(Theo Báo Nhân dân) – Hiện nay, hầu hết phòng thí nghiệm trọng điểm (PTNTĐ) đều chưa sử dụng hiệu quả thiết bị và chưa có khả năng tự chủ về nhân lực, lương. Để gỡ những “nút thắt” trong cơ chế, nhiều PTNTĐ đã chủ động tìm kiếm những giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động, đưa các nghiên cứu đúng tầm của một PTNTĐ quốc gia.

Mô hình cho PTNTĐ hoạt động hiệu quả

PGS, TS Vũ Đình Lãm, Giám đốc PTNTĐ Vật liệu và Linh kiện điện tử, Viện Khoa học vật liệu (KHVL), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam, cho biết: Kể từ khi chính thức đi vào hoạt động năm 2008, PTNTĐ đã đáp ứng tốt nhu cầu nghiên cứu của cán bộ Viện KHVL và nhiều cơ sở nghiên cứu khác. PTNTĐ được khai thác với hiệu quả cao, tạo ra nhiều sản phẩm ứng dụng, thiết thực với cuộc sống như: thiết bị tiết kiệm xăng; linh kiện truyền dẫn quang; vật liệu ống các-bon na-nô… Mỗi năm có hàng chục công trình được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế; PTNTĐ Vật liệu và Linh kiện điện tử ký nhiều văn bản hợp tác với một số đơn vị nghiên cứu của Hàn Quốc, Nhật Bản, Bỉ… Chúng tôi cũng đã đến một số PTNTĐ và nhận thấy thực trạng, nhiều năm nay các đơn vị đều phải tự bươn chải để duy trì hoạt động với những máy móc cũ kỹ, tiền hoạt động eo hẹp không đủ để trả lương và có thể phục vụ cho nhà khoa học nghiên cứu, thực hiện đề tài lớn. Tuy nhiên, khi đến thăm những phòng thí nghiệm thuộc PTNTĐ Vật liệu và Linh kiện điện tử thì thấy một không khí làm việc hăng say, những trang, thiết bị được sử dụng một cách hiệu quả nhất để hằng năm vẫn cho ra được các công trình khoa học có chất lượng.

Tại Phòng thí nghiệm công nghệ linh kiện, Giám đốc Vũ Đình Lãm cho biết, hệ thống thiết bị của các phòng thí nghiệm được sử dụng hiệu quả do ngay từ ban đầu, các thiết bị đều do chính các nhà khoa học, chuyên gia của Viện KHVL đề xuất, lựa chọn sát với yêu cầu của người sử dụng. Trong quá trình triển khai hoạt động, lãnh đạo PTNTĐ Vật liệu và Linh kiện điện tử ban hành quy chế làm việc và quy định sử dụng trang, thiết bị, nhất là sáng kiến đưa các thiết bị về cho chính các nhà khoa học, cán bộ tự quản lý. Các cán bộ thường xuyên nghiên cứu trên một số thiết bị sẽ được giao quyền quản lý, nếu thiết bị gặp trục trặc, hỏng thì sẽ cùng đóng góp kinh phí sửa chữa với PTNTĐ. Đối với các thiết bị thường xuyên được dùng chung, sẽ được bố trí tại các khu thiết bị tập trung, PTNTĐ sẽ chịu trách nhiệm, nhưng cán bộ, tập thể nghiên cứu muốn sử dụng phải tuân thủ theo quy chế. Một số thiết bị có tần suất sử dụng quá cao sẽ được thu phí, nhằm hạn chế các yêu cầu không cần thiết. Bằng cách trao quyền sử dụng cho cán bộ các thiết bị sẽ được bảo quản tốt và có hiệu suất sử dụng hiệu quả cao. Đến nay, phần lớn các thiết bị của PTNTĐ vẫn đang hoạt động, phục vụ tốt cho nghiên cứu KH&CN cũng như đào tạo. Theo chúng tôi đây là một trong những mô hình hoạt động có hiệu quả của PTNTĐ dựa trên cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Với tiêu chí của một phòng thí nghiệm mở, cán bộ khoa học của nhiều đơn vị đã đến nghiên cứu như: một số viện thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Trường đại học Bách khoa Hà Nội, Trường đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Thái Nguyên, Công ty CP Rạng Đông… Đã có nhiều số liệu khoa học được công bố trong nước và quốc tế trên cơ sở khai thác thiết bị tại PTNTĐ, mang lại nguồn thu được sử dụng để bảo trì, sửa chữa để các thiết bị có thể vận hành bình thường. Ngoài ra, đã có nhiều đối tác quốc tế đến thăm, làm việc tại PTNTĐ và ký nhiều văn bản hợp tác như: Đại học Ajou (Hàn Quốc); Viện NAIST (Nhật Bản); Đại học Tohoku (Nhật Bản); Trường đại học Leuven (Bỉ). Trung tâm nghiên cứu Quang điện tử – Đại học Hanyang (Hàn Quốc) đã ký hợp tác và đặt cơ sở vệ tinh tại PTNTĐ từ tháng 12/2007… Theo Giám đốc Vũ Đình Lãm, với số kinh phí được cấp hằng năm, ngoài những khoản chi thường xuyên, sửa chữa các thiết bị cần thiết, lãnh đạo PTNTĐ tổ chức tuyển chọn từ hai đến ba đề tài để cấp kinh phí nghiên cứu. Có như vậy thì nhà khoa học mới đủ kinh phí thực hiện, tránh được việc “xé” nhỏ kinh phí, dàn trải thành nhiều đề tài, qua đó tạo ra được những nghiên cứu có chất lượng, hiệu quả. Tính đến nay, PTNTĐ Vật liệu và Linh kiện điện tử đã có 185 công bố quốc tế; 196 công bố trong nước; đăng ký hai sáng chế, tám giải pháp hữu ích và tham gia đào tạo được 10 tiến sĩ, 20 thạc sĩ. Với những kết quả đạt được, PTNTĐ Vật liệu và Linh kiện điện tử được Bộ KH&CN đánh giá là một trong những PTNTĐ hoạt động có hiệu quả nhất trong 16 PTNTĐ hiện nay.

Nhằm tự tháo gỡ những vướng mắc, để hoạt động hiệu quả, một số PTNTĐ cũng đã tự tìm cho mình hướng phát triển. PTNTĐ công nghệ tế bào thực vật đã chủ động liên kết, hợp tác quốc tế với các đơn vị nước ngoài, thực hiện những dự án KH&CN trình độ cao. PTNTĐ công nghệ lọc, hóa dầu phải tự lo như một doanh nghiệp, không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào, tự chủ động tìm kiếm, huy động các nguồn lực, triển khai dịch vụ để tăng kinh phí hoạt động… Nhờ đó, các PTNTĐ nêu trên vẫn tạm thời hoạt động ổn định, tuy vậy, theo chúng tôi, tình trạng chung hiện nay là các thiết bị đều lạc hậu, xuống cấp trầm trọng, kinh phí duy tu bảo dưỡng quá lớn, nhất là những cơ chế đãi ngộ, ưu đãi còn thiếu đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động nghiên cứu của nhà khoa học.

Gỡ rào cản để phát triển

Qua tìm hiểu, nhiều lãnh đạo các PTNTĐ đều cho rằng, Bộ KH&CN nên sớm có những tiêu chí đánh giá về tính hiệu quả trong hoạt động của các PTNTĐ. Qua đó, lập đoàn kiểm tra, nếu nhận thấy những PTNTĐ hoạt động không hiệu quả thì nên giải thể để có thể tập trung đầu tư vào những đơn vị có tiềm năng.

Theo PGS, TS Vũ Đình Lãm, với những PTNTĐ hoạt động hiệu quả, cần tập trung tăng kinh phí hoạt động thường xuyên, bảo đảm vận hành tốt các trang, thiết bị và mua mới phục vụ cho nghiên cứu; tăng cường giao đề tài theo cơ chế đặt hàng, nghiệm thu đến kết quả cuối cùng; cấp kinh phí đầu tư chiều sâu để nâng cấp, bổ sung thiết bị của PTNTĐ theo từng giai đoạn, theo nhu cầu phát triển, nghiên cứu. Đánh giá từ các chuyên gia cho thấy, để PTNTĐ hoạt động hiệu quả cần ba yếu tố: nhân lực, thiết bị nghiên cứu và kinh phí. Trong đó, yếu tố con người là quan trọng nhất để có thể tạo ra các ý tưởng và xây dựng đề cương nghiên cứu, sử dụng các thiết bị tại PTNTĐ có hiệu quả nhất. Nhờ đó, việc nhập khẩu thiết bị thiếu đồng bộ sẽ không xảy ra, sẽ có nhiều ý tưởng nghiên cứu hơn và mang nhiều lợi thế về việc đấu thầu đối với các đề tài, dự án. Còn với phương thức đầu tư như hiện nay, các PTNTĐ mới chỉ dừng lại là nơi đặt các thiết bị phục vụ nghiên cứu cho các nhà khoa học.

Ngày 7/9/2000, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 850/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án “xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm”. Theo đề án, các PTNTĐ sẽ được Nhà nước đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại đạt trình độ các nước trong khu vực và quốc tế. Các đơn vị tiếp nhận phải tự lo về cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng các nhiệm vụ, thực hiện hoạt động trên cơ chế mở… Theo Bộ KH&CN, để giảm bớt khó khăn trong hoạt động của PTNTĐ, Bộ KH&CN đã hỗ trợ bằng việc cấp kinh phí hoạt động thường xuyên hằng năm; chủ động giao những đề tài, dự án lớn mà đáng lẽ các PTNTĐ phải tự đề xuất, tuyển chọn theo quy định. Nhưng nhiều đơn vị sau nhiều năm vẫn không tự chủ được, ỷ lại vào nguồn ngân sách được cấp hằng năm. Nguyên Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân cho rằng, hiện nay các PTNTĐ chưa thực hiện đúng theo các quy định, cho nên không có các nguồn thu, chỉ ỷ lại vào Nhà nước là không công bằng. Nhà nước đã cung cấp thiết bị cho hoạt động nghiên cứu trị giá hàng triệu USD, mà không thể tự hoạt động được, lại đòi hỏi phải được tiếp tục đầu tư là vô lý, không đúng với bản chất, tinh thần hoạt động của một PTNTĐ. Với tình trạng thiết bị, máy móc của các PTNTĐ đã xuống cấp như hiện nay, cần phải duy tu, bảo dưỡng mà thiếu nguồn kinh phí thì lãnh đạo PTNTĐ phải có trách nhiệm xây dựng dự toán gửi đơn vị chủ quản đề xuất. Sau đó, nếu các cơ quan chức năng thấy hợp lý, phù hợp sẽ phê duyệt và cấp kinh phí. Nhưng nhiều năm qua, Bộ KH&CN không nhận được bất cứ ý kiến nào từ phía các đơn vị chủ quản, kiến nghị đối với hoạt động của PTNTĐ mà đơn vị chủ quản đó đang quản lý.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh cho biết, để các PTNTĐ hoạt động hiệu quả, các cơ quan chủ trì, chủ quản cần thật sự quan tâm dành cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực đủ điều kiện hoạt động tại PTNTĐ; cần kiện toàn về bộ máy tổ chức như con dấu, tài khoản; ban giám đốc, hội đồng phải được thành lập và duy trì hoạt động chuyên môn thường xuyên; hằng năm phải xây dựng dự toán kinh phí để duy trì hoạt động, duy tu bảo dưỡng, bổ sung trang, thiết bị, tuyển dụng cán bộ vào làm việc để cơ quan chủ quản và cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, có căn cứ để Nhà nước có những hỗ trợ tiếp tục. Đáng chú ý, các PTNTĐ cần có cơ chế tự chủ, giảm bớt sự hỗ trợ từ Nhà nước, phải tự tạo nguồn thu, tự đấu thầu các đề tài dự án cấp bộ, nhà nước; tự tìm đến doanh nghiệp để xem họ cần gì và PTNTĐ có thể hỗ trợ, hợp tác như thế nào, mời các đơn vị đến làm việc tại PTNTĐ. Có như thế thì PTNTĐ mới có thể hoạt động hiệu quả và phát triển được.

Thông tin từ Bộ KH&CN cho biết, thời gian tới sẽ hoàn thiện tiêu chí PTNTĐ, qua đó sẽ đánh giá lại 16 PTNTĐ hiện nay để phân loại. PTNTĐ nào không đạt sẽ bị loại khỏi danh sách, sau đó sẽ xem xét lựa chọn các phòng thí nghiệm đáp ứng được tiêu chí để công nhận, từ đó Nhà nước sẽ có những chính sách hỗ trợ nhằm bảo đảm cho việc nghiên cứu có hiệu quả, đưa các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đời sống.