Trong bối cảnh kinh tế thị trường, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học là một trong những khâu quan trọng góp phần đưa KHCN vào ứng dụng trong cuộc sống một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Và để làm được điều này cần có sự đóng góp rất lớn từ phía cách doanh nghiệp sản xuất. Hiện nay ở Việt Nam có hàng ngàn doanh nghiệp sản xuất với hàng triệu sản phẩm khác nhau, nhưng những doanh nghiệp đưa các kết quả nghiên cứu vào sản xuất là rất ít mà đa số làm công tác đó là các doanh nghiệp khoa học công nghệ.
Thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu đang là trọng tâm của các chính sách kinh tế tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam trong những năm gần đây Đảng, Nhà Nước và Chính Phủ đã ban hành nhiều văn bản, cơ chế và chính sách nhằm khuyến khích, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu vào sản xuất kinh doanh. Hệ thống và các văn bản hướng dẫn do Nhà nước ban hành đã tạo khuôn khổ pháp lý cho phát triển thị trường công nghệ nói chung và cho thương mại hóa kết quả nghiên cứu nói riêng. Đặc biệt với công nghệ nano thì chúng ta cần phải có sự quan tâm đặc biệt. Ở nước ta, có thể nói công nghệ nano được chúng ta quan tâm và phát triển muộn hơn so với nhiều công nghệ khác nhưng trong tương lai công nghệ này đóng vai trò đặc biệt quan trọng bởi vì công nghệ này mang tính liên ngành, phạm vi ứng dụng rộng lớn. Có thể nói công nghệ nano phát triển sẽ thúc đẩy các ngành, các lĩnh vực khác phát triển theo nhưng thực trạng thương mại hóa công nghệ nano ở nước ta còn rất yếu, yếu hơn so với những ngành, lĩnh vực khác.
Công nghệ nano không là một lĩnh vực độc lập mà phát triển cùng với nhiều lĩnh vực khác nhau, tùy theo mục đích sử dụng. Vật liệu nano kết hợp với những công nghệ hiện có trong nhiều lĩnh vực sẽ là động lực để công nghệ phát triển mạnh mẽ và đạt được kỳ vọng về kinh tế. Công nghệ nano ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như sinh tổng hợp, y-dược, mỹ phẩm, điện tử-điện, quốc phòng, nông nghiệp, thực phẩm, dệt, phương tiện vận chuyển.
Ngày càng nhiều sản phẩm được gắn “nhãn nano”, năm 2010 công nghệ nano đã xuất hiện trong 1.317 dòng sản phẩm trong khi năm 2005 chỉ có trong 54 dòng sản phẩm. Đến năm 2015 đã có hơn 1.600 sản phẩm dựa vào công nghệ nano đã được thương mại trên toàn cầu. Theo thống kê năm 2011, lĩnh vực có nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ nano nhất là chăm sóc sức khỏe và làm đẹp (738 sản phẩm), nhà và vườn (209 sản phẩm), tự động hóa (126 sản phẩm), thực phẩm và đồ uống (105 sản phẩm), lớp phủ (82 sản phẩm), điện tử và máy tính (59 sản phẩm), thiết bị gia dụng (44 sản phẩm), sản phẩm cho trẻ em (30 sản phẩm). Khu vực có nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ nano là Mỹ (587 sản phẩm), châu Âu (367 sản phẩm), Đông Á (261 sản phẩm), các khu vực khác chỉ có 73 sản phẩm. Như vậy chúng ta có thế thấy rằng công nghệ nano được ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội, tuy nhiên chúng ta có thể thấy rằng những nước phát triển như mỹ và các nước châu Âu gần như chiếm ưu thế tuyệt đối so với khu vực khác.
Với mong muốn đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu, góp phần phát triển thị trường khoa học và công nghệ trong nước, đồng thời nghiên cứu và đề xuất mô hình hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu phù hợp với điều kiện Việt Nam. Trung tâm Thiết kế, Chế tạo và Thử nghiệm cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Đặng Hoàng Hợp đã triển khai thực hiện nhiệm vụ “Hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu công nghệ nano trong lĩnh vực vật liệu, sinh học trong nông nghiệp và y dược đưa ra thị trường”, thuộc Chương trình Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020. Với mục tiêu thương mại hóa thành công công nghệ nano tiềm năng trong lĩnh vực sản xuất vật liệu, sinh học trong nông nghiệp và y dược. Qua quá trình triển khai nhiệm vụ, với sự hợp tác của các cơ quan quản lý, các đơn vị nghiên cứu, các doanh nghiệp và đội ngũ chuyên gia, nhiệm vụ đã được triển khai đảm bảo tiến độ và chất lượng. Các kết quả của nhiệm vụ là kênh tham khảo hữu ích cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu, đồng thời cung cấp các đề xuất có chất lượng để điều chỉnh và hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển thị trường khoa học và công nghệ.
Sau khi triển khai thực hiện Dự án “Hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu công nghệ nano trong lĩnh vực vật liệu, sinh học trong nông nghiệp và y dược đưa ra thị trường”, Nhóm thực hiện nhiệm vụ xin tóm lược lại những kết quả chính như sau:
– Nghiên cứu kinh nghiệm hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu công nghệ nano trong nước và quốc tế.
– Xây dựng 03 bộ tiêu chí đánh giá khả năng thương mại hóa của kết quả nghiên cứu công nghệ nano trong ba lĩnh vực vật liệu, sinh học trong nông nghiệp và y dược.
– Điều tra khảo sát nguồn cung và nhu cầu công nghệ nano tại 20 đơn vị trên cả nước
– Xác định được trên 500 kết quả nghiên cứu công nghệ nano trong lĩnh vực vật liệu, sinh học trong nông nghiệp và y dược.
– Tổ chức 02 hội thảo khoa học và 06 tọa đàm về quy trình công nghệ nano và liên kết mạng lưới các tổ chức có hoạt động hỗ trợ hoàn thiện và thương mại hóa công nghệ nano trong lĩnh vực vật liệu, sinh học trong nông nghiệp và y dược.
– Tư vấn, hỗ trợ hoàn thiện, thử nghiệm và Hỗ trợ tư vấn kỹ thuật triển khai thử nghiệm 03 công nghệ.
– Tổ chức 03 lớp lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn và chuyển giao công nghệ nano cho 03 đơn vị ứng dụng công nghệ là: Công ty cổ phần khoa học công nghệ Melinka Group; Công ty Cổ phần nano năng lượng và môi trường Neetech; Công ty TNHH Voi Trắng.
– Tư vấn truyền thông công nghệ nano cho 03 đơn vị ứng dụng công nghệ.
– Đưa tin hoạt động hỗ trợ của Dự án đối với 03 công nghệ lên các trang web. Đề xuất mô hình thương mại hóa kết quả nghiên cứu công nghệ nano tại Việt Nam.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16291/2019) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)