Nhằm mục tiêu có thể điều chế và đánh giá các đặc tính của nanogel nhạy nhiệt trên cơ sở polysaccharide sulfate (heparin và fuicodan) ứng dụng chuyển giao các thuốc chống ung thư cisplatin và paclitaxel kém tan trong nước nhằm tăng độ hòa tan, giảm độ độc của thuốc góp phần tăng hiệu quả tiêu diệt khối u ung thư trên chuột suy giảm miễn dịch được ghép khối u, nhóm nghiên cứu do PGS.TS. Trần Ngọc Quyển, Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng đứng đầu đã thực hiện đề tài: “Điều chế các hệ nanogel nhạy nhiệt trên cơ sở polysaccharide sulfate để mang-nhả chậm hiệu quả cisplatin và các thuốc chống ung thư kém tan trong nước”.
Sau 36 tháng, từ (05/2015) đến (05/2018) triển khai thực hiện, đề tài thu được hoàn thiện được đầy đủ các nội dung nghiên cứu:
– Điều chế và khảo sát các đặc tính của copolymer ghép nhạy nhiệt pluronic F127-g- heparin và pluronic F127-g-fucoidan.
– Điều chế monocarboxylated pluronic từ anhydride succinic và pluronic
– Điều chế copolymer ghép nhạy nhiệt pluronic-g- heparin và pluronic-g-fucoidan.
– Khảo sát đặc tính của 2 copolymer ghép.
– Đánh giá quá trình hình thành nanogel theo thay đổi của nhiệt độ (25 đến 32 oC)
– Điều chế phức hydrate cisplatin[(H2N)2-Pt-(OH)2] và phức giữa platin hydrate và copolymer nhạy nhiệt.
– Đánh giá khả năng nang hóa thêm paclitaxel và nhả chậm 2 thuốc của 2 hệ chất mang
– Đánh giá hiệu quả tiêu diệt tế bào ung thư với Kit MTT [3-(4,5-dimethylthiazol-2-yl)-2,5-diphenyltetrazolium bromide].
– Đánh giá hoạt tính kháng khối u bằng phương pháp ghép tế bào ung thư vào chuột đã được gây suy giảm miễn dịch (xenograft assay) kết hợp các kỹ thuật Flow cytometer và hematoxylin-Eosin tissue staining. Nghiên cứu được thực hiện tại phòng nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc Trường ĐH KHTN TpHCM.
Tóm lại, hiệu quả tác động của hệ thuốc Heparin F127/cisplatin–nanocurcumin lên khối u và các tế bào ung thư được cộng gộp bởi các ưu điểm: Chất mang Heparin F127 có tốc độ giải phóng thuốc chậm trong vòng 72 giờ, lâu hơn so với các nghiên cứu trước về khả năng nhả thuốc cisplatin tự do (80% lượng thuốc cisplatin được phóng thích chỉ trong 1 giờ đầu thí nghiệm). Điều này góp phần quan trọng trong điều kiện cơ thể khi thuốc có thể kéo dài thời gian tuần hoàn trong huyết tương và sau đó tích tụ trong các khối u thông qua hiệu ứng EPR. Curcumin được chứng minh có khả năng chống ung thư thông qua hiệu ứng của nó trên một loạt các con đường sinh học liên quan đến đột biến, biểu hiện gene gây ung thư, quy định chu kỳ tế bào, apoptosis, sự phát triển khối u và di căn. Curcumin ngăn chặn sự kích hoạt của NF-kB thông qua sự ức chế hoạt động của IKKβ, dẫn đến sự át chế của một số gene điều hòa NF-kB liên quan đến sự hình thành khối u bao gồm TNF, COX-2, cyclin D1, c-myc, MMP-9 và interleukins. Ngoài ra, Curcumin có tác dụng ức chế sự hình thành khối u và di căn bằng cách ngăn chặn các yếu tố tăng trưởng bao gồm VEGF (yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu), COX2, MMPs và ICAMs.
Hiện hệ nanogel đang được nghiên cứu xa hơn để đánh giá hiệu quả dẫn truyền của thuốc erlotinib và paclitacel.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15716/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)