Chất màu trong thực phẩm gồm hai loại: chất màu tổng hợp và chất màu có nguồn gốc từ thiên nhiên. Các chất màu tổng hợp được tạo ra đơn giản nhưng khi sử dụng với liều lượng lớn dễ gây ra các tác dụng phụ có hại cho sức khỏe như gây ngộ độc và các biến chứng gây ung thư. Các chất màu chiết xuất từ thiên nhiên có chứa nhiều hoạt chất sinh học có lợi cho sức khỏe con người, giúp phòng chống nhiều bệnh và tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Vì thế, việc sử dụng các chất màu tự nhiên ngày càng được ưa chuộng hơn và đang dần thay thế cho các sản phẩm màu tổng hợp.
Một trong những nguồn nguyên liệu mới cung cấp anthocyanin đang được quan tâm là khoai lang tím. Khoai lang tím tên khoa học là Ipomoea Batatas (L.)Poir, thuộc họ Bìm Bìm (Convolvulaceae). Tại Việt Nam, khoai lang tím là nguồn nguyên liệu dồi dào được trồng nhiều ở các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long. Vì thế, năm 2016, nhóm nghiên cứu tại Trường Đại Học Nguyễn Tất Thành do TS. Bạch Long Giang làm chủ nhiệm, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ enzyme sản xuất chế phẩm anthocyanin an toàn từ khoai lang tím để làm phụ gia thực phẩm bổ sung vào nước giải khát Nha Đam (Aloe vera)”.
Đề tài đã tìm hiểu và nghiên cứu khá đầy đủ anthocyanin trong các công trình trong nước và thế giới để tiến hành đánh giá tính ưu điểm và khuyết điểm của từng công trình để kế thừa những quá trình nghiên cứu. Lựa chọn, phân tích tính chất vật lý cơ bản của nguồn nguyên liệu Khoai lang tím thu được huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh rẻ tiền và sẳn có làm nguyên liệu chiết tách chế phẩn anthocyanin. Tính chất ngoại quan, độ ẩm, màu sắc bột nguyên liệu được đánh giá. Quang phổ hấp thu cực đại của dịch chiết cồn từ bột khoai lang tím Nhật là λvis max = 530 nm và sử dụng để xác định hàm lượng anthocyanin.
Đề tài đã tận dụng được nguồn enzyme như là tác nhân phân hủy ly trích tạo ra sản phẩm không chỉ là anthocyanin mà còn thêm các sản phẩm phụ khác là các gốc đường có trong tinh bột. Với điều kiện xử lý enzyme cố định với tỷ lệ enzyme 1%, nhiệt độ 65 oC, thời gian 60 phút và pH = 4, Enzyme amylaza (Termamyl) được sử dụng để tiền xử lý nguyên liệu bột màu với tỷ lệ 1%, tại nhiệt độ 65 oC trong 60 phút. Sau đó, nguyên liệu được chiết dịch với mục tiêu hàm lượng màu và đường cao. Điều kiện phù hợp để chiết dịch sản phẩm là sử dụng dung môi là dung dịch cồn có hàm lượng EtOH < 20o, tại nhiệt đô 65 oC trong thời gian 40 phút thì thu được hàm lượng anthocyanin và thể tích dịch màu tương đối cao, dịch màu có sắc tím đỏ và đẹp.
Việc nghiên cứu thành công đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ enzyme sản xuất chế phẩm anthocyanin an toàn từ khoai lang tím để làm phụ gia thực phẩm bổ sung vào nước giải khát Nha Đam (Aloe vera)” sẽ là cơ sở cho việc góp phần đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao giá trị sử dụng củ khoai lang tím. Các chế phẩm giàu anthocyanin với các hoạt tính sinh học quí và khả năng ứng dụng làm màu thực phẩm từ khoai lang tím có triển vọng tạo và khuếch trương những dòng thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và hoạt tính sinh học có lợi. Kết quả nghiên cứu hy vọng có thể ứng dụng vào sản xuất công nghiệp để sản xuất chất màu thực phẩm từ thiên nhiên, đem lại nhiều giá trị dinh dưỡng và phục vụ cho cuộc sống con người.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 13477) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.