Tàu thuyền và các kết cấu bằng gỗ dùng trong môi trường nước biển, nước lợ thường bị các loài Hà hại gỗ tấn công phá hoại một cách âm thầm và mãnh liệt. Tàu thuyền dù có đóng bằng các loại gỗ có độ bền tự nhiên tốt thuộc nhóm 1, nhóm 2 nếu không áp dụng các biện pháp bảo quản thì cũng nhanh chóng bị Hà gây hại. Loài Hà phá huỷ gỗ mạnh nhất ở vùng biển Việt Nam có tên khoa học là Terdinidae mami và Bankia saulii.

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã có những nghiên cứu về công nghệ xử lý bảo quản gỗ nguyên liệu đóng tàu thuyền, mở rộng cho cả đối tượng gỗ rừng trồng, bằng các chế phẩm bảo quản có hiệu lực chống Hà tốt, thân thiện với môi trường và bước đầu tạo sơn chống Hà cho tàu thuyền gỗ. Sản phẩm sơn chống Hà CHG đã được đăng ký trong Danh mục các loại thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam. Hiện nay, nhựa alkyd từ dầu vỏ hạt điều biến tính cũng đã bước đầu sử dụng để tạo sơn chống Hà bám cho tàu vỏ sắt. Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu đã đạt được, nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam do TS. Bùi Văn Ái làm chủ nhiệm, đã thực hiện đề tài: “Hoàn thiện công nghệ xử lý bảo quản gỗ làm nguyên liệu đóng tàu thuyền đi biển” trong thời gian từ năm 2015-2016.

Nghiên cứu nhằm mục tiêu hoàn thiện được công nghệ sản xuất sơn chống hà và kỹ thuật bảo quản phòng chống hà biển và các sinh vật hại cho gỗ nguyên liệu đóng tàu thuyền đi biển.

Đề tài đã hoàn thiện và ứng dụng công nghệ bảo quản gỗ rừng trồng nguyên liệu đóng tàu thuyền đi biển tại các làng nghề.

+ Quy trình công nghệ bảo quản gỗ theo phương pháp ngâm thường có yêu cầu kỹ thuật đơn giản, phù hợp áp dụng với các cơ sở đóng tàu thuyền quy mô nhỏ, cần vôn đầu tư ít.

+ Quy trình công nghệ bảo quản gỗ theo phương pháp chân không – áp lực phù hợp áp dụng với các cơ sở đóng tàu thuyền quy mô lớn, vốn đầu tư cao, đòi hỏi công nhân vận hành thiết bị được đào tạo bài bản.

Đề tài đã triển khai chuyển giao công nghệ, sản xuất thử nghiệm các sản phẩm: Đã sản xuất được 2.500 kg sơn và 4000 kg chế phẩm bảo quản gỗ XM5, đã xử lý bảo quản được 200 m3 gỗ rừng trồng (Keo và Bạch đàn) bằng chế phẩm XM5 và đưa vào sử dụng để đóng tàu thuyền.

Các sản phẩm của nghiên cứu đã được đánh giá đảm bảo chất lượng, giá cả cạnh tranh và thân thiện với môi trường.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 13719) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

N.P.D (NASATI)