Bằng việc theo dõi giám sát các thay đổi di truyền trong phản ứng dị ứng đậu phộng cấp tính ở trẻ em, các nhà khoa học đã xác định được 6 gen và các cơ chế liên quan đóng vai trò lớn trong việc gây ra các phản ứng dị ứng.

Các kết quả thu được từ công trình nghiên cứu do Trường Đại học Y tại Mount Sinai-New York đứng đầu đã được công bố trên tạp chí Nature Communications gần đây. Công trình nghiên cứu này được tiến hành bằng liệu pháp đối chứng giả dược, placebo và mù đôi và là lần đầu tiên tính toán một cách toàn diện những thay đổi trong biểu hiện gen trước, trong và sau khi người tham gia tiếp xúc với đậu phộng.

Theo bà Supinda Bunyavanich, phó giáo sư khoa nhi, di truyền học và khoa học về gen tại Mount Sinai cho biết, nghiên cứu này làm nổi bật các gen và các quá trình phân tử mà có thể là các mục tiêu trong các liệu pháp mới ứng dụng cho nghiên cứu xem xét và điều trị các phản ứng dị ứng đậu phộng.

Giáo sư Bunyavanich cũng gợi ý rằng những phát hiện này rất quan trọng trong việc giúp chúng ta hiểu được tổng quan về các nghiên cứu dị ứng đậu phộng.

Sự gia tăng các vấn đề sức khoẻ cộng đồng
Dị ứng đậu phộng là một dạng dị ứng thức ăn, trong đó hệ thống miễn dịch phản ứng rất mạnh với việc ăn phải một loại thực phẩm cụ thể nào đó, ngay cả khi lượng ăn vào là rất nhỏ. Phản ứng này gây ra hàng loạt các triệu chứng, bao gồm: sưng tấy; phát ban; khó thở; rối loạn tim, huyết áp và hệ tiêu hóa; và đôi khi, có khả năng đe doạ đến mạng sống.

Bệnh dị ứng đậu phộng cũng là một mối lo ngại về sức khoẻ cộng đồng ở Mỹ. Đây là quốc gia có tỉ lệ mắc bệnh ước tính tăng từ 0.4% năm 1999 đến 2% năm 2010. Đối với hầu hết những người bị dị ứng đậu phộng, bệnh này bắt đầu từ thời thơ ấu và người mắc phải sống chung với nó suốt đời. Mặc dù bệnh này là nguyên nhân chính gây tử vong do tình trạng bị phản ứng quá mẫn liên quan đến thực phẩm ở Hoa Kỳ, nhưng dị ứng đậu phộng rất hiếm khi gây tử vong. Tuy nhiên, tâm lý sợ hãi bị chết vì bệnh là một trong những yếu tố lớn tạo ra gánh nặng y tế và gây tâm lý cho xã hội.

Đậu phộng với giả dược
Trong nghiên cứu mới này, Giáo sư Bunyavanich và các đồng nghiệp đã phân tích các mẫu máu thu thập được từ 40 trẻ bị dị ứng lạc tham gia vào thử nghiệm mù đôi để so sánh các phản ứng với đậu phộng cũng như phản ứng với giả dược. (Mù đôi có nghĩa là những người tham gia cũng như các bác sĩ lâm sàng sử dụng liều thuốc mà chính họ hoàn toàn không biết đó là đậu phộng hay đó là giả dược). Các mẫu máu được thu thập trước, trong và sau khi những người tham gia hoàn thành xong thử nghiệm này.

Khi những đứa trẻ tham gia trải qua thử thách thực phẩm chính là đậu phộng, sau khoảng 20 phút sau ăn sẽ sảy ra phản ứng dị ứng, hoặc cho đến khi tổng lượng lạc ăn vào là 1.044 gram. Trong khi thử thách thực phẩm là placebo (trong trường hợp này, các nhà nghiên cứu sử dụng bột yến mạch – một mẫu tương tự đã được cho phép sử dụng), những đứa trẻ này đã được nhận các liều đậu phộng và placebo vào các ngày khác nhau.

Phản ứng dị ứng do 6 gen gây ra
Tất cả các mẫu máu được tiến hành phân tích gen toàn diện bằng công nghệ sắp xếp trình tự RNA để tìm ra những gen và tế bào hoạt động trong các phản ứng dị ứng và rất có thể là nguyên nhân gây ra phản ứng dị ứng.

Nhóm nghiên cứu đã xác định được 6 gen gồm LTB4R, PADI4, IL1R2, PPP1R3D, KLHL2, và ECHDC3 gây ra phản ứng dị ứng đậu phộng. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, một phân tích các tế bào miễn dịch liên quan cũng đã xác định được những thay đổi trong bạch cầu trung tính, các tế bào T CD4 + naive, và các quần thể đại thực bào trong các thử nghiệm đậu phộng.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện thấy các kết quả này tương tự khi tiến hành thử nghiệm với một nhóm 21 bệnh nhân dị ứng đậu phộng. Hiện họ đang có kế hoạch điều tra xem xét liệu những phát hiện này có áp dụng cho những người bị dị ứng với sữa, trứng và các thực phẩm khác không.

P.T.T (NASATI), theo https://www.medicalnewstoday.com/articles/320257.php, 6/12/2017