Neutrophil extracellular trap (NET): Bẫy ngoại bào của bạch cầu trung tính là mạng lưới các sợi ngoại bào, được cấu tạo chủ yếu từ ADN từ bạch cầu trung tính, có chức năng liên kết các tác nhân gây bệnh.

Nghiên cứu mới đã tiết lộ vai trò quan trọng tiềm tàng của việc bổ sung gừng trong  kiểm soát tình trạng viêm đối với những người mắc bệnh tự miễn. Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí JCI Insight, tập trung vào nghiên cứu tác động của việc bổ sung gừng lên một loại tế bào bạch cầu gọi là bạch cầu trung tính. Nghiên cứu đặc biệt quan tâm đến sự hình thành bẫy ngoại bào bạch cầu trung tính (NET), còn được gọi là NETosis, và ý nghĩa của nó trong việc kiểm soát tình trạng viêm.

Trong thử nghiệm cho thấy những người khỏe mạnh tiêu thụ gừng làm cho bạch cầu trung tính của họ có khả năng kháng NETosis cao hơn. Điều này rất quan trọng vì NET là những cấu trúc cực nhỏ giống như mạng nhện thúc đẩy tình trạng viêm và đông máu, góp phần gây ra nhiều bệnh tự miễn, bao gồm bệnh lupus; hội chứng kháng phospholipid; viêm khớp dạng thấp.

Đồng tác giả nghiên cứu, TS. Kristen Demoruelle, cho biết: “Có rất nhiều bệnh mà bạch cầu trung tính hoạt động quá mức bất thường. Chúng tôi thấy rằng gừng có thể giúp hạn chế NETosis và điều này rất quan trọng vì đây là chất bổ sung tự nhiên có thể hữu ích để điều trị chứng viêm và các triệu chứng cho những người mắc một số bệnh tự miễn dịch khác nhau”.

Trong một thử nghiệm lâm sàng, những tình nguyện viên khỏe mạnh sử dụng gừng bổ sung hàng ngày trong bảy ngày (20 mg gingerols/ngày) đã thúc đẩy một chất hóa học bên trong bạch cầu trung tính gọi là cAMP. Mức cAMP cao này sau đó sẽ ức chế NETosis để đáp ứng với các kích thích khác nhau liên quan đến bệnh tật.

Phó giáo sư Jason Knight giải thích: “Đây là nghiên cứu đầu tiên cung cấp bằng chứng về cơ chế sinh học làm nền tảng cho đặc tính chống viêm rõ ràng của gừng ở người”.

Các nhà nghiên cứu nói thêm rằng nhiều người mắc bệnh viêm nhiễm có thể hỏi nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của họ xem những chất bổ sung tự nhiên có thể hữu ích cho họ hay họ đã dùng các chất bổ sung, như gừng, để giúp kiểm soát các triệu chứng. Tuy nhiên, tác động chính xác lên bệnh tật thường không được biết rõ. Họ hy vọng rằng việc cung cấp thêm bằng chứng về lợi ích của gừng, bao gồm cả cơ chế trực tiếp mà gừng tác động đến bạch cầu trung tính, sẽ khuyến khích các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bệnh nhân thảo luận một cách chiến lược hơn liệu việc bổ sung gừng như một phần trong kế hoạch điều trị của họ có thể mang lại lợi ích hay không.

Phó giáo sư Jason Knight cho biết: “Không có nhiều chất bổ sung tự nhiên hoặc thuốc theo toa cho vấn đề đó được biết là có tác dụng chống lại bạch cầu trung tính hoạt động quá mức. Do đó, chúng tôi nghĩ rằng gừng có thể có khả năng thực sự để bổ sung cho các chương trình điều trị đang được tiến hành. Mục tiêu là mang tính chiến lược hơn và được cá nhân hóa hơn trong việc giúp giảm bớt các triệu chứng của mọi người”.

Bước tiếp theo, nhóm nghiên cứu sẽ thực hiện các thử nghiệm lâm sàng về gừng ở những bệnh nhân mắc các bệnh viêm nhiễm và tự miễn dịch trong đó bạch cầu trung tính hoạt động quá mức, chẳng hạn như bệnh lupus, viêm khớp dạng thấp, hội chứng kháng phospholipid và thậm chí cả COVID-19.

Đ.T.V (NASATI), theo https://medicalxpress.com/news/2023-09-evidence-benefits-ginger-supplements-autoimmune.html, 22/9/2023 (vista.gov.vn)