Nhuyễn thể đã và đang được nuôi phổ biến ở nước ta, trong số đó tu hài (Lutraria philippinarum Reeve, 1854) gần đây được đánh giá là đối tượng hai mảnh vỏ có giá trị kinh tế cao và được nuôi phổ biến tại vùng biển Cát Bà, Hải Phòng; Vân Đồn, Quảng Ninh và Cam Ranh, Khánh Hoà. Tuy nhiên, từ cuối năm 2011 trở lại đây dịch bệnh sưng vòi xuất hiện trên tu hài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định và bền vững của nghề nuôi đối tượng này. Dịch bệnh sưng vòi bắt đầu được ghi nhận lần đầu tiên tại vịnh Cam Ranh, Khánh Hoà vào đầu tháng 4 năm 2011, sau đó dịch bệnh tiếp tục xuất hiện tại vịnh Lan Hạ, Cát Bà, Hải Phòng từ tháng 9 năm 2011 và tại Vân Đồn, Quảng Ninh từ đầu năm 2012 (Phan Thị Vân và cs., 2014). Dịch bệnh xuất hiện ở cả tu hài giống bé (kích thước khoảng 2 mm), tu hài giống lớn (kích cỡ khoảng 2-3 cm), tu hài kích cỡ thương phẩm với tỷ lệ chết trong đợt dịch lên đến 100% với dấu hiệu đặc trưng của bệnh là vòi tu hài bị sưng, bọng nước và bong tróc (Phan Thị Vân và cs., 2013; 2014; Trương Thị Mỹ Hạnh và cs., 2014; 2015). Từ đó đến nay, mặc dù không xuất hiện thành dịch do hộ nuôi tu hài đã giảm xuống rõ rệt về cả số lượng và quy mô, song diễn biến bệnh sưng vòi gây chết trên tu hài vẫn xuất hiện rải rác quanh năm tại Quảng Ninh, Hải Phòng và Nha Trang.

Do bệnh sưng vòi ở tu hài là bệnh mới đối với thế giới, lần đầu tiên được ghi nhận trên tu hài nuôi ở Việt Nam từ năm 2011 đến nay, do vậy các nguyên cứu cũng như hiểu biết về bệnh sưng vòi còn rất hạn chế. Nguyên nhân chính gây bệnh sưng vòi bước đầu được xác định là do tác nhân VLPs (Virus-like particles) ký sinh trong phần vòi của tu hài bệnh (Phan Thị Vân và cs., 2014; Trương Thị Mỹ Hạnh và cs., 2014; 2015), song việc phân loại và định danh VLPs, con đường lây nhiễm và lan truyền của tác nhân gây bệnh VLPs cũng như các điều kiện phát sinh bệnh sưng vòi vẫn chưa được làm sáng tỏ. Hơn nữa, để góp phần phát triển nghề nuôi tu hài ổn định và bền vững, việc xây dựng các biện pháp kỹ thuật và giải pháp quản lý nhằm kiểm soát hiệu quả bệnh sưng vòi trong quá trình nuôi tu hài thương phẩm là rất cần thiết. Xuất phát từ sự cần thiết đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã giao cho Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản 1 cùng phối hợp Chủ nhiệm đề tài TS. Đặng Thị Lụa thực hiện đề tài “Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật và quản lý nhằm kiểm soát hiệu quả bệnh sưng vòi trên tu hài (Lutraria philippinarum Reeve, 1854) nuôi”.

Nhóm nghiên cứu đã triển khai 02 mô hình thử nghiệm một số biện pháp kỹ thuật kiểm soát bệnh sưng vòi (giai đoạn ương từ tu hài cấp I lên cấp II và giai đoạn từ tu hài cấp II lên thương phẩm). Kết quả biện pháp thử nghiệm chưa kiểm soát được bệnh sưng vòi do bệnh đã xuất hiện ở mô hình nuôi thương phẩm.

Triển khai các đợt thu mẫu tu hài bệnh, tinh sạch và phân lập VLPs phục vụ công việc giải trình tự gen, nhưng công việc này đã phải dừng do không khả thi. Cơ sở dữ liệu metagenomics của dịch lọc tu hài bệnh sưng vòi làm giàu vi rút đã được giải mã, bao gồm 121.293.986 đoạn ngắn và được lắp ráp thành 214.350 contigs.

Xác định yếu tố nguy cơ đối với sự xuất hiện và bùng phát bệnh sưng vòi trên tu hài nuôi:

+ Nhiệt độ, độ mặn và mật độ Vibrio spp trong chất đáy nuôi tu hài có mối tương quan dương với bệnh tu hài sưng vòi. Sự gia tăng chỉ số 3 yếu tố nêu trên tỷ lệ thuận với khả năng xuất hiện bệnh hay bùng phát dịch bệnh khi có sự hiện diện tác nhân gây bệnh tu hài trong môi trường nước.

+ Trong điều kiện gây nhiễm, đã xác định được độ mặn (đặc biệt yếu tố độ mặn cao ≥ 35‰) là yếu tố nguy cơ đối với sự bùng phát bệnh sưng vòi.

+ Vi khuẩn Vibrio spp là nhóm tác nhân cơ hội đối với bệnh sưng vòi; Không thấy mối quan hệ giữa tác nhân Perkinsus sp., Herpesvirus sp. đối với bệnh sưng vòi;

+ Nguồn giống tu hài trước khi ương nuôi là một nguồn lây lan/lan truyền mầm bệnh VLPs; Ngao hoa không phải là vật mang tác nhân gây bệnh VLPs;

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16293/2019) tại Cục Thông tin KHCNQG.

Đ.T.V (NASATI)