Ảnh: Quy trình công nghệ chung sản xuất ba loại sản phẩm từ gạo

Hiện nay, nguyên liệu gạo ở nước ta chủ yếu được sử dụng làm lương thực cho con người và xuất khẩu. Còn việc chế biến các sản phẩm từ gạo còn rất hạn chế, chưa được quan tâm. Để nâng cao giá trị cho hàng nông sản Việt Nam nói chung, nguyên liệu gạo nói riêng, việc nghiên cứu sản xuất những sản phẩm sau thu hoạch là một trong những định hướng quan trọng của Đảng và nhà nước, do vậy việc đầu tư nghiên cứu công nghệ sản xuất một số sản phẩm từ gạo là một hướng đi rất cần thiết nhằm nâng cao giá trị của lúa gạo nước ta.

Ba loại sản phẩm maltodextrin, nha maltose và bột protein sản xuất từ gạo bằng phương pháp enzyme mang lại hiệu quả cao, an toàn cho sản phẩm, giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường và được ứng dụng rộng rãi trong công nghiệp thực phẩm và dược phẩm. Trong công nghiệp thực phẩm nó được sử dụng để chế biến món ăn tráng miệng, bánh kẹo, đồ uống, cá đông lạnh, sữa, cà phê hòa tan,… Trong công nghiệp dược phẩm nó được sử dụng làm chất mang, chất độn, tăng cường dinh dưỡng,… Chính vì vậy mà hiện nay nó đã được sản xuất ở qui mô công nghiệp ở rất nhiều nước trên thế giới như Nhật bản, Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Thái Lan,…

Thuộc chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ và tổ chức khoa học và công nghệ công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, dự án “Hoàn thiện công nghệ sản xuất một số sản phẩm (maltodextrin, nha maltose và bột protein) từ gạo ứng dụng trong công nghiệp thực phẩm” do KS.Chu Hương Giang thuộc Công ty CP Thực phẩm Minh Dương làm chủ nhiệm với những mục tiêu chính bao gồm việc hoàn thiện công nghệ và thiết bị sản xuất 03 loại sản phẩm từ gạo: maltodextrin DE 12-15, nha maltose qui mô 1 tấn SP/mẻ và bột protein từ gạo qui mô 50kg SP/mẻ, và có thể thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Sau thời gian thực hiện, dự án đã hoàn thành và đạt được những hiệu quả rất tích cực sau đây:

  1. a) Hiệu quả về khoa học và công nghệ:

– Dự án góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong chế biến thực phẩm, trong đó có công nghệ ứng dụng enzyme trong chế biến tinh bột nhằm tạo ra sản phẩm theo hướng công nghệ nền

– công nghệ sinh học, công nghệ sản xuất sạch hơn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là công nghệ hiện nay được các nước trong khu vực và trên thế giới ứng dụng trong rất nhiều sản phẩm thực phẩm. Đó cũng là hướng đầu tư trọng điểm, ưu tiên của Đảng và Nhà nước ta – Dự án ứng dụng công nghệ enzyme trong sản xuất maltodextrin, nha maltose và bột protein từ gạo làm giảm ô nhiễm môi trường, nước thải dễ xử lý (COD thấp)

– Dự án góp phần nâng cao trình độ chuyên môn cho các doanh nghiệp về lĩnh vực chế biến tinh bột nhằm đa dạng hoá sản phẩm

  1. b) Hiệu quả về kinh tế xã hội:

– Dự án sản xuất 3 loại sản phẩm từ gạo bằng công nghệ enzyme được phát triển ở các nhà máy chế biến thực phẩm làm phong phú thêm các sản phẩm từ tinh bột, nâng cao được giá trị của sản phẩm nông nghiệp, đồng thời tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động,

– Dự án tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào và nguồn lao động sẵn có trong nước – Sản phẩm của Dự án sẽ có giá thành cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại trên thị trường khu vực, Dự án góp phần làm cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm trong nước chủ động nguồn liệu sản xuất và hạ giá thành sản phẩm,

– Dự án phát triển quan hệ hợp tác cùng có lợi giữa Công ty CPTP Minh Dương với Viện Công nghiệp thực phẩm, giữa nhà sản xuất với các nhà khoa học nhằm phát triển công nghệ nội sinh, công nghệ cao, phù hợp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước.

– Dự án thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ nhằm tạo điều kiện triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm hàng hóa góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Toàn văn báo cáo tổng hợp kết quả đề tài (Mã số 14509/2017) được lưu trữ tại Cục thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia. 

Đ.T.N (NASATI)