Ngày 16/9/2021, Bộ Ngoại giao Việt Nam, Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam và Báo điện tử tin nhanh VnExpress đã tổ chức tọa đàm “Hoàn thiện hệ sinh thái cho chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam”. Đây là sự kiện nông nghiệp đầu tiên tại Việt Nam áp dụng công nghệ thực tế ảo.
Trao đổi tại toạ đàm, TS Tan Siang Hee cho biết, một hệ sinh thái nông nghiệp bền vững luôn gắn liền với việc ứng dụng các giải pháp nông nghiệp tiên tiến một cách có trách nhiệm. Các giải pháp nông nghiệp tiên tiến ở đây bao gồm toàn bộ các công cụ, giải pháp ứng dụng trong chuỗi giá trị thực phẩm: từ những giải pháp về chọn tạo giống cây trồng, bảo vệ thực vật và dinh dưỡng cho cây trồng đến các phương thức kỹ thuật giúp tối ưu hoá hiệu quả canh tác và quản lý đồng ruộng cho nông dân (như định vị GPS, dữ liệu đồng ruộng, máy bay không người lái, bản đồ số…) và các giải pháp thông minh hỗ trợ chuỗi sản xuất – chế biến, cung ứng và phân phối sản phẩm tới tay người tiêu dùng, số hoá được coi là một trong các giải pháp. Trong chiến lược phát triển hệ sinh thái nông nghiệp thông minh và bền vững, nông dân luôn đóng vai trò trung tâm và cần phải được trang bị kịp thời, đầy đủ các công nghệ sẵn có, biết cách vận hành và sử dụng các công nghệ đó một cách có trách nhiệm.
Các diễn giả tham gia Toạ đàm đều cho rằng, phát triển nông nghiệp theo hướng chuyển đổi số là nhu cầu tất yếu, đồng thời đưa ra một số điều kiện để Việt Nam có thể hiện thực hoá được mục tiêu này bao gồm: nâng cao cơ sở hạ tầng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu nông nghiệp; thay đổi tư duy và thói quen canh tác từ mô hình nhỏ lẻ theo hướng hiện đại hoá; chuẩn bị nguồn lực tài chính và tiếp cận mọi công nghệ cần thiết…
Theo một khảo sát công bố gần đây bởi tổ chức CropLife châu Á (khi hỏi 130 nông dân trồng lúa, cây ăn quả và rau của Việt Nam), 42% người nông dân muốn áp dụng số hóa trong nông nghiệp. Mặc dù tỷ lệ này chưa cao, nhưng khi so với 3 quốc gia khác ở ASEAN trong cùng khảo sát, Việt Nam là nước có tỷ lệ cao nhất. Vì vậy có thể thấy rằng, nông dân Việt Nam quan tâm đến số hóa nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trong khu vực. Đây là cơ hội rất lớn cho các đối tác trong chuỗi sản xuất thực phẩm – nông nghiệp để tiếp tục hợp tác để đẩy mạnh các hoạt động thử nghiệm ứng dụng công nghệ mới; triển khai các chương trình đào tạo tập huấn để nông dân hiểu và sử dụng các công nghệ đó một cách hiệu quả, an toàn và bền vững với mục tiêu đảm bảo cơ hội tiếp cận và tăng tỷ lệ ứng dụng công nghệ vào canh tác thực tiễn. Theo kinh nghiệm triển khai tại một số nước có mô hình canh tác nhỏ tương tự Việt Nam, khi bắt đầu, các dự án thường được triển khai với quy mô nhỏ ở một vùng cụ thể, trên đối tượng cụ thể, và khi thành công của dự án đó được chứng minh, chính nông dân sẽ giúp lan toả hiệu quả của công nghệ – đây là phương thức tác động hiệu quả nhất để nông dân các vùng khác mở rộng ứng dụng công nghệ với quy mô lớn hơn.
CM