Theo một nghiên cứu mới được thực hiện bởi các giảng viên và sinh viên đến từ trường Đại học Binghamton, Đại học State New York, bao bì thực phẩm có thể là tác nhân gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là ảnh hưởng xấu đến hoạt động của hệ tiêu hóa.

Gretchen Mahler, phó giáo sư ngành kỹ thuật sinh học, cho biết: “Chúng tôi phát hiện ra rằng một lượng nhất định các hạt nano oxit kẽm (ZnO) xâm nhập vào cơ thể con người thông qua tiêu thụ các loại thực phẩm trong bữa ăn hoặc trong một ngày có khả năng thay đổi cách thức hấp thụ các chất dinh dưỡng của ruột non, gen của tế bào ruột và biểu hiện protein“.

Theo Mahler, ôxít kẽm (ZnO) ở kích thước nano là vật liệu được ứng dụng rộng rãi trong công nghiệp và y học do khả năng kháng khuẩn, kháng nấm, xúc tác… Chúng được sử dụng trong công nghệ thực phẩm, sản xuất sơn, chế tạo các thiết bị điện tử, dùng trong chất chống ăn mòn, chất xúc tác, trong mỹ phẩm do khả năng ngăn chặn tia cực tím… Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm trên các loại thực phẩm như ngô cá ngừ, măng tây và gà đóng hộp thông qua sử dụng phổ khối để đánh giá lượng hạt nano oxit kẽm trong thực phẩm. Họ nhận thấy rằng hàm lượng kẽm trong thực phẩm của chế độ ăn kiêng cao gấp 100 lần so với hàm lượng cho phép. Ngoài ra, Mahler cũng khẳng định hàm lượng kẽm cao quá mức cho phép ảnh hưởng tiêu cực đến hệ tiêu hóa.

PGS. Mahler chia sẻ: “Nhiều nghiên cứu trước đây đã từng xem xét tác động của các hạt nano trên tế bào ruột, tuy nhiên, hàm lượng kẽm được thử nghiệm rất cao và các nhà khoa học chỉ tìm hiểu về mức độ độc tính rõ ràng như sự chết của tế bào. Còn chúng tôi xem xét chức năng của tế bào, tác động của các hạt nano đến chức năng tế bào nếu có cũng không dễ gì phát hiện, đồng thời, hàm lượng ôxít kẽm chúng tôi nghiên cứu cũng chỉ giới hạn trong giới hạn tiêu thụ“.

Mahler cho biết: “Những phân tử oxit kẽm có xu hướng xâm nhập vào các tế bào tiêu hóa và gây ra sự thay đổi hoặc mất đi các lớp vi nhung mao (microvilli) trong ruột – những nếp gấp nhỏ trên bề mặt các tế bào hấp thu ở ruột giúp tăng diện tích bề mặt để dễ hấp thụ thức ăn hơn, dẫn đến làm giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng. Hàm lượng oxit kẽm cao cũng gây ra tình trạng viêm và làm tăng độ thẩm thấu của mô ruột. Hiện tượng tăng thẩm thấu của ruột không tốt, nghĩa là những hợp chất không được phép đi vào máu, lại có thể“.

Dù Mahler đã nghiên cứu những ảnh hưởng này trong phòng thí nghiệm, nhưng bà chưa dám chắc về tác động lâu dài của các phân tử oxit kẽm đến sức khỏe.

Mahler cho biết: “Rất khó xác định những ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của con người do ăn phải hạt nano, đặc biệt là dựa vào các kết quả từ mô hình nuôi cấy tế bào. Mô hình của chúng tôi cho thấy các hạt nano gây ảnh hưởng đến mô hình thí nghiệm và việc tìm hiểu cách các hạt nano tác động đến chức năng của ruột là lĩnh vực nghiên cứu quan trọng đối với sự an toàn của người tiêu dùng“.

Các nhà khoa học đang nghiên cứu phản ứng của mô hình động vật trong trường hợp này là gà, do nuốt phải hạt nano.

Mahler cho biết: Kết quả nuôi cấy tế bào tương tự như những kết quả được phát hiện thấy ở động vật và các quần thể vi khuẩn đường ruột cũng bị ảnh hưởng. Trong tương lai, nhóm nghiên cứu sẽ tập trung nghiên cứu tương tác giữa các quần thể vi khuẩn đường ruột và phụ gia thực phẩm.

Nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí Food & Function.

P.K.L (NASATI), theo https://phys.org/news/2018-04-food-packaging-negatively-affecting-nutrient.html, 9/4/2018