(Theo NASATI) – Ngày 14/10/2017, tại Hà Nội, Trung ương Hội nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ KH&CN và Báo Nông thôn Ngày nay đã tổ chức Diễn đàn Nông dân Việt Nam lần thứ hai: Nông dân sẵn sàng cho nông nghiệp 4.0. Đây là một trong chuỗi hoạt động của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam. Tham dự Diễn đàn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, cùng các nông dân Việt Nam tiêu biểu.
Tại phiên khai mạc Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, nỗ lực của người nông dân, doanh nghiệp đã giúp Việt Nam từ một nước nhập khẩu lương thực đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Để phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, Phó Thủ tướng cho biết Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII chỉ rõ định hướng “xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu”, tạo tiền đề cho việc triển khai cách mạng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp (nông nghiệp 4.0).
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với xu hướng phát triển trên nền tảng tích hợp cao của hệ thống kết nối số hóa – vật lý – sinh học với sự đột phá của internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, nếu không có những thay đổi mạnh mẽ về khoa học và công nghệ, chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức và tác động tiêu cực như tụt hậu về công nghệ, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên và suy giảm sản xuất, kinh doanh…
Nông nghiệp Việt Nam thời gian qua đã có sự tăng trưởng vượt bậc: Giá trị sản xuất và giá trị gia tăng đã tăng liên tục trong thời gian dài; sản lượng hàng hóa đang ngày càng lớn, xuất khẩu tăng trưởng cao, thu nhập và đời sống của người nông dân ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của nông nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn theo chiều rộng. Việc ứng dụng các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến dựa trên số hóa và kết nối tạo ra các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh còn rất ít. Tại Diễn đàn, các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà quản lý và nông dân đã cùng nhau thảo luận về Lợi ích nông nghiệp 4.0; Gỡ rào cản về công nghệ, nhân lực cho nông nghiệp 4.0; Những thách thức từ thị trường, vốn đối với nông dân khi làm nông nghiệp 4.0. Diễn đàn là sự đối thoại giữa bốn nhà: nhà nông, người làm chính sách, chuyên gia và doanh nghiệp để trả lời những thắc mắc trên, đồng thời tìm hướng giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình ứng dụng nông nghiệp 4.0 vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.
Nông nghiệp 4.0 đã giúp nền nông nghiệp của nhiều quốc gia phát triển và đạt những thành tựu quan trọng. Tại Mỹ, Brazil, Argentina, nông nghiệp 4.0 đã giúp nước này giảm tới 50% giá thành sản xuất ngô và đỗ tương. Tại Nhật Bản, chỉ với 2 triệu dân làm nông nghiệp (chiếm 1,5%) trong tổng số 127 triệu dân, canh tác trên 1,5 triệu ha đất nông nghiệp nhưngkhông phải nhập khẩu gạo mà còn xuất khẩu thịt bò và một số rau quả. Tại Malaixia, quốc gia ở ASEAN, đã ứng dụng nông nghiệp thông minh, có thể giúp nông dân trồng ớt tăng thu nhập hơn gấp đôi (+129%). Philipin, một nước đang phải nhập khẩu hơn 2 triệu tấn ngô mỗi năm từ 5-10 năm trước, thì năm 2017 tuyên bố đạt hơn 8 triệu tấn ngô, trong khi nhu cầu chỉ cần 5,6 triệu tấn, chủ yếu nhờ tăng sử dụng giống ngô lai và công nghệ tưới bằng năng lượng mặt trời…
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: “Phát triển nông nghiệp 4.0 là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng. Việt Nam không thể đứng ngoài làn sóng này”. Để thực hiện hiệu quả nền nông nghiệp 4.0, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Diễn đàn tập trung làm rõ thực trạng và xác định vị trí của nông nghiệp Việt Nam trong bức tranh tổng thể toàn cầu, khu vực; phân tích, đánh giá, làm rõ hiệu quả và những khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, các đại biểu xác định rõ những kinh nghiệm quốc tế về phát triển nông nghiệp 4.0 và thực tiễn ở Việt Nam, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Việt Nam cần tầm nhìn tổng thể phát triển nông nghiệp, định hướng ứng dụng công nghệ cao và phát triển nông nghiệp 4.0.
Theo các chuyên gia, cả thế giới và Việt Nam đang ở trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn gọi là công nghiệp 4.0, sẽ biến đổi cách sống, làm việc và giao tiếp của toàn nhân loại theo cách hoàn toàn mới. Đối với lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, bản chất của Cách mạng công nghiệp 4.0 chính là áp dụng thành tựu công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất, làm việc trên những cánh đồng bằng phương pháp điều khiển từ xa…, để tối ưu hoá quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, cải thiện đời sống và làm giàu cho người nông dân. Diễn đàn lần này là cơ hội mở cho sự đối thoại giữa bốn nhà: nhà nông, người làm chính sách, chuyên gia và doanh nghiệp để trả lời những thắc mắc trên, đồng thời tìm hướng giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình ứng dụng nông nghiệp 4.0 vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp của nông dân.
Hiện nay, cả nước đang có 13,8 triệu hộ nông dân với 78 triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ. Muốn phát triển nông nghiệp thành công, phải tái cơ cấu lại nền nông nghiệp và một trong các giải pháp đó là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng cuộc cách mạng 4.0.