Telemedicine là từ kết hợp giữa “Tele” và “Medicine”, với ý nghĩa là thực hiện các chẩn đoán, điều trị, tư vấn từ xa cho y tế. Telemedicine đã được nghiên cứu nhiều trong những năm gần đây. Tại các nước phát triển, người ta dành hẳn một mạng riêng cho Telemedicine do yêu cầu nghiêm ngặt trong việc 6 truyền dữ liệu của chuẩn DICOM.  Hiện tại, ngành y tế Việt Nam và các nước phát triển đều bị quá tải, trong đó đặc biệt là lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh. Nguyên nhân là do sự mất cân bằng nguồn nhân lực chất lượng cao giữa bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện và bệnh viện hạt nhân và sự bùng nổ ứng dụng các trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh kỹ thuật cao của ngành y tế. Để hỗ trợ giảm tải trên lĩnh vực này, Bộ Y tế đã đưa ra đề án 1816 và đề án bệnh viện vệ tinh nhằm luân chuyển, chuyển giao công nghệ từ bệnh viện hạt nhân về bệnh viện vệ tinh. Để các đề án của Bộ Y tế đạt hiệu quả cao, các dữ liệu liên quan đến bệnh nhân bao gồm: các thông tin hành chánh, tiền sử bênh, triệu chứng lâm sàng, kết quả xét nghiệm máu, dữ liệu chẩn đoán hình ảnh… tcần phải số hoá triệt để. Tuy nhiên, việc số hoá và luân chuyển trong bệnh viện dữ liệu chẩn đoán hình ảnh là thách thức lớn. Điều này là do các hệ thống PACS của nước ngoài có chi phí rất cao và chưa phù hợp với tình hình kinh tế xã hội tại Việt Nam.

Nhằm giải quyết nhu cầu trên, dự án “Hoàn thiện công nghệ chế tạo thiết bị hệ thống thu thập, lưu trữ hình ảnh DICOM, hệ thống hội chẩn y tế trực tuyến Video và phần mềm bảo mật, khai thác cơ sở dữ liệu hình ảnh DICOM phục vụ chẩn đoán bệnh” do TS. Nguyễn Chí Ngọc, Công ty Cổ phần Công nghệ thông minh ưu việt đứng đầu đã thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về hệ thống PACS và Hội chẩn Y tế trực tuyến và đề xuất mô hình sản xuất thử nghiệm cho hệ thống PACS và Hội chẩn Y tế trực tuyến Video. Và để kiểm chứng cho tính khả thi của nghiên cứu, nhóm thực hiện dự án cũng đã triển khai thử nghiệm và chuyển giao thương mại hoá kết quả nghiên cứu ra các bệnh viện tiêu biểu của ngành y tế như bệnh viện Medic Hoà Hảo, bệnh viện Nhân dân Gia Định và bệnh viện quận Thủ Đức.

Như vậy, với định hướng nghiên cứu về Telemedicine trong chẩn đoán từ xa và hội chẩn trực tuyến, sau một thời gian triển khai (07/2015 đến 06/2017) dự án đã thực hiện và đạt được các kết quả sau:

1. Kết quả kết nối các máy chẩn đoán hình ảnh với hệ thống BKPACS

– Hệ thống kết nối nhận dữ liệu từ máy CT chính xác và ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu lưu trữ hình ảnh, nhu cầu truy vấn thông tin ảnh DICOM để dựng hình trên các máy trạm làm việc phục vụ chẩn đoán, nhu cầu dựng ảnh 3D trên máy trạm làm việc, nhu cầu truy vấn từ xa qua web interface.

– Hệ thống BKPACS đã hoàn thiện kết nối đến hệ thống máy MRI, thực hiện luân chuyển dữ liệu ảnh DICOM và thông tin bệnh nhân, thực hiện thành công mô hình liên kết chung cho quản lý hình ảnh trong bệnh viện. Đồng thời, với ứng dụng SCM thực hiện cam kết lưu trữ, việc kiểm tra file lưu trữ bằng CRC Check sum, các cơ chế cảnh báo mất kết nối và phát hiện sai lệch dữ liệu bệnh nhân, hệ thống đã thực hiện được một mô hình truyền dẫn với độ an toàn và chính xác cao, bảo đảm tính toàn vẹn và liên tục của dữ liệu.

– Hệ thống BKPACS hỗ trợ đầy đủ các giao thức truyền, nhận, xác thực dữ liệu theo chuẩn DICOM, quá trình truyền tải và lưu trữ thông tin chính xác. Việc kết hợp với các thủ tục bảo mật, chứng thực và so sánh dữ liệu giúp thông tin truyền tải an toàn. Công cụ phát hiện mất kết nối giúp hệ thống được vận hành liên tục và nhanh chóng sửa lỗi khi có sự cố xảy ra.

– Lấy đúng và đầy đủ các hình ảnh số từ tất cả các thiết bị chẩn đoán hình ảnh bao gồm máy CT, MRI, DSA, X quang, Siêu âm tại các bệnh viện.

– Có so sánh các kết quả này với phim in truyền thống trong 09 tháng, so sánh tương đương với hơn 200.000 tấm phim in. Dữ liệu hình ảnh điện tử đảm bảo phục vụ công tác chẩn đoán bệnh như phim truyền thống.

2. Kết quả đạt được sau khi hoàn thiện kỹ thuật bảo mật qua Internet

– Tích hợp chứng chỉ số GeoTrust OV cho trang web hội chẩn tại bệnh viện tham gia dự án. ü Có bảo mật OTP.

– Có bảo mật chống SQL Injection: sử dụng Prepared Statements.

– Có bảo mật chống dò password: sử dụng reCAPTCHA.

– Đánh giá khách quan của tổ chức Beyond Security về mức độ bảo mật qua Internet (trước các loại tấn công khác nhau) của web DICOM viewer (https://www.pacs.inext.vn) vào ngày 17/10/2016: đạt mức tối đa 100/100 (A+). Thông tin chi tiết về kết quả đánh giá có thể tham khảo theo đường dẫn sau: https://wssa.beyondsecurity.com/my_account/

Dự án đã tiến hành chuyển giao và đào tạo đội ngũ nhân viên vận hành hệ thống cùng với đội ngũ bác sỹ sử dụng các trang thiết bị và phần mềm hệ thống PACS và Hội chẩn Y tế trực tuyến Video. Hiện nay các hệ thống này đang được sử dụng tại bệnh viện quận Thủ Đức (với doanh thu 2.5 tỉ VNĐ), bệnh viện Nhân dân Gia Định (với doanh thu 2.2 tỉ VNĐ), trung tâm Medic Hòa Hảo (thuê theo ca), bệnh viện Thống Nhất, bệnh viện đa khoa thành phố Vinh Nghệ An, phòng khám Victoria và phòng khám BMS. Ngoài ra, dự án còn tích cực thực hiện các hội thảo chuyên đề và quảng bá sản phẩm. Cụ thể, ngày 30/11/2016 có tổ chức hội thảo khoa học lấy ý kiến xây dựng và đánh giá các chuyên đề. Sau cùng, dự án đã hoàn thành yêu cầu về sở hữu trí tuệ thông qua việc đăng ký thành công 03 bản quyền tác giả.

Hướng phát triển tiếp theo của dự án là nghiên cứu phát triển lên thành hệ thống PACSCloud nhằm đáp ứng nhu cầu hiện nay của chính phủ là luân chuyển dữ liệu cận lâm sàng giữa các bệnh viện và hồ sơ sức khoẻ điện tử cho toàn dân.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15465/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

P.T.T (NASATI)