Cá song chuột, tên tiếng Anh: Mouse grouper, tên khoa học: Cromileptes altivelis, Valencienes 1828 với 6 synonym (đều là Valencienes 1828). Cá song Chuột có giá bán cao nhất so với hầu hết các loài cá biển khác.

Sau hơn 10 năm nghiên cứu (từ 1999 đến 2010), chỉ có Indonexia đã thành công trong sản xuất giống và nuôi cá song Chuột trên qui mô hàng hoá. Tuy nhiên, Indonexia chưa có công bố nghiên cứu về công nghệ nuôi thương phẩm. Với một số nước khác như Thái Lan, Austrâylia đã có những nghiên cứu thành công ban đầu nhưng công nghệ vẫn chưa ổn định.

Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 bắt đầu nghiên cứu về sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm cá song chuột từ năm 2008. Sau 3 năm nghiên cứu, Việt Nam là nước thứ 2 sau Indonexia thành công trong sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm cá song chuột trên quy mô thí nghiệm lớn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại mà trong thời gian Đề tài thực hiện vẫn chưa được khắc phục ở một số các khâu kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm.

Do đó, ThS. Nguyễn Đức Tuấn, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 đã đề xuất và được chấp thuận thực hiện dự án: “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá song chuột (Chromileptes altivelis, Valencienes 1828)” nhằm hoàn thiện công nghệ sản xuất và nuôi thương phẩm cá song chuột đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) bảo vệ môi trường sinh thái đồng thời khắc phục những tồn tại của Đề tài về sản xuất giống, nuôi thương phẩm.

Sau một thời gian triển khai, nhóm nghiên cứu đã thu được các kết quả như sau:
1. Hoàn thiện công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá song chuột
– Hoàn thiện công nghệ nuôi vỗ cá bố mẹ tạo khả năng đẻ tái phát dục trong mùa vụ sinh sản: Kết quả nghiên cứu của Dự án đã thành công trong việc cho cá song chuột đẻ tái phát dục trong vụ sinh sản. Như vậy, có thể khai thác tối đa lượng trứng trong một mùa sinh sản. Kết quả nghiên cứu này là bước cải tiến về công nghệ so với Đề tài.
– Hoàn thiện công nghệ cho đẻ tại bè cá: Dự án đã hoàn thiện công nghệ cho đẻ tại bè cá đạt mục tiêu đã đề ra (tỷ lệ thụ tinh > 80%, tỷ lệ nở > 85%). Kết quả nghiên cứu của Dự án cao hơn so với Đề tài trước về tỷ lệ nở (Đề tài: >70%), tương đương về tỷ lệ thụ tinh. Cụ thể: – Hình thức cho đẻ: Cho đẻ trong bể nổi trên biển, tỷ lệ thụ tinh 85,3 ± 0,92%, tỷ lệ nở 85,2 ± 1,9%. – Liều lượng kích dục tố: 1000UI HCG + 2 mg LRHa/kg cá cái, tỷ lệ thụ tinh 84,1 ± 1,48%, tỷ lệ nở 90,9 ± 1,77%.
– Hoàn thiện công nghệ thu trứng, khử trùng, vận chuyển và bảo quản trứng cá song chuột thụ tinh từ lồng bè đến trại ương giống: Xử trùng trứng thụ tinh bằng Iodine nồng độ 20ppm trong 15 phút cho kết quả tốt nhất về tỷ lệ nở và khả năng sát trùng. Mật độ ấp 400 trứng / lít và thời gian vận chuyển không quá 10 tiếng là điều kiện tối ưu để đạt tỷ lệ nở cao. Việc khử trùng trứng thụ tinh sẽ hạn chế trứng thụ tinh bị chết hoặc phát triển không bình thường do các nguyên nhân bệnh do vi rút, vi khuẩn, nấm hoặc do quá trình vận chuyển đến khu ấp nở
2. Hoàn thiện công nghệ ương nuôi cá bột thành cá hương, cá giống
– Hoàn thiện công nghệ lưu giữ và nuôi sinh khối dòng luân trùng: Nghiên cứu thành công quy trình lưu giữ và nuôi sinh khối dòng luân trùng siêu nhỏ P. similis của Dự án góp phần đa dạng hóa nguồn thức ăn, cải thiện sinh trưởng, nâng cao tỷ lệ sống khi ương nuôi cá song chuột. Đây cũng là cải tiến công nghệ của Dự án so với Đề tài.
– Hoàn thiện công nghệ ương cá bột lên cá hương trong ao ngoài trời đạt sản lượng lớn/đợt ương nuôi: Nghiên cứu ương cá bột lên cá hương trong ao ngoài trời là mặt đổi mới công nghệ của Dự án so với Đề tài trước. Thành công trong kỹ thuật ương trong ao ngoài trời của Dự án cho phép đạt sản lượng lớn/đợt sản xuất, dễ áp dụng và hạ giá thành sản phẩm do sử dụng thức ăn tươi
sống từ tự nhiên. Tỷ lệ sống từ bột lên hương (8,32% năm 2014 và 8,51% năm 2015) ổn định và cao hơn so với kết quả của Đề tài (đạt 7%). Bên cạnh đó, hoàn thiện kỹ thuật ương trong ao ngoài trời rút ngắn thời gian ương (35-40 ngày so với 45-55 ngày của Đề tài), góp phần giảm chi phí
sản xuất và rủi ro trong quá trình ương nuôi.
– Hoàn thiện công nghệ ương nuôi cá hương thành cá giống bằng mộtsố loại thức ăn công nghiệp: Dự án đã nghiên cứu và áp dụng thành công một số loại thức ăn công nghiệp cho sinh trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao (trên 95%). Kết quả nghiên cứu của Dự án cao hơn so với kết quả nghiên cứu của Đề tài (tỷ lệ sống từ hương lên giống đạt 90%) và đạt mục tiêu của Dự án đề ra (>95%)
3. Hoàn thiện công nghệ nuôi thương phẩm.
– Hoàn thiện công nghệ nuôi cá thương phẩm bằng một số loại thức ăn công nghiệp đảm bảo tăng trưởng nhanh: Nghiên cứu sử dụng một số loại thức ăn sản xuất trong nước nuôi thương phẩm cá song chuột của Dự án đạt kết quả cao hơn so với Đề tài. Cụ thể: thời gian nuôi cá song chuột từ cỡ 8-10g lên cỡ >20g giảm từ 5,5 tháng xuống còn 2 tháng. Như vậy, thời gian nuôi thương phẩm sẽ được rút ngắn, giảm chi phí nhân công và rủi ro phát sinh trong quá trình nuôi.
– Nghiên cứu về bệnh trên cá song chuột thương phẩm và một số biện pháp phòng trị: Các nghiên cứu của Dự án đã tìm ra nguyên nhân và cách phòng trị một số bệnh cho cá song chuột nuôi thương phẩm. Các nghiên cứu này góp phần phòng tránh, giảm thiểu rủi ro cho người nuôi trước các nguy cơ về dịch bệnh cho người nuôi.

Như vậy, dự án đã hoàn thành đầy đủ các nội dung so với thuyết minh và hợp đồng đã ký. Quy trình công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm của Dự án có thể áp dụng vào thực tiễn trên quy mô sản xuất lớn.

Nhóm nghiên cứu cũng kiến nghị được tiếp tục thử nghiệm một số loại thức ăn sản xuất trong nước để ương nuôi cá song chuột giống, cá song chuột thương phẩm nhằm giảm chi phí về thức ăn và hạn chế ô nhiễm môi trường. Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quan trắc, cảnh báo và nghiên cứu các biện pháp phòng trị bệnh trên cá song chuột nhằm giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 13280/2017) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

P.T.T (NASATI)