Bệnh lý tim mạch là bệnh rất thường gặp và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở các nước đang phát triển. Sự ra đời của phẫu thuật tim với tuần hoàn ngoài cơ thể là một bước ngoặt lớn của y học giúp cải thiện tỷ lệ tử vong đáng kể. Phương pháp phẫu thuật tim truyền thống mở toàn bộ đường giữa xương ức là phương pháp cơ bản từ trên 50 năm nay, cho phép xử lý nhiều loại tổn thương. Từ giữa thập niên 90, Carpentier và cộng sự tiến hành cuộc cách mạng trong phẫu thuật tim hở với ca sửa van đầu tiên qua đường mở nhỏ ngực phải, có nội soi hỗ trợ, rung thất để bảo vệ tim. Tiếp theo đó, nhiều nghiên cứu về phẫu thuật tim hở ít xâm lấn có nội soi hỗ trợ được tiến hành. Ưu điểm của phẫu thuật rõ ràng đặc biệt giảm nhiễm trùng vết mổ, loại bỏ nguy cơ viêm xương ức, giảm đau sau mổ, tínhthẩm mỹ, an toàn với người bệnh, thời gian hồi phục nhanh.

Tại Việt Nam, phẫu thuật tim hở ít xâm lấn có nội soi hỗ trợ đã được thực hiện trong thời gian gần đây tại một số trung tâm phẫu thuật tim mạch, kết quả ban đầu cho thấy phương pháp an toàn, khả thi, có thể triển khai thường quy với điều kiện trang thiết bị hiện có. Tuy nhiên, phẫu thuật thay van hai lá (VHL) và vá thông liên nhĩ (TLN) ít xâm lấn có nội soi hỗ trợ ở Việt Nam hiện mới được áp dụng, còn chưa phổ biến, chưa có nhiều nghiên cứu đánh giá đầy đủ, hệ thống về quy trình kỹ thuật, kết quả cũng như khả năng ứng dụng. Nhằm xây dựng được quy trình phẫu thuật tim hở ít xâm lấn có nội soi hỗ trợ trong vá thông liên nhĩ phù hợp với người Việt Nam và xây dựng được quy trình phẫu thuật tim hở ít xâm lấn có nội soi hỗ trợ trong phẫu thuật bệnh van hai lá phù hợp với người Việt Nam, nhóm nghiên cứu do GS.TS. Lê Ngọc Thành, Trung Tâm Tim Mạch – Bệnh Viện E, đứng đầu đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật tim hở ít xâm lấn có nội soi hỗ trợ trong thông liên nhĩ và bệnh van hai lá

Qua nghiên cứu 57 bệnh nhân bệnh VHL và 52 bệnh nhân TLN được phẫu thuật theo phương pháp ít xâm lấn có nội soi hỗ trợ tại Trung Tâm Tim Mạch – Bệnh viện E nhóm đề tài rút ra một số kết luận sau:

  1. Quy trình kỹ thuật

1.1 Phẫu thuật thay van hai lá ít xâm lấn có nội soi hỗ trợ

– Đường mở ngực 4 – 6cm trước bên bên phải, KLS 5 ở nam, dưới nếp lằn vú ở nữ, mở vào khoang màng phổi vị trí KLS 4 hoặc xác định dưới sự hỗ trợ của nội soi.

– THNCT ngoại vi: ống động mạch đùi phải, một ống tĩnh mạch đùi phải, một ống tĩnh mạch chủ trên đặt qua đường tĩnh mạch cảnh trong phải qua da

– Bảo vệ cơ tim bằng truyền dung dịch liệt tim xuôi dòng qua gốc động mạch chủ, cặp động mạch chủ qua thành ngực, dung dịch liệt tim Custodiol – HTK.

– Tiếp cận van hai lá qua đường mở nhĩ trái (thay VHL đơn thuần), mở nhĩ phải trong trường hợp kết hợp sửa van ba lá.

– Thay VHL với kĩ thuật kinh điển, cắt van bảo tồn dây chằng lá sau, cố định van vào vòng van bằng chỉ dệt, mũi chữ U, có miếng đệm vòng van.

– Xử lý các tổn thương phối hợp: lấy huyết khối nhĩ trái (HKNT), loại bỏ tiểu nhĩ trái (TNT), sửa van ba lá.

1.2 Phẫu thuật vá thông liên nhĩ ít xâm lấn có nội soi hỗ trợ

– Đường mở ngực 4 – 6cm trước bên bên phải, KLS 5 ở nam, dưới nếp lằn vú ở nữ, mở vào khoang màng phổi vị trí KLS 4 hoặc xác định dưới sự hỗ trợ của nội soi.

– Tuần hoàn ngoài cơ thể (THNCT) ngoại vi: ống động mạch đùi phải, một ống tĩnh mạch đùi phải, một ống tĩnh mạch chủ trên đặt qua đường tĩnh mạch cảnh trong phải qua da – Vá thông liên nhĩ để tim đập với tư thế đầu thấp nghiêng trái bơm CO2 trong suốt quá trình mổ tránh tai biến blốc nhĩ thất, tắc mạch khí

  1. Kết quả phẫu thuật

2.1 Phẫu thuật thay van hai lá ít xâm lấn có nội soi hỗ trợ

– Thời gian phẫu thuật dài hơn: kẹp ĐMC trung bình: 113 ± 25 phút, chạy máy THNCT trung bình: 157 ± 29 phút. Thời gian thở máy 8,7 ± 6,5 giờ, hồi sức 2,14 ± 0,9 được rút ngắn

– Phương áp an toàn với tỉ lệ tử vong 0%, TBMN 0%, không có trường hợp nào thất bại kĩ thuật

– Thay đổi sau phẫu thuật: Áp lực động mạch tâm thu, kích thước nhĩ trái, thất trái, chênh áp qua van hai lá giảm đáng kể có ý nghĩa thống kê 2.2 Phẫu thuật thay van hai lá ít xâm lấn có nội soi hỗ trợ

– An toàn với tỉ lệ tử vong là 0%, tắc mạch khí 0%

– Thời gian thở máy ngắn 4,5 ± 3,8 giờ, thời gian nằm hồi sức 29,9 ± 18,4 giờ

– Giúp bệnh nhân đỡ đau nhiều sau mổ, đi lại sớm. Đặc biệt là không có hiện tượng nhiễm trùng xương ức.

– Bệnh nhân có vết mổ nhỏ lợi ích về thẩm mỹ giúp tránh mặc cảm về bệnh, nhất là ở BN nữ giới.

– Hầu hết bệnh nhân đều hài lòng với phương pháp mổ này.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 155/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

P.T.T (NASATI)