Những năm gần đây, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, đặc biệt là sự bùng nổ như vũ bão của công nghệ thông tin (CNTT) đã tác động tích cực đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của loài người, tạo ra sự phát triển vượt bậc chưa từng có trong lịch sử. Tại Việt Nam, quá trình thúc đẩy ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước đang được sự chỉ đạo, hướng dẫn và giám sát chặt chẽ bởi Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông và các Bộ, Ngành liên quan. Với sự phổ biến và lan tỏa mạnh mẽ của máy tính, thiết bị điện tử cá nhân, điện thoại thông minh, v.v… và mạng Internet, Công nghệ thông tin là nền tảng để thúc đẩy các ngành khác. Hòa cùng xu hướng chung, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tiêu chuẩn hóa sẽ làm thay đổi cơ bản về qui trình, phương pháp và cách tiếp cận trong hoạt động xây dựng và phổ biến tiêu chuẩn, việc soạn thảo, tổ chức các cuộc họp, lấy ý kiến góp ý, xử lý ý kiến, v.v được đa dạng hóa với nhiều hình thức phong phú thông qua việc sử dụng hệ thống máy tính, phần mềm và các phương tiện truyền thông.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tiêu chuẩn hóa cũng giúp những người hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa nâng cao khả năng tự bồi dưỡng năng lực chuyên môn và nghiệp vụ tiêu chuẩn thông qua việc tự tìm kiếm các nguồn thông tin, tri thức vô tận trên Internet, giúp tổ chức xây dựng tiêu chuẩn mở rộng mạng lưới đối tác và các bên liên quan trong hoạt động xây dựng tiêu chuẩn trên cả qui mô về chiều rộng và chiều sâu. Tạo thuận lợi cho việc quản lý và tổ chức các cuộc họp BKT và đẩy nhanh tiến trình xây dựng TCVN nhưng vẫn đảm bảo việc tuân thủ theo qui trình và nâng cao chất lượng TCVN. Hiện nay, các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế và khu vực như ISO, IEC, ITU, CODEX, CEN rất coi trọng việc ứng dụng CNTT trong việc quản lý quá trình xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình này, huy động và lôi cuốn được nhiều đối tượng quan tâm tham gia vào quá trình xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, giảm chi phí quản lý và vận hành hệ thống, đồng thời tạo điều kiện để người sử dụng tiêu chuẩn có thể tiếp cận được nhanh chóng, chính xác và đầy đủ hệ thống tiêu chuẩn.
Từ những xu hướng đó, nhóm nghiên cứu, Trung tâm Chứng nhận phù hợp, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, do ThS. Nguyễn Văn Khôi làm chủ nhiệm đã đề xuất và được giao thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia phục vụ phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam” nhằm nghiên cứu xây dựng 05 dự thảo về tiêu chuẩn đô thị thông minh và giới thiệu về hệ thống tiêu chuẩn về đô thị thông minh quốc tế và quốc gia được công bố thông qua nền tảng website về Đô thị thông minh; hỗ trợ tích cực về thông tin về tiêu chuẩn, nguồn dữ liệu tiêu chuẩn dựa trên nền tảng API hiện đại, phù hợp với khuyến nghị của các Tổ chức tiêu chuẩn quốc tế và khu vực; nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam (TCVN/TC) trong hoạt động xây dựng TCVN và tham gia xây dựng và góp ý xây dựng TCQT/TCKV; lôi cuốn được tham gia của tất cả các bên có liên quan vào quá trình xây dựng TCVN; tổng hợp và quản lý thống nhất, đầy đủ, chính xác và kịp thời cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về TCVN và TCVN/TC; đáp ứng quá trình hội nhập sâu rộng và phù hợp với xu thế chung của các tổ chức tiêu chuẩn quốc gia, khu vực và quốc tế.
Hiện tại ở Việt Nam đã có xấp xỉ 30 tỉnh thành đã và đang tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo, ký kết các biên bản ghi nhớ, hợp tác với các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin nhằm hướng tới việc xây dựng các kế hoạch, đề án phát triển các mô hình đô thị thông minh tại địa phương mình. Có thể kể tới các địa phương như Bắc Ninh, Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Dương, Phú Thọ, Hoà Bình, Hà Nam, Khánh Hoà, Tiền Giang, Phú Yên, Thanh Hoá, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Hải Phòng, Thái Bình, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tầu, Cần Thơ, Kiên Giang, Bến Tre, Cà Mau… Trong đó, một số tỉnh, thành đã hoàn thành việc xây dựng và phê duyệt đề án để bắt tay vào quá trình triển khai thực hiện. Đặc biệt như tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai… đã xác định khá rõ các mục tiêu, nội dung, đối tượng và các giai đoạn thực hiện. Tuy nhiên, ở hầu hết các địa phương này các mô hình đề án xây dựng và phát triển đô thị thông minh hiện đang được triển khai ở những bước đi đầu tiên mang tính nghiên cứu thí điểm từng bước.
Nhìn chung các kế hoạch và đề án phát triển các mô hình đô thị thông minh tại các địa phương được khảo sát cho thấy các mô hình ĐTTM cơ bản được phát triển trên nền tảng mô hình chính quyền điện tử kết hợp với việc đầu tư các dự án nâng cao năng lực thực hiện, cải thiện năng suất lao động, cải tiến công nghệ, thiết bị… trong từng lĩnh vực khác nhau của đô thị thông minh như Y tế, Giáo dục, Môi trường, Giao thông, Năng lượng, Nông nghiệp, Công nghệ thông tin… Từ đó hướng tới việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân đô thị, tối ưu hoá các nguồn lực phục vụ cho mục đích phát triển đô thị bền vững.
Bên cạnh đó, mỗi mô hình kế hoạch, đề án phát triển ĐTTM đều đang được xây dựng dựa trên những đặc trưng của từng địa phương với nhưng phân tích đánh giá về ưu thế, thuận lợi, khó khăn, rủi ro và cơ hội riêng. Từ đó đề ra các nhóm 208 nhiệm vụ, dự án, đầu tư cụ thể với mức độ ưu tiên dựa trên nguồn lực sẵn có của mỗi địa phương.
Tuy nhiên, có thể thấy việc thiếu một hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia về các khái niệm, thuật ngữ liên quan đến ĐTTM cũng như thiếu các tiêu chí, chỉ tiêu dùng để so sánh, đánh giá mức độ “trưởng thành” của các mô hình đô thị thông minh đang khiến cho các địa phương có kế hoạch phát triển ĐTTM gặp ít nhiều khó khăn, bối rối trong việc xác định các chuẩn mực cụ thể cần đạt được cũng như xây dựng lộ trình triển khai áp dụng. Điều này có thể dẫn tới việc đầu tư dàn trải, không đúng trọng tâm và thiếu sự đồng bộ, nhất quán trong công tác điều hành quản lý đô thị… dẫn tới việc lãng phí các nguồn lực của địa phương và của quốc gia.
Đề tài kiến nghị các bộ, ngành và các doanh nghiệp, tổ chức xã hội… cần chủ động trong việc tham gia nghiên cứu, đề xuất xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến các khía cạnh các nhau của quản lý đô thị nói chung và đô thị thông minh nói riêng để làm cơ sở cho việc so sánh, đánh giá kết quả thực hiện cũng như hoạch định các đề án phát triển đô thị thông minh. Đảm bảo được nguyên tắc hài hoà với các tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn quốc tế.
Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng các văn bản, chính sách nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc xây dựng các mô hình đô thị thông minh; ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư, thu hút các nguồn lực trong nước và quốc tế trong việc nghiên cứu, xây dựng, phát triển các mô hình đô thị thông minh một cách bền vững qua đó hỗ trợ các địa phương phát triển các ĐTTM. Các địa phương cần chủ động trong việc nghiên cứu, phát triển các mô hình đô thị thông minh dựa trên đặc thù của từng địa phương của mình trên cơ sở tham chiếu so sánh với các mô hình, chuẩn mực của quốc gia, khu vực và quốc tế; ban hành các quy định thống nhất về việc quản lý, sử dụng, chia sẻ và bảo mật các dữ liệu, thông tin về đô thị thông minh và nâng cao năng lực quản lý an ninh thông tin từ cấp trung ương tới địa phương. Các tiêu chuẩn truyền thống liên quan đến SC chủ yếu được xây dựng bởi các tổ chức kỹ thuật theo các tiếp cận “dọc”. Kết quả là những tiêu chuẩn này chỉ bao trùm các khía cạnh kỹ thuật của SC, nó làm giảm hiệu lực và dẫn đến nghi ngờ về tính hợp lệ của chúng.
Ngoài ra, mô hình ban đầu của “thành phố số”, “thành phố không dây”, “thành phố băng thông rộng” hay “thành phố quang” tập trung nhiều vào công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Các mô hình này không theo chiến lược theo chiều rộng và theo chiều ngang, cách tiếp cận ngành dọc dựa trên cơ sở hạ tầng riêng rẽ, không kết nối với nhau và thường chồng chéo. Không mô hình nào có thể thỏa mãn yêu cầu phức tạp và toàn diện của quản lý đô thị và phát triển bền vững trong tương lai. Do đó, hệ thống số ban đầu, cũng như các tiêu chuẩn ICT truyền thống, cần được cải tiến và thiết kế lại ở cấp độ cao hơn và rộng hơn. Và chỉ có SC mới làm thay đổi được điều này. Việc xây dựng các tiêu chuẩn SC có thể được thực hiện nhờ sự phối hợp giữa các tổ chức xây dựng tiêu chuẩn và thông qua việc chấp nhận các tiêu chuẩn quốc tế, khu vực, quốc gia, ngành hiện hành, đáp ứng nguyên tắc về tính mở, khả năng tương tích và linh hoạt.
Nhìn một cách tổng thể, có thể thấy việc xây dựng các tiêu chuẩn liên quan đến đô thị thông minh ở các địa phương hiện chủ yếu mang tính cục bộ địa phương, dựa trên các nguồn lực sẵn có kết hợp với tham vấn từ các đơn vị tư vấn tham gia xây dựng đề án để xác định các chuẩn mực đô thị thông minh cho từng tỉnh. Các hoạt động trên hầu như chưa có sự phối kết hợp với các cơ quan chuyên môn xây dựng tiêu chuẩn như Viện tiêu chuẩn, Vụ Tiêu chuẩn của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Do đó cách thức tiếp cận, hình thức thể hiện và các tiêu chí, chuẩn mực chưa có sự thống nhất.
Để việc xây dựng các tiêu chuẩn về đô thị thông minh và bền vững có sự nhất quán tổng thể về cấu trúc và hài hoà về nội dung giữa các tiêu chuẩn địa phương, tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn quốc tế thì quá trình thực hiện ở các địa phương rất cần có sự đổi, phối hợp với các cơ quan, tổ chức xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam. Trên cơ sở đó có sự tham chiếu hoặc thừa nhận lẫn nhau thông qua việc chấp nhận các tiêu chuẩn quốc tế, khu vực, quốc gia hiện hành đáp ứng đầy đủ các nguyên tắc về tính mở, khả năng tương thích và linh hoạt. Ngoài ra khi xem xét xây dựng và xác định các tiêu chuẩn liên quan về đô thị thông minh bên cạnh việc xây dựng các tiêu chuẩn theo đặc thù ở địa phương cần cân nhắc việc so sánh, chấp nhận các tiêu chuẩn khu vực, quốc tế mà Việt Nam có sự tương đồng. Qua đó đảm bảo được tính tương đồng với các đô thị trong khu vực và quốc tế nhưng vẫn phát huy được các điểm mạnh và ưu thế đặc trưng của từng địa phương.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18350/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
P.T.T (NASATI) vista.gov.vn