Một nghiên cứu mới được thực hiện trên mô hình loài động vật linh trưởng đã chứng minh rằng: ngoài việc gây ra những vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe của các bà mẹ tương lai, chế độ ăn nhiều chất béo còn là yếu tố làm thay đổi sự phát triển của não bộ và hệ thống nội tiết cũng như ảnh hưởng lâu dài đến hành vi của đứa trẻ. Cụ thể, các nhà khoa học đã nghiên cứu về mối liên quan giữa chế độ ăn uống không điều độ của bà mẹ trong thai kỳ với các chứng rối loạn sức khoẻ tâm thần như lo lắng và trầm cảm ở trẻ em. Báo cáo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Frontiers in Endocrinology.

Hiện nay, tại các quốc gia phát triển, tình trạng tiêu thụ quá nhiều chất béo và bệnh béo phì đang trở nên ngày càng phổ biến và phát triển với mức độ đáng báo động. Theo thống kê, mỗi năm tại Hoa Kỳ có 64% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ bị thừa cân và 35% trường hợp mắc chứng béo phì. Do đó, phát hiện mới được xem là có ý nghĩa quan trọng trong chăm sóc sức khoẻ tinh thần của các thế hệ tương lai.

Nhóm nghiên cứu do PGS. TS. Elinor Sullivan – Khoa Khoa học Thần kinh học tại Trung tâm Nghiên cứu Linh trưởng quốc gia Oregon tại trường Đại học Y khoa OHSU, Hoa Kỳ dẫn đầu đã tiến hành tìm hiểu ảnh hưởng của chế độ ăn toàn chất béo trong thai kỳ ở loài động vật linh trưởng, đồng thời, theo dõi và kiểm soát chặt chẽ chế độ ăn – điều được xem là khó có thể thực hiện được với con người. Kết quả cho thấy có một mối liên quan mật thiết giữa những thay đổi về hành vi với sự phát triển không đồng đều của hệ thống serotonin trung tâm trong não bộ của thế hệ linh trưởng con.

Cũng theo nghiên cứu, việc áp dụng thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh và điều độ ngay từ giai đoạn phát triển đầu đời của thế hệ con cái cũng không giúp làm thay đổi được kết quả trên.

Trước đây đã có rất nghiên cứu chứng minh sự tồn tại của mối liên quan giữa hội chứng béo phì ở bà mẹ mang thai với một loạt những rối loạn về sức khỏe tâm thần cũng như phát triển thần kinh ở trẻ nhỏ. Theo nghiên cứu mới, tình trạng tiêu thụ chế độ ăn nhiều chất béo đang ngày càng trở nên phổ biến ở các nước phát triển lần đầu tiên được chứng minh là yếu tố gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng lâu dài đối với sức khỏe tâm thần của thế hệ động vật linh trưởng con.

Sullivan, tác giả chính của nghiên cứu, khẳng định: “Mục đích của chúng tôi không phải là đổ lỗi mà là nhằm nâng cao nhận thức của phụ nữ mang thai về những nguy cơ tiềm ẩn của việc tiêu thụ quá nhiều chất béo trong thai kỳ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hỗ trợ họ và gia đình bằng hình thức cung cấp nhiều lựa chọn mang tính lành mạnh, có ích cho sức khỏe. Chúng tôi nhận thấy việc xây dựng những chính sách nhằm khuyến khích một lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống điều độ là vô cùng ý nghĩa và cần thiết“.

Các nhà nghiên cứu đã lựa chọn 65 cá thể khỉ Nhật Bản tham gia thử nghiệm và chia chúng thành hai nhóm, một nhóm được cung cấp chế độ ăn toàn chất béo trong khi nhóm còn lại phải thực hiện chế độ ăn kiêng dưới sự kiểm soát chặt chẽ trong thời kỳ mang thai. Sau đó, họ tiến hành đánh giá và so sánh hành vi của 135 cá thể khỉ con bao gồm cả giống cái và giống đực có biểu hiện lo lắng và phát hiện ra rằng: nhóm khỉ tiêu thụ quá nhiều chất béo trong thời kỳ mang thai có biểu hiện lo lắng rõ rệt hơn so với nhóm đối chứng. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng tìm hiểu những khác biệt về đặc điểm sinh lý giữa hai nhóm linh trưởng và phát hiện ra rằng: chế độ ăn nhiều chất béo trong thai kỳ cũng như giai đoạn phát triển đầu đời là yếu tố làm suy yếu sự phát triển của các nơ-ron thần kinh chứa serotonin, chất dẫn truyền thần kinh quan trọng đối với sự phát triển của não bộ.

  1. TS. Joel Nigg, chuyên ngành tâm thần học, nhi khoa và khoa học thần kinh về hành vi, OHSU cho biết: “Phát hiện mới khá thú vị. Rất nhiều người sẽ cảm thấy vô cùng ngạc nhiên khi biết rằng chế độ ăn uống của bà mẹ có khả năng ảnh hưởng mạnh mẽ đến hành vi của con trẻ. Chế độ ăn uống đóng vai trò khuynh hướng di truyền đối với các chứng rối loạn phát triển thần kinh như lo âu hay trầm cảm. Chúng tôi đã khám phá ra mối liên quan giữa bệnh béo phì và các bệnh lý thể chất như bệnh tim, tuy nhiên, thực tế chứng minh rằng rõ ràng nó còn ảnh hưởng đến cả sự phát triển của não bộ“.

Sullivan và tác giả đầu tiên của nghiên cứu là Jacqueline Thompson tin rằng phát hiện mới của họ là bằng chứng rõ nét, phản ánh: việc huy động nguồn lực công nhằm cung cấp các loại thực phẩm an toàn, có lợi cho sức khỏe con người cũng như thực hiện chăm sóc trước và sau sinh đối với các gia đình thuộc mọi tầng lớp kinh tế xã hội có thể làm hạn chế sự phát triển của chứng rối loạn về sức khoẻ tâm thần ở các thế hệ tương lai.

Thompson chia sẻ: “Tôi hy vọng rằng khám phá mới sẽ góp phần nâng cao nhận thức của mọi người về nguyên nhân sâu xa của sự phát triển các hội chứng rối loạn tâm thần, từ đó, giúp cải thiện khả năng nhận biết và kiểm soát hiệu quả những tình trạng này cả ở phạm vi cá nhân và xã hội”.

P.K.L (NASATI), Theo http://www.sciencenewsline.com/news/2017072415170045.html, 24/7/2017