Để góp phần giải quyết thực trạng thiếu trang thiết bị phục vụ nghiên cứu của các nhà khoa học thực nghiệm, cần áp dụng cách làm hiệu quả của các quốc gia tiên tiến, đó là hình thành những phòng thí nghiệm chung để cộng đồng các nhà khoa học có thể cùng sử dụng.
Tháng 7/2016, mẫu thử hạt nano từ được Phòng Vật liệu từ và siêu dẫn (Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) gửi sang một phòng thí nghiệm ở nước ngoài để đo tính chất từ của vật liệu. Đến cuối tháng 6/2017, nghĩa là gần một năm chờ đợi thì được phản hồi: chúng tôi chưa đo theo yêu cầu của bạn do lịch làm việc trên thiết bị đo vẫn kín. Những trường hợp như thế vẫn thường xảy ra với Phòng Vật liệu từ và siêu dẫn cũng như nhiều đơn vị nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học thực nghiệm ở Việt Nam khi cần có những thông số chính xác, đủ tin cậy về mẫu nghiên cứu mà chỉ những máy móc, trang thiết bị hiện đại và đạt chuẩn mới có khả năng phân tích, đo đạc được.
Khác với các đồng nghiệp trong lĩnh vực lý thuyết, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học thực nghiệm như hóa học, y dược, vật liệu tiên tiến, công nghệ sinh học… đều cần đến máy móc trang thiết bị phục vụ việc phân tích, đo đạc mẫu… Khi được hỏi, đối với một nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học thực nghiệm, sự đóng góp của trang thiết bị chiếm bao nhiêu % vào thành công, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, khó đưa ra được một chỉ số cụ thể vì còn phụ thuộc rất nhiều vào tính chất mỗi ngành, tính chất mỗi dự án. GS. TS Phạm Hùng Việt, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ phân tích phục vụ kiểm định an toàn thực phẩm và môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội), ước lượng, “nếu tính riêng trong phạm vi nghiên cứu của ngành hóa phân tích, thông thường trang thiết bị và ý tưởng sáng tạo đều ở mức đóng góp tương đương nhau, 50 – 50”.
Tuy không đưa ra con số ước lượng như GS. TS Phạm Hùng Việt nhưng PGS. TS Nguyễn Phúc Dương, Viện phó Viện ITIMS (Đại học Bách khoa Hà Nội), nhận xét ngắn gọn, “làm về vật liệu thực nghiệm mà không có thiết bị thì gần như không làm được gì”. Chính vì vậy, trước khi triển khai các dự án liên quan đến thực nghiệm, các nhà nghiên cứu thường nghĩ ngay đến những vấn đề sát sườn: cần những máy móc và hóa chất đi kèm nào? những loại máy móc đó có sẵn ở phòng thí nghiệm của mình không? trong trường hợp không có thì cần liên kết với ai hay nhờ ai phân tích mẫu?
Có một thực tế ở Việt Nam là nhiều tổ chức nghiên cứu về khoa học thực nghiệm thường không có đủ trang thiết bị máy móc, hoặc nếu được cơ quan chủ quản trang bị theo một dự án đầu tư nào đó thì máy móc lại dễ rơi vào tình trạng xuống cấp hoặc lạc hậu. Nguyên nhân là do khi đầu tư, người ta vẫn thường cho rằng, chỉ đầu tư mua máy móc mà không cần cấp thêm kinh phí bảo dưỡng. Để tránh hiện tượng này xảy ra, trong một bài viết đăng trên Tia Sáng, GS. TS Phạm Hùng Việt đã lưu ý, “trong phần đầu tư trang thiết bị lớn cần có khoản kinh phí nhỏ duy trì hoạt động thường xuyên, ví dụ vẫn cần giữ cho các bộ thiết bị phục vụ nghiên cứu hoạt động tương đối liên tục, kể cả khi không có mẫu đo, để duy trì điều kiện ổn định và tạo điều kiện hoạt động cho máy trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi, trước khi được duyệt đề tài”1.
Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc quản lý những thiết bị thí nghiệm hiện đại, PGS. TS Đỗ Hùng Mạnh cho biết, có những thiết bị đo hiện đại về tính chất cho một chuyên ngành hẹp đòi hỏi kinh phí rất lớn để vận hành và bảo dưỡng định kỳ, do đó rất khó để thiết bị có thể hoạt động thường xuyên. Đây là lý do mà Phòng Vật liệu từ và siêu dẫn vẫn phải gửi mẫu sang các phòng thí nghiệm nước ngoài để đo đạc, và làm theo cách này là phải chấp nhận rủi ro về mặt thời gian, “không phải người ta không muốn làm cho mình mà do ở đó, lượng mẫu cần đo quá lớn và việc đo cũng phức tạp, có mẫu phải chạy cả tháng mới có kết quả”, anh giải thích thêm.
Với một số nhà nghiên cứu trẻ mới ở nước ngoài trở về, để vượt qua trở ngại do thiếu thiết bị khi nghiên cứu, họ thường chọn cách giải quyết là chuyển sang một hướng nghiên cứu mới không lệ thuộc quá nhiều vào thiết bị thực nghiệm như chọn phương pháp mô phỏng. TS. Nguyễn Thanh Tùng (Phòng Vật liệu từ và siêu dẫn, Viện Khoa học vật liệu) đã chia sẻ cách tiếp cận của mình với phóng viên Tia Sáng, “giữ nguyên hướng nghiên cứu về quá trình tương tác của trường điện từ với vật chất nhưng chuyển từ công cụ thực nghiệm sang mô phỏng quá trình tương tác và mô phỏng cấu trúc bền vững của một số vật chất có kích thước nhỏ mà mình tiên đoán có những tính chất vật lý mới”. Nhận xét về giải pháp của TS. Nguyễn Thanh Tùng, PGS. TS Đỗ Hùng Mạnh cho rằng, việc áp dụng phương pháp tính toán mô phỏng sẽ rút ngắn thời gian và công đoạn thực nghiệm trong nghiên cứu nhưng “để có được công bố khoa học chất lượng tốt vẫn cần có kết quả thực nghiệm đi kèm”.
Cũng như nhiều nhà khoa học khác, theo quan điểm của PGS. TS Đỗ Hùng Mạnh, khi nguồn lực đầu tư ở Việt Nam còn hạn hẹp, không đủ khả năng rải đều kinh phí để trang bị máy móc thiết bị cho các đơn vị nghiên cứu thì nên áp dụng cách làm hiệu quả của các quốc gia tiên tiến, đó là tạo ra những phòng thí nghiệm chung để cộng đồng các nhà khoa học có thể cùng sử dụng. Như vậy, thay vì đầu tư mua nhiều thiết bị hiện đại cùng chức năng đặt ở nhiều trường, viện, các nhà quản lý chỉ cần mua một và kèm theo đó là một khoản kinh phí duy trì bảo dưỡng, đặt tại phòng thí nghiệm chung. Đây cũng là cách chia sẻ nguồn tài nguyên trong nghiên cứu, giúp tận dụng tối đa khả năng của thiết bị đắt tiền mà vẫn giúp nhà nước tiết kiệm nguồn lực đầu tư.
Từ nhiều năm nay, Việt Nam đã có một hệ thống Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, một trong những mục tiêu quan trọng mà các phòng thí nghiệm này hướng tới là tạo ra một không gian mở để những nhà nghiên cứu ở nhiều đơn vị khác nhau tới cùng làm việc và sử dụng chung thiết bị. Tuy nhiên, không phải phòng thí nghiệm nào cũng đạt được điều đó. Vì thế, PGS. TS Đỗ Hùng Mạnh cho rằng, để nâng cao hơn nữa tính hiệu quả của hệ thống Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, chúng ta có thể tận dụng những tiến bộ về mặt công nghệ, thiết lập những trang web nhằm công khai tình trạng sử dụng của các trang thiết bị, máy móc tại những phòng thí nghiệm đó. Nhờ vậy, các nhà khoa học ở nhiều đơn vị khác có thể đăng ký online về việc sử dụng từng máy móc theo đúng nhu cầu và thời gian cho phép. Bên cạnh đó, để đảm bảo cho máy móc được hoạt động tốt và hiệu quả lâu dài, các cơ quan quản lý cũng cần có chính sách đào tạo để nâng cao tính chuyên nghiệp cho những người được giao quản lý, vận hành máy móc cũng như chế độ đãi ngộ hợp lý cho họ.
Việc liên kết với các đơn vị nước ngoài để được hỗ trợ trong nghiên cứu là giải pháp phổ biến, tuy nhiên hạn chế của nó không chỉ ở sự thiếu chủ động về mặt thời gian mà còn ảnh hưởng đến tính tự chủ của nhà nghiên cứu. PGS. TS Nguyễn Phúc Dương cho rằng, nhà khoa học cần “tự làm được 60, 70% thí nghiệm bởi hợp tác là để giải quyết vấn đề chung chứ không nên là dựa dẫm”.
Thanh Nhàn – Báo Tia sáng