Trong những năm gần đây, số người bị bệnh máu nhiễm mỡ, cholesterol và triglicerid trong máu cao tăng đáng kể. Điều đáng lo ngại những người có hàm lượng cholesterol cao trong máu lại rất dễ bị bệnh tim mạch như nghẽn mạch vành tim, nhồi máu cơ tim, tái biến mạch máu não. Chính vì vậy nó được coi là kẻ thù số một, được toàn xã hội quan tâm chú ý.

Hai thuốc thường được các bệnh nhân bị cholesterol cao sử dụng là atorvastatin và fenofibrat. Chính vì vậy cần có phương pháp kiểm tra chính xác, nhanh hoạt chất đó trong thuốc để có thể kiểm soát được chất lượng thuốc trên thị trường. Có nhiều phương pháp có thể xác định được hai nhóm thuốc hạ cholesterol trong máu như phương pháp sắc kí lỏng hiệu năng cao (HPLC), phương pháp quang phổ hấp thụ phân tử và nhóm phương pháp von-ampe.

Trong dược điển Việt Nam, fenofibrat được xác định bằng phương pháp sắc kí lỏng hiệu năng cao. Tuy nhiên phương pháp này phân tích khá phức tạp, thiết bị tương đối đắt, thời gian phân tích lâu. Hơn nữa, atorvastatin chưa có phương pháp thường quy trong dược điển để xác định. Do đó, với mong muốn phát triển được quy trình xác định atorvastatin và fenofibrat trong mẫu dược phẩm, mẫu huyết tương bằng phương pháp von-ampe và von-ampe hòa tan hấp phụ có độ đúng, độ chính xác cao, đơn giản, chi phí phân tích không cao để có thể kiểm tra chất lượng thuốc song hành với phương pháp trong dược điển, nhóm nghiên cứu do TS. Nguyễn Thị Kim Thường, Khoa hóa học, Trường Đại học khoa học tự nhiên, đứng đầu đã tiến hành triển khai nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu đặc tính điện hóa của atorvastatin, fenofibrat và quy trình xác định chúng trong mẫu dược phẩm và mẫu huyết tương”.

Sau 02 năm (từ tháng 02 năm 2015 đến tháng 02 năm 2017) triển khai thực hiện, nhóm nghiên cứu đã thu được các kết quả chính như sau: 

– Quy trình phân tích atorvastatin trong mẫu thuốc: pH = 9,0, thế hấp phụ là -0,9V, thời gian hấp phụ 60s, thời gian cân bằng là 10s, tốc độ quét là 300 mV/s, LOQ = 0,002 µg.mL-1( 3,2.10-9 mol.L-1).

– Quy trình phân tích fenofibra trong mẫu thuốc: pH = 8,5, thế hấp phụ là -0,5V, thời gian hấp phụ 60s; tốc độ quét 10 mV/s, thời gian cân bằng là 10s, LOD = 0,02 µg.mL-1 (7,3.10-8 mol.L-1).

– Quy trình phân tích atorvastatin trong mẫu huyết tương: 1 ml huyết tương, thêm 1ml dung dịch đệm BR pH = 9,0; lắc dung dịch rồi cho đi qua cột C18. Rửa tạp bằng 1ml dung dịch metanol : H2O = 05 : 95 (v/v ), rửa giải chất phân tích bằng 1ml dung dịch metanol : đệm = 95 : 5 (v/v) chuyển dung dịch đó vào bình định mức 25 ml, thêm 10 ml đệm BR pH = 9,0, định mức đến vạch và đo mẫu với các điều kiện điện thế hấp phụ -0,9 V, thời gian hấp phụ 30s, tốc độ quét 300 mV/s, LOQ = 0,01 µg.mL-1.

– Quy trình phân tích fenofibrat trong mẫu huyết tương: 1,00 mL mẫu huyết tương, thêm 4,00 mL acetonitrin 99,8 %, lắc Voltex, li tâm. Lấy 2,50 mL dung dịch sau khi xử lý, thêm 10,00 mL đệm pH = 8,5 đo điện hóa với thời gian hấp phụ 60s tại thế hấp phụ -0,5 V, tốc độ quét 10 mV/s, LOQ = 0,02 µg.mL-1

– Atorvastatin là chất oxi hóa trên điện cực giọt thủy ngân treo và là chất khử trên điện cực glassy các bon. Píc khử và píc oxi hóa trên điện cực giọt thủy ngân treo và điện cực glassy các bon là bất thuận nghịch và có hấp phụ trên bề mặt điện cực.

Như vậy, nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu được quy trình xác định atorvastatin bằng phương pháp von-ampe hòa tan hấp phụ trên điện cực giọt thủy ngân treo với các điều kiện thích hợp. Ứng dụng quy trình xác định atorvastatin trong mẫu thuốc và mẫu huyết tương. Đã nghiên cứu quy trình xác định atorvastatin trong mẫu thuốc bằng phương pháp von-ampe hòa tan hấp phụ trên điện cực than gương. Các đặc tính điện hóa của fenofibrat đã được nghiên cứu bằng phương pháp von-ampe vòng, trên điện cực giọt thủy ngân treo là chất oxi hóa, píc khử là bất thuận nghịch và có hấp phụ trên điện cực và đã nghiên cứu quy trình xác định fenofibrat trên điện cực giọt thủy ngân. Kết quả nghiên cứu của đề tài có thể áp dụng để kiểm tra các mẫu thuốc trên thị trường.

Nhóm nghiên cứu mong muốn được cấp thêm kinh phí để phát triển phương pháp kiểm tra hàm lượng atorvastatin và fenofibrat trong mẫu sinh hóa (mẫu nước tiểu, mẫu máu).

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14638/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

P.T.T (NASATI)