đặc biệt vẫn chưa được tự động hóa. Những nhiệm vụ này thường mang tính trừu tượng hơn và thường liên quan đến trực giác, tính sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề và thuyết phục. Tuy nhiên, tiến bộ trong học máy và trí tuệ nhân tạo được dự đoán sẽ mở rộng khả năng tự động hóa nhiệm vụ và có thể dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ hơn so với trước đây và đặc biệt để đào sâu thêm việc làm và tiền lương. Nghiên cứu được thực hiện gần đây của OECD cho thấy khoảng một phần mười số việc làm trong OECD có nguy cơ tự động hóa cao. Đồng thời, những đổi mới này mang nhiều hứa hẹn tăng năng suất và mở ra các công việc mới thậm chí còn chưa tưởng tượng được.
Công việc trở nên bị phân tán hơn và “phi chuẩn”, với số nhân công làm công việc bán thời gian gia tăng và sự nổi lên của cái gọi là “nền kinh tế tự do” (gig economy). Xu hướng này được thúc đẩy nhờ vào sự phát triển của các nền tảng trực tuyến kết nối một số lượng lớn người lao động tự do, những người sống ở những nơi khác nhau trên thế giới, được các công ty mời họ làm nhiều công việc khác nhau. Mặc dù các nền tảng như vậy mang lại tính linh hoạt cho người lao động và các công ty nhưng chúng lại đặt ra một số câu hỏi khó về bảo vệ nơi làm việc và một công việc tốt sẽ như thế nào trong tương lai. Ngoài ra, hai trong số các thị trường lớn nhất cho các nền tảng này là Ấn Độ và Philippines, nơi có chi phí sinh hoạt thấp cho phép công nhân ở đây có thể chấp nhận mức lương nthấp hơn những người lao động tương đương ở các quốc gia OECD. Điều này có thể dẫn đến một “cuộc chạy đua xuống đáy”, làm giảm mức lương thực và tăng bất bình đẳng ở các nước OECD.
NASATI (Theo OECD Science, Technology and Innovation Outlook)