Bệnh dịch tả vịt là một bệnh truyền nhiễm do Herpesvirus gây ra trên vịt, ngan, ngỗng và một số loài thủy cầm hoang dã khác. Ở Việt Nam hàng năm thiệt hại do bệnh dịch tả vịt gây ra ước tính vào khoảng 20% trong tổng số thiệt hại do các bệnh khác gây ra. Sử dụng vacxin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Theo Thông tư số 28/2013/TT-BNNPTNT ngày 31/05/2013 về việc ban hành Danh mục vacxin, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng trong thú y được phép lưu hành tại Việt Nam thì hiện tại ở Việt Nam đang lưu hành 4 loại vacxin phòng bệnh dịch tả vịt được sản xuất từ trong nước. Trong 4 loại vacxin trên thì 3 vacxin dịch tả vịt với mã số đăng ký là TW-XI-14, TW IV-5, TWII-8 được sản xuất trên môi trường trứng vịt và vacxin còn lại với mã số TWII-96 được sản xuất trên môi trường tế bào. Vacxin dịch tả vịt được sản xuất trên môi trường trứng vịt có nhược điểm là không hạn chế được sự truyền lây của các mầm bệnh khác truyền qua trứng vịt. Vacxin dịch tả vịt sản xuất trên môi trường tế bào có hạn chế là chi phí giá thành sản phẩm cao, dễ bị tạp nhiễm trong quá trình nuôi cấy tế bào và sản xuất vacxin, yêu cầu cao về đầu tư công nghệ cũng như kiến thức về nuôi cấy tế bào và gây nhiễm virus trên tế bào.
Trên cơ sở thành công của đề tài “Khảo sát một số đặc tính sinh học của chủng virus nhược độc dịch tả vịt DP-EG-2000 và nghiên cứu quy trình chế tạo vacxin phòng bệnh” với nhiều ưu điểm nổi trội của vacxin dịch tả vịt khi được sản xuất từ chủng virus DP-EG-2000 so với 4 loại vacxin dịch tả vịt ở trên như: (1) Chủng virus vacxin dịch tả vịt DP-EG-2000 được sản xuất trên môi trường trứng gà thay vì trứng vịt, vì vậy, sẽ hạn chế được sự truyền lây của các mầm bệnh truyền qua trứng vịt; (2) Có thể sản xuất vacxin dịch tả vịt ở quy mô công nghiệp bằng chính những nguyên vật liệu sẵn có là trứng gà trong nước; (3) Vacxin có thể dùng an toàn cho vịt mọi lứa tuổi, hiệu quả phòng bệnh của vacxin đạt 100%; (4) Vacxin có thể dùng để can thiệp trực tiếp vào ổ dịch, tỷ lệ bảo hộ đạt > 90,6%. Vì vậy, từ tháng 1/2014 đến tháng 12/2015, nhóm nghiên cứu tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam do TS. Lê Văn Phan làm chủ nhiệm, đã thực hiện đề tài: “Hoàn thiện quy trình sản xuất vacxin dịch tả vịt (chủng DP – EG – 2000) quy mô công nghiệp”.
Đề tài nhằm mục tiêu hoàn thiện được qui trình sản xuất vacxin nhược độc dịch tả vịt dạng tươi và dạng đông khô (chủng DP-EG-2000) trên trứng gà ở quy mô công nghiệp. Cụ thể, sản xuất 6 triệu liều vacxin (2 triệu liều/lô x 3 lô liên tục) phòng bệnh dịch tả vịt từ chủng virus vacxin DP-EG-2000. Vacxin sản xuất ra đảm bảo các chỉ tiêu kỹ thuật về an toàn và có khả năng bảo hộ 100% đàn vịt được tiêm phòng.
Một số kết quả nghiên cứu của đề tài:
– Đã hoàn thiện được quy trình sản xuất giống gốc (Master seed) chủng DP-EG- 2000 trên trứng gà dùng để sản xuất vacxin ở quy mô công nghiệp 6 – 15 triệu liều/năm,
– Đã hoàn thiện được quy trình sản xuất và kiểm nghiệm vacxin thành phẩm dạng tươi quy mô công nghiệp gồm những bước: Chuẩn bị giống vacxin, gây nhiễm virus trên phôi trứng gà, theo dõi và kiểm tra phôi trứng sau gây nhiễm, mổ trứng và thu hoạch huyễn dịch virus, kiểm nghiệm bán thành phẩm (kiểm tra vô trùng, kiểm tra hiệu giá virus) và ra chai, dán nhãn, bảo quản sản phẩm. Sản phẩm vacxin thành phẩm được kiểm tra an toàn, vô trùng, và hiệu lực.
– Đã hoàn thiện được quy trình sản xuất và kiểm nghiệm vacxin thành phẩm dạng đông khô quy mô công nghiệp gồm những bước: Chuẩn bị giống vacxin, gây nhiễm virus trên phôi trứng gà, theo dõi và kiểm tra phôi trứng sau gây nhiễm, mổ trứng và thu hoạch huyễn dịch virus, kiểm tra vô trùng và hiệu giá của bán thành phẩm, bổ sung chất bổ trợ, ra chai, đông khô sản phẩm vacxin, kiểm nghiệm vacxin đông khô, dán nhãn, bảo quản sản phẩm. Chất bổ trợ được sử dụng để sản xuất vacxin đông khô là sữa gầy với tỷ lệ sữa gầy : huyễn dịch virus là 1 : 2. Sản phẩm vacxin thành phẩm được kiểm tra an toàn, vô trùng, và hiệu lực.
– Đã hoàn thiện được quy trình sử dụng vacxin dịch tả vịt dạng tươi cho vịt, cụ thể như sau: Liều sử dụng: ≥ 103EID50 / liều sử dụng (0,2ml/liều); Đường đưa vacxin: Dưới da; Thời điểm đưa vacxin lần đầu: 15 ngày tuổi (có thể sử dụng vào 7 ngày tuổi ở những vùng đang bị dịch); Thời điểm tiêm vacxin nhắc lại: Khi vịt đạt 135 ngày tuổi hoặc 2 tuần trước khi đẻ.
– Đã hoàn thiện được quy trình sử dụng vacxin dịch tả vịt dạng đông khô cho vịt:Liều sử dụng: ≥ 103EID50 / liều sử dụng; Đường đưa vacxin: Dưới da; Thời điểm đưa vacxin lần đầu: 15 ngày tuổi (có thể sử dụng vào 7 ngày tuổi ở những vùng đang bị dịch).Thời điểm tiêm vacxin nhắc lại: Khi vịt đạt 135 ngày tuổi hoặc 2 tuần trước khi đẻ.
– Đã hoàn thiện được quy trình bảo quản vacxin dịch tả vịt dạng tươi và quy trình bảo quản vacxin dịch tả vịt dạng đông.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 12610/2016) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia
N.P.D (NASATI)