Nhằm phát triển và khai thác tối đa tiềm năng của giống lai mới GL7 trong sản xuất nguyên liệu thuốc lá, hoàn thiện qui trình trồng trọt, hái sấy để nâng cao năng suất, chất lượng thuốc lá nguyên liệu của giống thuốc lá lai GL7, xây dựng mô hình sản xuất và chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc lá nguyên liệu bằng giống lai GL7 cho năng suất cao, chất lượng tốt tại Cao Bằng cũng như mở rộng diện tích sản xuất thuốc lá nguyên liệu bằng giống thuốc lá lai GL7 với tiến độ 35 ha/năm trong các năm 2015 – 2016 và sản xuất nguyên liệu có chất lượng ổn định phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu (tỷ lệ lá cấp 1+2 đạt trên 50%; hàm lượng nicotin: 1,8 – 2,8%; đường khử: 15 – 25%), nhóm nghiên cứu do TS. Hoàng Tự Lập, TS. Tào Ngọc Tuấn, Viện Thuốc lá đứng đầu đã kiến nghị và được chấp thuận cho thực hiện dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất thuốc lá nguyên liệu giống lai GL7 tại Cao Bằng” trong thời gian từ năm 2015 đến 2016.


Sau một thời gian triển khai thực hiện, nhóm nghiên cứu thu được các kết quả như sau:

1. Kết quả nghiên cứu về kỹ thuật trồng trọt giống GL7 đã xác định được các yếu tố kỹ thuật chính phù hợp cho canh tác thuốc lá để có năng suất cao, chất lượng nguyên liệu tốt gồm: Mật độ trồng 18.000 cây/ha; Cố định số lá thu hoạch ở mức 24 lá/cây; Mức bón phân 70kg N/ha đối với điều kiện thâm canh, chủ động về nước tưới và mức 60kg N/ha cho điều kiện chưa chủ động về nước tưới. Trên cơ sở các kết quả thử nghiệm, dự án đã xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác giống GL7 tại Cao Bằng.

2. Thử nghiệm về hái sấy lá của giống GL7 cho thấy: Hái lá có biểu hiện chín kỹ thuật (CT2) cho nguyên liệu có chất lượng tốt nhất, thể hiện ở cấp loại lá tốt (cấp 1+2) cao, thành phần hóa học phù hợp và tính chất hút tốt. Hái lá có mức độ hơi quá chín (CT3) tuy các chỉ tiêu chất lượng kém lá đúng độ chín kỹ thuật nhưng mức chênh lệch không lớn và cao hơn rõ rệt so với công thức hái lá hơi xanh (CT1). Để nguyên liệu giống GL7 cho tỷ lệ lá cấp 1+2 cao và tính chất hút tốt cần tuân thủ quy trình sấy về các yếu tố nhiệt, ẩm ở các giai đoạn và thời gian sấy từ 107 đến 120 giờ. Trên cơ sở các kết quả thử nghiệm, dự án đã xây dựng quy trình kỹ thuật hái sấy giống GL7 tại Cao Bằng.

3. Dự án đã tập huấn trong 2 năm 2015 – 2016 cho 731 lượt người với các đối tượng là người trồng thuốc lá tham gia mô hình và sản xuất thử giống GL7 cũng như các cán bộ chuyên môn địa phương về các kỹ thuật trồng trọt và hái sấy thuốc lá giống mới GL7.

4. Trong các vụ xuân 2015 – 2016, dự án đã xây dựng được mô hình 10ha sản xuất nguyên liệu giống GL7 áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như sử dụng cây bầu, che tủ luống trồng bằng nilon, bón phân đủ định lượng,… cho hiệu quả cao khi năng suất đạt trên 2,6 tấn/ha, tỷ lệ lá cấp 1+2 cao hơn 57% và lợi nhuận cao, ở mức từ 38 đến 44 triệu đồng/ha. Tỷ suất lợi nhuận biên của mô hình đạt 4,5 đến 5,6 là mức rất hấp dẫn trong sản xuất nông nghiệp.

5. Việc sản xuất thử trên diện tích 70ha trong các vụ xuân 2015 – 2016 cho thấy giống GL7 có khả năng thích ứng với điều kiện hạn rét đầu vụ xuân tại Cao Bằng nên sinh trưởng khoẻ, kháng cao đối với các bệnh hại, cho năng suất từ 2,2 đến 2,5 tấn/ha, tỷ lệ lá cấp 1+2 luôn đạt trên 50%. Sản xuất nguyên liệu bằng giống GL7 mang lại hiệu quả kinh tế cao khi lợi nhuận thu được ở mức 25 đến 30 triệu đồng/ha, vượt lợi nhuận trồng giống C9-1 trên 10 triệu đồng/ha. Tỷ suất lợi nhuận biên của sản xuất nguyên liệu giống GL7 so với giống C9-1 đạt 4,5 – 5,3 là mức rất hấp dẫn đối với người sản xuất thuốc lá. Trên cơ sở kết quả sản xuất thử giống GL7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã công nhận giống GL7 là giống cây trồng.

Từ những kết quả đạt được khi thực hiện dự án, nhóm nghiên cứu cũng đề nghị Bộ Công Thương cho phép khuyến cáo mở rộng diện tích sản xuất nguyên liệu bằng giống GL7 và áp dụng các quy trình kỹ thuật trồng trọt và hái sấy giống GL7 được hoàn thiện để nâng cao năng suất nguyên liệu và hiệu quả kinh tế cho người trồng thuốc lá.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 13247/2016) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

P.T.T (NASATI)