Ở Việt Nam, cây rau họ bầu bí (Cucurbitaceae) nói chung, cây bí xanh (Benincasa hispida (Thunb.) Cogn., tên đồng nghĩa Benicasa cerifera Savi.) và cây mướp đắng (Momordica charantia L.) nói riêng là những loài cây rau ăn quả được trồng trọt lâu đời, phổ biến khắp các tỉnh thành từ bắc vào nam. Cây bí xanh và cây mướp đắng có nhiều ưu điểm: quả có giá trị dinh dưỡng và dược lý, dễ bảo quản và chế biến, là cây dễ trồng, thích hợp với nhiều loại đất, có thể trồng hai vụ trong năm và đặc biệt có thị trường tiêu thụ rộng lớn trong và ngoài nước do vậy diện tích trồng bí xanh và mướp đắng những năm gần đây có xu hướng tăng và đã bắt đầu hình thành một số vùng trồng tập trung ở Hải Dương, Hà Nội, Lâm Đồng, Thái Bình, Hà Nam, Bình Định,…. nhưng cho tới nay, hai loại cây rau này vẫn được coi là cây trồng phụ nên chưa có số liệu thống kê đầy đủ về cả diện tích, năng suất và sản lượng và nghiên cứu về hai loài cây này ở Việt Nam cũng chưa được quan tâm đúng mức.

Trong khuôn khổ của nhiệm vụ quỹ gen giai đoạn 2011-2015, đề tài “Khai thác và phát triển nguồn gen bí xanh Chữ Thập, bí đá Trái Dài, mướp đắng Xanh tại các tỉnh miền Trung” do Tiến sỹ nông nghiệp Tạ Kim Bính, Trung tâm Tài nguyên thực vật làm chủ nhiệm, đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cho phép thực hiện nhằm góp phần duy trì lâu dài và phát triển bền vững 03 nguồn gen: bí xanh Chữ Thập, bí đá Trái Dài và mướp đắng Xanh phục vụ phát triển nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho người sản xuất tại vùng nguyên sản: huyện Quỳnh Lưu, huyện Nam Đàn của tỉnh Nghệ An và huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định và các địa phương có điều kiện tương tự.

Qua 48 tháng thực hiện đề tài (7/2011 đến 10/2015), nhóm nghiên cứu đã thu được các kết quả như sau: 
1. Đã điều tra hiện trạng sản xuất; đánh giá bổ sung đặc điểm nông sinh học và xây dựng được 03 bản mô tả tính trạng đặc trưng của các giống bí xanh Chữ Thập, bí đá Trái Dài và mướp đắng Xanh, làm cơ sở cho công tác phục tráng giống.
2. Đã phục tráng thành công 03 giống theo phương pháp chọn lọc cá thể cho cây giao phấn, thu được thế hệ G3 và xây dựng được tiêu chuẩn hạt giống cho 3 giống phục tráng. Các giống phục tráng đều có năng suất quả vượt so với giống chưa phục tráng từ 18-30 %. Từ kết quả nghiên cứu đã xây dựng được 03 qui trình kỹ thuật phục tráng cho 03 giống.
3. Xây dựng được 03 qui trình kỹ thuật sản xuất hạt giống cho 3 nguồn gen, trên cơ sở kết quả của các thí nghiệm xác định một số thông số kỹ thuật, cụ thể:
– Nhân giống bí xanh Chữ Thập tại Bình Định: Thời điểm gieo trồng tháng 12 hàng năm; Mật độ và khoảng cách nhân giống là 4200 cây/ha và 300cm x 100cm. Lượng bón kaliclorua/ha từ khi ra hoa đến khi quả chín là 120kg; Dùng phân bón lá Rong Biển phun định kỳ 10 ngày/lần từ khi trồng đến khi quả chín.
– Nhân giống bí đá Trái Dài tại Nghệ An: Thời vụ nhân giống: vụ xuân sớm, gieo trồng từ 20/1- 10/2; Mật độ và khoảng cách trồng là: 16.600 cây/ha và 200cm x 30cm; Lượng phân bón/ha: Phân chuồng 20 tấn +120 kg N+120kgP2O5+120kg K2O
– Nhân giống mướp đắng Xanh tại Nghệ An: Thời vụ nhân giống: vụ xuân sớm (gieo trồng 5-25 tháng 2); Mật độ và khoảng cách trồnglà: 16.600 cây/ha và 200 x 30cm; Lượng phân bón/ha: Phân chuồng 20 tấn +100 kg N+100kgP2O5+100kg K2O
4. Xây dựng được 03 qui trình kỹ thuật sản xuất thư ng phẩm 03 nguồn gen phục tráng, trên c sở kết quả của các thí nghiệm xác định một số thông số kỹ thuật, cụ thể: Thời vụ: gieo trồng vào tháng 12; Mật độ trồng là 4.200 cây/ha; Mức bón NPK 20-20-15 +TE là 400kg/ha; Tỉa chồi và lưu nụ trên lá thứ 41-45 là tốt nhất; Phun thuốc trừ sâu bệnh hại bắt đầu từ khi khi thấy bệnh chớm xuất hiện cứ 10 ngày phun 1 lần
Với bí đá Trái Dài tại Nghệ An: Thời vụ gieo trồng: vụ xuân từ 10/1 đến 10/ 3 và vụ hè từ 10/7 đến 25/7; Khoảng cách trồng: 200cm x 30 cm và 200cm x 40 cm; Chế độ phân bón: phân chuồng 20 tấn + 140-150kg N + 100kg P2O5+ 160kg K2O; Tùy theo điều kiện nhân công lao động, có thể tỉa bớt 1-2 chồi; Biện pháp phòng trừ tổng hợp: luân canh bí xanh + Rau màu + lúa, phun thuốc 10 ngày /một lần khi thấy sâu bệnh chớm xuất hiện.
Với giống mướp đắng Xanh: Thời vụ gieo trồng: vụ xuân hè trồng từ 10/3 đến 25/ 7; Khoảng cách trồng: 200cm x 30 – 40 cm; Chế độ phân bón/ha: 20 tấn phân chuồng+100-130kgN +100kgP2O5+ 160kg K2O; Biện pháp phòng trừ tổng hợp: luân canh mướp đắng Xanh + Rau màu + lúa, phun thuốc 15 ngày một lần khi thấy sâu bệnh chớm xuất hiện.
5. Đã xây dựng thành công mô hình sản xuất hạt giống cho 03 giống phục tráng: bí xanh Chữ Thập, qui mô 2000 m2, tại tỉnh Bình Định; bí đá Trái Dài. Qui mô 1500 m2 và sản xuất hạt giống mướp đắng Xanh với qui mô 1000 m2 tại tỉnh Nghệ An.
Qua mô hình đã thu được 60 kg hạt giống siêu nguyên chủng của 03 nguồn gen với đăng ký ban đầu, cụ thể: Bí xanh Chữ thập: thu được 20 kg hạt giống siêu nguyên chủng với độ sạch của hạt là 99,7%, độ thuần là 100%, tỉ lệ nảy mầm sau 5 ngày gieo là 87,7%; Bí đá Trái Dài: thu được 20 kg hạt giống. Độ sạch trung bình của các lô hạt giống đạt đến 99,2%, độ thuần là 98,2%, độ ẩm 7,0% và tỉ lệ nảy mầm là 95,0%; Mướp đắng Xanh: thu được 20 kg hạt giống. Độ sạch trung bình của các lô hạt giống đạt đến 99,2%, độ thuần là 98,2%, độ ẩm 7,5%, và tỉ lệ nảy mầm là 95,0%.
6. Đã xây dựng thành công mô hình thâm canh 03 giống bí, mướp đắng phục tráng: bí xanh Chữ Thập, qui mô 1,5 ha, tại tỉnh Bình Định; bí đá Trái Dài, qui mô 1,5 ha và mướp so với mô hình sản xuất giống đại trà. Các mô hình đều cho hiệu quả kinh tế cao hơn mô hình đối chứng từ 40-50%, cụ thể:
– Mô hình bí xanh Chữ thập của đề tài cho năng suất quả cao hơn 51,03% so với ngoài mô hình. Lãi thuần đạt đến 137,675 triệu đồng/ha và tỉ suất lãi lên đến 1,11 lần.
– Mô hình bí đá Trái Dài của đề tài cho năng suất thực thu trong vụ xuân là 60 tấn/ha, vượt đối chứng 33%, cho lãi thuần 106,0 triệu đồng/ha vượt 50% so với trồng bí xanh ngoài mô hình.. Tỷ suất lãi 1,4 lần.
– Mô hình mướp đắng Xanh của đề tài đạt năng suất 43,5 tấn/ha cao hơn đối chứng 36%, cho lãi thuần 198 trđồng/ha, có hiệu quả kinh tế cao hơn 40% so với mô hình sản xuất mướp đắng Xanh đại trà và cao hơn so với những loại cây trồng khác như lạc Xuân và cà chua Xuân. Tỷ suất lãi 1,9 lần.

Kết quả của đề tài là cơ sở cho việc mở rộng diện tích tại các vùng có điều kiện tương tự của tỉnh Nghệ An.

Các kết quả nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam và Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 13263/2016) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

P.T.T (NASATI)