Thương mại qua biên giới không chỉ bó hẹp trong phạm vi khu vực biên giới, mà đã trở thành hoạt động thương mại giữa các quốc gia, khu vực và quốc tế. Các cửa khẩu biên giới đất liền đã trở thành những “cây cầu” trung chuyển hàng hóa giữa các nước có chung biên giới. Việc thành lập các khu kinh tế cửa khẩu là một chiến lược nhằm hỗ trợ cho quá trình phát triển, phát huy lợi thế so sánh của các địa phương vùng biên giới, góp phần cải thiện kết cấu hạ tầng, thuận lợi hoá thương mại, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào các khu vực biên giới, mà còn đóng góp vào sự phát triển các chuỗi cung ứng vùng và toàn cầu. Hợp tác kinh tế, thương mại biên giới Việt – Trung trong giai đoạn vừa qua góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, thương mại, dịch vụ của hai nước nói chung và các địa phương vùng biên giới nói riêng.

Mặc dù tiềm năng phát triển kinh tế của các tỉnh vùng biên giới còn hạn chế nhưng phát triển kinh tế thương mại qua biên giới đã mang lại sự năng động cho các yếu tố sản xuất địa phương và đưa hoạt động kinh tế các tỉnh biên giới hội nhập với kinh tế vùng và kinh tế cả nước. Chính phủ hai nước Việt Nam – Trung Quốc đã, đang chú trọng hỗ trợ các tỉnh biên giới cả về vốn đầu tư lẫn các chính sách ưu tiên, khuyến khích nhằm đẩy mạnh quá trình phát triển kinh tế – xã hội nói chung và thương mại biên mậu nói riêng. Hai bên đã tích cực phối hợp triển khai các dự án kết nối hạ tầng giao thông trong khuôn khổ hợp tác “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” Việt – Trung. Bên cạnh những thành tựu đạt được, các hoạt động logistics hỗ trợ XNK tại các cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc vẫn tồn tại nhiều hạn chế, thách thức. Ngoài ra, các doanh nghiệp logistics Việt Nam chưa thực sự tìm được tiếng nói chung với các doanh nghiệp XNK, do vậy, chưa có sự gắn bó, phối hợp nhịp nhàng. Các điều kiện về kết cấu hạ tầng cứng và mềm cho sự phát triển của dịch vụ này còn rất hạn chế. Các chi phí vận tải cao, chất lượng dịch vụ vận tải và logistics kém, thiếu hệ thống cảng cạn, không đồng bộ giữa các phương thức vận tải… là những yếu tố cản trở chính.

Với những luận giải như trên, nhóm thực hiện đề tài Trường Đại học Thương Mại do PGS. TS. Nguyễn Hoàng đứng đầu đã đề xuất triển khai đề tài: “Đề xuất giải pháp phát triển dịch vụ logistics nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá qua các cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc” nhằm đề xuất các giải pháp, kiến nghị phát triển dịch vụ logistics để đẩy mạnh XK hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc.

Đề tài đã tập trung làm rõ hai vấn đề chính sau:

– Đề tài đã hệ thống và làm rõ những nội dung lý thuyết cơ bản về 05 vấn đề chính: Thứ nhất, khái niệm và phân loại dịch vụ logistics (theo chuyên môn hoá, theo hình thức khai thác, dịch vụ logistics và theo quá trình phát triển sản xuất công nghiệp). Thứ hai, khái niệm và thực trạng hoạt động xuất khẩu tại các cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc. Thứ ba, khái niệm, nội dung và vai trò của dịch vụ logistics và phát triển dịch vụ logistics cho xuất khẩu hàng hoá qua các cửa khẩu biên giới đất liền. Thứ tư, liệt kê và phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển logistics, bao gồm các yếu tố thuộc môi trường vĩ mô quốc gia, quốc tế; các yếu tố thuộc môi trường vĩ mô địa phương có cửa khẩu và các yếu tố thuộc môi trường ngành kinh doanh logistics. Thứ năm, đề tài cũng nghiên cứu các bài học kinh nghiệm của một số quốc gia về phát triển dịch vụ logistics (Đức, Thái Lan) nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá qua các cửa khẩu biên giới đất liền. Từ đó rút ra được những bài học kinh nghiệm hữu ích co Việt Nam nhằm phát triển lĩnh vực này, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá qua các cửa khẩu biên giới đất liên Việt – Trung trong giai đoạn hiện nay.

– Đề tài cũng đã đánh giá thực trạng dịch vụ logistics cho xuất khẩu hàng hoá qua các cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc, bao gồm: (1) các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển logistics cho xuất khẩu hàng hoá tại khu vực nghiên cứu (bao gồm các yếu tố thuộc môi trường vĩ mô quốc gia, quốc tế; các yếu tố thuộc môi trường vĩ mô địa phương và các yếu tố thuộc môi trường ngành kinh doanh logistics); (2) thực trạng các loại hình dịch vụ logisitcs phân theo tính chuyên môn hoá (dịch vụ vận tải, kho bãi, giao nhận, dịch vụ khác), theo hình thức khai thác và theo trình độ phát triển; (3) thực trạng chính sách cho phát triển dịch vụ logisitcs tại khu vực nghiên cứu, trong đó liệt kê hệ thống chính sách liên quan đến chủ đề này và tác động của các chính sách đó đến nguồn cung, nhu cầu, hệ thống cung ứng dịch vụ, kết cấu hạ tầng và môi 180 trường cạnh tranh của hoạt động xuất khẩu hàng hoá qua các cửa khẩu biên giới đất liền Việt – Trung; (4) phân tích khả năng thích ứng giữa dịch vụ logistics với hoạt động xuất khẩu hàng hoá, qua đó cho thấy các dịch vụ logistics ít có khả năng thương thích với hoạt động xuất nhập khẩu tại khu vực nghiên cứu. Từ đó, đề tài chỉ ra những điểm đạt được, những hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế của dịch vụ logistics cho hoạt động xuất khẩu hàng hoá qua các cửa khẩu biên giới đất liền giữa hai nước Việt – Trung.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, đề ra mục tiêu và định hướng phát triển logistics nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hoá qua các cửa khẩu biên giới đất liền Việt – Trung trong tương lai, đề tài đưa ra các giải pháp, kiến nghị phát triển dịch vụ logistics cho từng đối tượng: doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics, chính quyền địa phương quản lý các cửa khẩu biên giới đất liền với Trung Quốc, Bộ Công Thương và các ban ngành liên quan và các hiệp hội liên quan. Các giải pháp này chủ yếu tập trung vào hoàn thiện hệ thống luật pháp, phát triển kết cấu hạ tầng logistics, phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ logistics và kinh tế cửa khẩu, phát triển thị trường tiêu dùng, phát triển nguồn cung hàng hoá xuất khẩu, phát triển khác khu kinh tế cửa khẩu biên giới đất liền và triển khai các khu trung chuyển hàng hoá logistics 4.0 tại các tỉnh trọng điểm.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18349/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

P.T.T (NASATI) vista.gov.vn