Việc nghiên cứu về bảo quản cá ngừ đại dương trên tàu cá được nhiều tác giả, nhà khoa học quan tâm và được đề cập trong các đề tài: Nghiên cứu áp dụng công nghệ bảo quản cá ngừ đại dương vào thực tế đánh bắt trên tàu miền Trung (Lê Vịnh 2000); Bảo quản cá ngừ đại dương nguyên liệu trong môi trường nước biển lạnh (Nguyễn Thị Trúc Đào, 2003); Tác giả (Nguyễn long, 2007) đưa ra quy trình bảo quản cá ngừ trên tàu câu của ngư dân gồm các công đoạn: Làm choáng – giết chết – xả máu – nội tạng – ngâm hạ nhiệt – bảo quản.

Các nghiên cứu đều đưa ra quy trình sơ chế bảo quản có công đoạn ngâm hạ nhiệt cá phù hợp với điều kiện tàu cá ở 03 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Tuy nhiên, công đoạn ngâm hạ nhiệt tiêu tốn rất nhiều đá xay, trong khi đó giá sản phẩm không tăng, ảnh hưởng đến thời gian, lợi nhuận chuyến biển của Ngư dân nên công đoạn này bị bỏ qua.

Vì thế, nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Đăng kiểm tàu cá do KS. Mai Văn Toản làm chủ nhiệm, đã thực hiện đề tài: “Hoàn thiện công nghệ và hệ thống lạnh nhanh cá ngừ đại dương trên tàu cá xa bờ” trong khoảng thời gian từ tháng 4/2014 đến 9/2016.

Đề tài đã nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ và hệ thống lạnh nhanh cá ngừ đại dương trên tàu cá xa bờ được thực hiện trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá mô hình “Thiết kế và thử nghiệm hệ thống bể hạ nhiệt nhanh cá ngừ đại dương trên tàu cá“, tính toán thiết kế hoàn thiện và triển khai lắp đặt áp dụng trên các tàu câu cá ngừ đại dương tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa; phân tích kết quả nhận được sẽ đánh giá khả năng hoàn thiện công nghệ và hệ thống lạnh nhanh cá ngừ đại dương trên tàu cá xa bờ.

Kết quả của đề tài nghiên cứu sẽ góp phần hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách về khai thác thủy sản, các ngư dân có thêm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong hoạt động khai thác hải sản bằng nghề câu cá ngừ đại dương; theo đó, các nhà chế biến xuất khẩu sẽ có thêm phương án lựa chọn khi thu mua chế biến cá ngừ đại dương trên các tàu được trang bị bể hạ nhiệt nhằm nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu đến các nước trong khu vực và trên thế giới.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 13609) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

N.P.D (NASATI)