Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, bao gồm cả các thay đổi trong thành phần hoá học của khí quyển, biến đổi nhiệt độ bề mặt, nước biển dâng, các hiện tượng khí hậu cực đoan và thiên tai tăng lên đáng kể về số lượng và cường độ. Những thay đổi này dẫn đến những thay đổi trong các hệ thống vật lý, hệ sinh học và hệ thống kinh tế – xã hội toàn hành tinh và đe doạ sự phát triển, đe doạ cuộc sống của tất cả các loài, các hệ sinh thái. BĐKH làm thay đổi cấu trúc sinh cảnh môi trường, làm thay đổi các yếu tố của môi trường như nhiệt độ, ánh sáng, lưu lượng nước… sự thay đổi này gây ảnh hưởng đến sinh vật sống trong môi trường đó. BĐKH với xu thế nóng lên toàn cầu đã tác động đến thời tiết, khí hậu không chỉ riêng ở nước ta. Hạn hán là một trong những hiện tượng thiên tai xảy ra thường xuyên hàng năm ở nước ta, bắt nguồn từ sự thiếu hụt lượng mưa kéo dài liên tục và lượng bốc hơi lớn trong điều kiện nhiệt độ cao và độ ẩm thấp dẫn đến lượng dự trữ nước trong đất bị giảm sút nghiêm trọng, lượng nước từ nhiều sông, suối, ao hồ bị cạn kiệt. Nghiên cứu về biến đổi khí hậu, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và đề xuất các giải pháp thích nghi là sự đóng góp đáng kể để bảo vệ cuộc sống, phục vụ phát triển bền vững.
Xuất phát từ việc hiện nay ở Việt Nam chưa tài liệu nào tổng hợp và đánh giá tổng quan một cách có hệ thống về sinh vật chỉ thị cho các tác động của BĐKH. Đặc biệt chỉ thị sinh học thông qua các hệ sinh thái ở một số vùng, đặc biệt là khu vực ĐBSCL, dễ tổn thương bởi BĐKH. Do đó, nhằm xây dựng được mô hình dự đoán biểu hiện của biến đổi khí hậu thông qua các chỉ thị sinh học thí điểm tại Cà Mau và Đồng Tháp và đề xuất các giải pháp thích ứng với BĐKH ở khu vực nghiên cứu, ThS. Hoàng Trọng Khiêm và các cộng sự tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. HCM (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã đề xuất thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xây dựng mô hình dự đoán biểu hiện biến đổi khí hậu thông qua các chỉ thị sinh học (biological indicators), từ đó đề xuất các giải pháp thích ứng với BĐKH-thí điểm tại Cà Mau và Đồng Tháp”.
Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài thu đưa ra các kết luận như sau:
– Đã thu thập, tổng hợp, phân tích tài liệu hiện có trên thế giới nhằm xác lập cơ sở khoa học và thực tiễn về tác động của BĐKH đến hệ sinh thái ở khu vực mũi Cà Mau cho thấy các yếu tố môi trường diễn biến đan xen vô cùng phức tạp nên dẫn đến việc đánh giá mức độ ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu là khó khăn tuy nhiên dựa trên những thay đổi của cấu trùc chiều cao của nhóm mắm mà ta có thể nhận thấy được sự thay đổi của hệ thống sinh thái do phải chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu
– Chi Mấm hiện diện hầu như khác các dãy đất ven biển phía Tây Cà Mau cho thấy khả năng lấn biển của vùng đất và khả năng bảo vệ đường bờ trước tác động nước biển dâng của biến đổi khí hậu. Trong khi đó khu vực biển Đông lại cho thấy mô hình đang theo hướng hàm số mũ và chưa có dấu hiệun suy giảm.
– Đã nghiên cứu và phân tích đánh giá chi tiết, đánh giá sự tương tác của các yếu tố sinh cảnh đến sự thay đổi các đặc điểm sinh thái của các loài sinh vật đã lựa chọn thông qua phân bố và diễn biến của quá trinh phát triển thực vật.
– Đã xây dựng mô hình cơ sở dữ liệu dự đoán về BĐKH dựa trên các sinh vật chỉ thị và tác động của BĐKH lên các nhóm sinh vật.
– Nội dung đưa ra các giải pháp với gốc độ tiếp cận từ sinh thái và xem xét các khả năng biến động và thay đổi các hệ sinh thái dựa vào sự phục hồi tự nhiên có hỗ trợ của con người sẽ giảm được các thiệt hại do biến đổi khí hậu hoặc khởi động quá trinh phục hồi sớm hơn. Đây cũng là cơ sở cho các văn bản mang tính pháp quy về các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu.
– Dựa trên kết quả xây dựng mô hình dự đoán về BĐKH tại khu vực nghiên cứu, nhóm nghiên cứu tiến hành xây dựng, đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp cho khu vực có nguy cơ rủi ro cao do chịu ảnh hưởng của BĐKH.
– Đã tiến hành biên soạn dự thảo cơ sở dữ liệu cho mô hình sinh vật chỉ thị dự đoán BĐKH tại khu vực nghiên cứu thành một văn bản tài liệu tổng hợp được đánh giá tổng quan có hệ thống dùng làm tài liệu tham khảo cho những nghiên cứu khác.
Đề tài là cơ sở cho các nghiên cứu chuyên ngành để xây dựng các biện pháp, chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng đưa ra hệ thống, danh sách lựa chọn các sinh vật chỉ thị tiềm năng cho BĐKH ở Cà Mau và Đồng Tháp. Nghiên cứu cũng lựa chọn các nhóm sinh vật chỉ thị và ứng dụng chúng cho công tác đánh giá biểu hiện BĐKH tại đồng bằng SCL. Nghiên cứu xây dựng mô hình sinh vật chỉ thị dự đoán biểu hiện của BĐKH ở Cà Mau và Đồng Tháp. Nghiên cứu là tiền đề để mở rộng công cụ chỉ báo cho BĐKH tại các khu vực lân cận. Tuy nhiên cần phải cẩn thận vì các yếu tố môi trường sinh thái không đơn giản chỉ tương tác một chiều. Ngoài ra, song song với công tác nghiên cứu sinh vật chỉ thị, Đề tài cũng góp phần tạo bộ dữ liệu cho các nghiên cứu khác hoặc công tác đanh giá nhanh mức độ tác động từ đó ra quyết định.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17595/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
P.T.T (NASATI) vista.gov.vn