Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời và một thị trường thiết bị điện mặt trời đang phát triển. Không như các nhà máy điện mặt trời nối lưới quy mô lớn đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn vào hạ tầng lưới điện, hệ thống điện mặt trời áp mái hay điện mặt trời mái nhà có thể được phát triển rộng rãi mà không đòi hỏi nâng cấp lưới điện phân phối. Với việc đưa vào hoạt động nền tảng EVNSOLAR, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của mình đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân trong việc phát triển năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời áp mái nói riêng, góp phần phát triển kinh tế – xã hội.
Công nghệ mới hỗ trợ tối đa cho khách hàng
Tại buổi Lễ ra mắt nền tảng EVNSOLAR diễn ra mới đây, ông Võ Quang Lâm – Phó tổng giám đốc EVN cho biết, tính đến đầu tháng 9/2020, cả nước đã có gần 50.000 hệ thống điện mặt trời áp mái với tổng công suất gần 1.200 MWp được lắp đặt và đưa vào vận hành. Trong bối cảnh phát triển các nguồn điện tập trung gặp nhiều khó khăn, chi phí lắp đặt điện mặt trời áp mái ngày càng giảm thì việc phát triển điện mặt trời áp mái đã được nhiều nhà đầu tư đặc biệt quan tâm và trở thành 1 xu thế tất yếu. Nhìn nhận được những lợi ích to lớn từ nguồn năng lượng này đối với việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, EVN đã phát triển nền tảng EVNSOLAR nhằm thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái với quy mô lớn, tốc độ nhanh và nguồn vốn được xã hội hóa, góp phần tăng nguồn cung ứng điện, tạo ra nhiều việc làm, đồng thời tạo dựng thị trường điện mặt trời áp mái với tiêu chuẩn, chất lượng cao mang lại lợi ích cho cả khách hàng và hệ thống điện. Theo đó, bất cứ ai có nhu cầu lắp đặt điện mặt trời áp mái thì EVNSOLAR sẽ hỗ trợ tối đa cho khách hàng trong việc tìm kiếm nhà đầu tư (ngân hàng, tổ chức tín dụng…) cùng nhà cung cấp lắp đặt với các giải pháp toàn diện và có chất lượng tốt nhất với nhiều ưu đãi nhất… Cụ thể, EVNSOLAR dễ dàng kết nối khách hàng với nhà lắp đặt uy tín, cho phép khách hàng lựa chọn báo giá tốt nhất. Đặc biệt, hệ thống quản lý chất lượng dự án điện mặt trời (được coi là điểm nổi bật, khác biệt của EVNSOLAR so với các đơn vị khác bởi hệ thống hồ sơ hoàn công chi tiết Solar Quality Passport – SQP, theo tiêu chuẩn của Đức) yêu cầu mỗi dự án khi hoàn thành, nhà thầu phải cung cấp toàn bộ hồ sơ SQP. Bộ hồ sơ này sẽ được lưu trữ tại máy chủ của EVN với các thông tin chi tiết của một dự án (như tên, địa chỉ khách hàng, nhà thầu thực hiện, quy mô dự án, ngày đóng điện…) và không thể thay đổi được. Chính vì vậy, nếu các tổ chức tài chính quốc tế muốn hỗ trợ trực tiếp đến người dân lắp đặt điện mặt trời áp mái thì có thể sử dụng bộ hồ sơ SQP như một tài liệu phục vụ thanh toán, không cần qua các thủ tục xác minh phức tạp như hiện tại.
Giao diện của EVNSOLAR.
Ông Võ Quan Lâm khẳng định, việc nghiên cứu xây dựng nền tảng EVNSOLAR được xem là thành công quan trọng của EVN trong việc tiếp cận xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là nền tảng về công nghệ số cho điện mặt trời áp mái đầu tiên ở Việt Nam do Tập đoàn phát triển nhằm tạo ra giá trị gia tăng cao bằng cách tạo điều kiện thuận lợi giữa các bên trong việc kết nối và tương tác trực tiếp với nhau. EVNSOLAR là một ứng dụng kinh tế nền tảng, chia sẻ, được trang bị công cụ tiện ích, công nghệ, cùng đầy đủ các quy định, chính sách giúp kết nối, tương tác giữa những người sử dụng quan tâm đến điện mặt trời áp mái, qua đó tạo ra giá trị cho tất cả các bên liên quan. Với việc xây dựng EVNSOLAR, EVN một lần nữa khẳng định chiến lược lấy khách hàng làm trung tâm, mang đến cho khách hàng những giá trị, trải nghiệm tốt nhất; đồng thời đây cũng là ví dụ cụ thể về việc một tập đoàn kinh tế nhà nước ứng dụng mô hình kinh tế số, đóng vai trò là nền tảng, tạo lập thị trường để thu hút các nguồn lực xã hội hóa, tạo ra nhiều việc làm, mang lại lợi ích cho toàn xã hội – Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm nhấn mạnh.
Hướng đến sự phát triển bền vững
Điện năng từ năng lượng mặt trời là một trong những nguồn điện năng vô tận giúp cung cấp nguồn điện sạch gắn trong bối cảnh các nguồn tài nguyên hóa thạch như than, dầu, khí đang ngày càng bị cạn kiện và gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, việc lắp đặt điện mặt trời áp mái rất đơn giản, lại gần với phụ tải nên tránh được yêu cầu phải đầu tư lưới điện truyền tải để giải tỏa công suất như các nhà máy điện lớn, tập trung.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phước Đức – Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam, trong quá trình triển khai thực hiện các dự án điện mặt trời áp mái vẫn còn một số rào cản, khó khăn nhất định. Cụ thể, đối với chủ sở hữu mặt bằng còn thiếu tài chính, cơ chế tham gia đầu tư (nhất là các đơn vị Nhà nước quản lý tài sản công như trường học, bệnh viện…). Mặt khác, hiện đang có nhiều thông tin khuyến khích đầu tư phát triển điện mặt trời áp mái với chi phí chênh lệch khá lớn nên việc lựa chọn nhà cung cấp thiết bị cũng gặp nhiều khó khăn…
Đồng tình với quan điểm trên, ông Bùi Quốc Hùng – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho rằng, quá trình phát triển các dự án điện mặt trời nói chung và điện mặt trời áp mái nói riêng, bên cạnh những thuận lợi sẽ không tránh khỏi những khó khăn và vướng mắc, nhất là các thủ tục đầu tư, giá thành sản phẩm… Do đó, để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân mạnh dạn đầu tư cho điện mặt trời áp mái, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tham mưu Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo, ban hành các cơ chế chính sách nhằm nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái an toàn, hiệu quả và bền vững.
Phong Vũ (https://vjst.vn/)