Dưa lê là một trong những loại quả có giá trị dinh dưỡng cao, chứa các chất có lợi cho sức khỏe, giúp phòng chống và ngăn ngừa ung thư, bệnh tim mạch, nhuận trường, giảm huyết áp và tăng cường hoạt động miễn dịch. Quy trình theo hướng công nghệ cao sau đây cho phép tạo ra dưa lê có chất lượng tốt và hiệu quả kinh tế ổn định.
Tình hình sản xuất và tiêu thụ
Những năm gần đây, dưa lê đã được trồng nhiều ở các tỉnh phía Nam, với thị trường tiêu thụ chính là TP.HCM. Tuy nhiên, diện tích và sản lượng dưa lê sản xuất ra so với nhu cầu thị trường trong nước vẫn còn rất thấp, nguyên nhân là do kĩ thuật canh tác dưa lê khá mới mẻ đối với nông dân và các điều kiện canh tác, thời tiết, mùa vụ…khắt khe hơn so với trồng các loại quả khác.
Hiện tại trồng dưa lê trong nhà màng theo hướng công nghệ cao hầu như chưa có một nghiên cứu cụ thể nào, bà con nông dân chủ yếu sử dụng quy trình kỹ thuật trồng do các Công ty cung cấp giống cung cấp. Vì vậy, trồng dưa lê trong nhà màng theo hướng ứng dụng các kĩ thuật công nghệ cao là một hướng đi được đánh giá là có tính mới về khoa học và thực tiễn, góp phần vào chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp TP.HCM.
Quy trình và phương pháp thực hiện
Các điều kiện sản xuất
Nhà màng: tổng chi phí cho nhà màng khung thép định hình chữ U diện tích 1000m2 (bao gồm hệ thống tưới và móc treo cây) là 300 triệu đồng.
Kiểu nhà: nhà được làm theo kiểu mái thông gió cố định một bên.
Kích thước: chiều cao máng xối là 0,4m, mỗi module rộng 6m và dài 30m.
Kết cấu nhà: nhà khung thép mạ kẽm, mái lợp màng polyethylen nhập khẩu từ Israel có khả năng hạn chế tia UV, xung quanh che lưới ngăn côn trùng loại 48 lỗ/inch vuông, đảm bảo độ thông thoáng.
Khoang cách ly: kích thước 3×1,5m có hai cửa kéo lắp so le, hạn chế sự xâm nhập của côn trùng gây hại.
Hệ thống tưới: sử dụng dây tưới nhỏ giọt dạng đầu cắm của Netafim (Israel).
Máng đỡ bầu và thu hồi nước: các bầu nilong (loại bầu 2 mặt đen và trắng) trồng cây được đặt trên các máng thu hồi nước bằng xi măng hoặc tôn mạ kẽm.
Hệ thống treo cây: sử dụng các móc treo bằng thép có dây quấn cây dài 5m, có khả năng treo được 25kg. Chiều cao bầu trồng cây đến vị trí móc treo là 3m.
Lưu ý: phun thuốc xử lý, vệ sinh tổng thể nhà màng, bầu trồng cây, hệ thống máng thoát nước… trước khi trồng cây khoảng 10-15 ngày để hạn chế các nguồn sâu và bệnh hại.
Phương pháp thực hiện
Chọn giống
Qua kết quả khảo nghiệm các chỉ tiêu chất lượng, năng suất và hiệu quả kinh tế, mô hình đã chọn các giống sau để tiến hành trồng dưa lê:
- Giống Kim Anh: thời gian sinh trưởng (tính từ lúc trồng) 65–70 ngày, khối lượng quả từ 1,4–1,8kg, độ Brix từ 13–15, năng suất 35–45 tấn/ha.
- Giống Alien: thời gian sinh trưởng (tính từ lúc trồng) 65–70 ngày, khối lượng quả từ 1,5–2kg, độ Brix từ 12–14, năng suất 40–50 tấn/ha.
Thời vụ và mật độ trồng
Thời vụ: trồng được quanh năm do trồng trong nhà màng.
Mật độ: 2.778 cây/1.000m2 với khoảng cách trồng 0,3×1,2x1m cây/bầu.
Ươm cây
Chọn những hạt giống khỏe, có khả năng nảy mầm tốt đem ngâm trong nước ấm (2 sôi 3 lạnh) khoảng 2 giờ, sau đó vớt ra rửa sạch và ủ trong túi vải khoảng 24–36 giờ. Khi hạt đã nứt nanh, tiến hành gieo vào khay xốp (loại khay 50 lỗ) vào buổi chiều mát, mỗi lỗ 1 hạt. Giá thể dùng gieo hạt là xơ dừa đã qua xử lý và được làm ẩm 50–60% trước khi gieo.
Sau khi gieo xong thì xếp các khay xốp lại với nhau thành từng chồng, mỗi chồng từ 10-20 khay. Đặt một khay xốp khác có xơ dừa nhưng không gieo hạt hoặc tấm bạt lên trên cùng của từng chồng khay để giữ ẩm cho các khay phía dưới, ngăn côn trùng hoặc các đối tượng khác cắn hạt. Sau 2 ngày 1 đêm, quan sát các khay ươm, thấy hạt bắt đầu nhú lên thì trải khay xốp ra vườn ươm.
Trong thời gian gieo, cần đảm bảo cường độ ánh sáng (20–30%) và độ ẩm (60–70%) trong giá thể. Giai đoạn cây mới mọc cần che bớt khoảng từ 20–30% ánh sáng.
Có thể pha loãng dịch dinh dưỡng bằng 1/3 dung dịch tưới cho cây lớn để tưới cho cây giai đoạn vườn ươm. Khi cây có 2-3 lá thật hoặc chiều cao khoảng 10-15cm thì tiến hành trồng cây vào bầu.
Lưu ý: phòng trừ sâu (bọ phấn trắng, bọ trĩ…), bệnh thắt cổ rễ, các đối tương ăn hạt và cắn phá cây con (dế, tắc kè…).
Giá thể
Sử dụng giá thể là 100% mụn dừa để trồng cây. Có thể sử dụng công thức giá thể kết hợp 50% mụn dừa + 50% vỏ lạc hoặc 50% mụn dừa + 50% vỏ trấu nung tùy từng trường hợp cụ thể.
Xử lý giá thể bằng cách ngâm và xả nước trong 7-10 ngày, số lần xả từ 3-5 lần/ngày cho đến khi nước ngâm giá thể có độ dẫn điện (EC) < 50 µS/cm (kiểm tra bằng máy đo EC) và độ ẩm giá thể trước khi trồng từ 60–70%.
Giá thể sau khi xử lý được cho vào các bầu nilon trồng cây loại 2 mặt, kích thước bầu 30 x 40cm.
Chăm sóc
Tưới nước và dinh dưỡng: cây con sau khi trồng vào bầu chỉ tưới nước trong 1–2 ngày đầu, sau đó cung cấp đồng thời dung dịch dinh dưỡng (pH từ 6–6,5) và nước thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt. Điều chỉnh lượng nước tưới theo giai đoạn sinh trưởng của cây, điều kiện nhiệt độ và ẩm độ của nhà trồng.
Phân bón: các loại hóa chất dùng để pha 1000 lít dung dịch tưới cho cây gồm: KNO3, Ca(NO3)2, NH4NO3, KH2PO4, MgSO4, Fe-EDTA, H3BO3, ZnSO4, CuSO4, MnSO4, Amonium heptamolybdate. Công thức dinh dưỡng với tỷ lệ N:P:K là 200:60:280 thích hợp nhất đối với 2 giống dưa lê Kim Anh và Alien trồng trong nhà màng trên giá thể 100% mụn dừa.
Thụ phấn: có 2 phương pháp là thụ phấn bằng tay (diện tích nhà < 1.000m2) và thụ phấn bằng ong (diện tích nhà từ 1.000m2trở lên). Thời gian thụ phấn hiệu quả nhất là từ 6h30- 9h mỗi buổi sáng.
Quấn ngọn, tỉa cành: khi cây cao từ 20-30 cm thì quấn dây cho dưa lê, sau đó cứ 2 ngày lại quấn 1 lần. Khi cây xuất hiện chồi nách thì tỉa hết các cành nách ở vị trí từ lá thứ 12 trở xuống, để lại chồi nách ở vị trí thứ 13-15 và tiến hành thụ phấn. Khi đã đậu quả, tiến hành bấm chồi của cành mang trái và chỉ để lại 1-2 lá trên cành. Khi cây cao khoảng 1,5m, tỉa bỏ lá gốc, lá vàng, lá bị bệnh. Khi cây có khoảng 27-30 lá thì có thể bấm ngọn nếu lá phát triển quá mạnh, làm che đi ánh sáng.
Quá trình ra hoa và đậu quả:
- Dưa lê ra hoa đực sau khi trồng từ 10–15 ngày, hoa cái ra muộn hơn từ 5–7 ngày.
- Sau khi hoa cái được thụ phấn, sau 2–3 ngày có thể biết được những quả đã đậu nhờ kích thước quả lớn hơn và có màu xanh đậm hơn so với quả trước khi thụ phấn.
- Từ khi đậu quả đến khi quả chuyển thành thục thường kéo dài từ 17–20 ngày, quả tròn đều, vỏ chuyển sang màu vàng hơi nhạt (đối với giống Kim Anh) và kéo dài 20–23 ngày, quả tròn, tạo lưới đều, vỏ quả có màu xám xanh (đối với giống Alien). Giai đoạn từ khi đậu quả đến khi quả thành thục rất quan trọng, có tính quyết định đến năng suất, vì vậy cần cung cấp đủ nước và dinh dưỡng cho cây ở giai đoạn này.
- Giai đoạn quả chín thường kéo dài từ 15–18 ngày, cần chú ý giảm dần lượng nước tưới, tăng nồng độ phân bón, đặc biệt là giảm đạm, tăng kali.
- Trước khi thu hoạch 1–3 ngày (tùy theo điều kiện thời tiết) có thể ngưng tưới nước và dinh dưỡng. Việc điều khiển nước tưới ở giai đoạn quả thành thục đến khi chín hoàn toàn cần được chú trọng để tránh hiện tượng nứt trái.
Phòng trừ sâu bệnh
Các đối tượng chích hút (nhện đỏ, bọ phấn trắng và bọ trĩ): sử dụng Abamectin, confidor, comite, Vineem 1500 EC, Ametrintox 6 EC (Abamectin 1g/l + Matrine 5 g/l)…
Bệnh hại (bệnh thổi gốc, chạy dây và chết héo cây non): sử dụng Aliette, Anvil, Topsin M, Daconil, Ridomil, Curzate 1-2%….
Cắt bỏ những cây bị bệnh và mang đi tiêu hủy để tránh sự lây lan của mầm bệnh.
Lưu ý: ngưng sử dụng cả các loại thuốc trước khi thu hoạch 30 ngày.
Thu hoạch: sau khi trồng khoảng 65-70 ngày, tiến hành thu quả.
Quả chín có các đặc điểm: hai lá gần vị trí quả có màu hơi vàng, quả có mùi thơm nhẹ. Vỏ quả căng tròn, màu vàng đều và hơi đậm đối với giống Kim Anh. Đối với giống Alien, toàn bộ gân tạo lưới có màu xám đều, phần vỏ không có gân chuyển dần sang màu vàng xám, tại vị trí cuống quả xuất hiện vòng tròn mờ đường kính khoảng 1,5–2cm.
Lưu ý: Đối với các giống dưa vỏ lưới, khi thấy vòng tròn xuất hiện rõ và phần diện tích quanh cuống phía trong vòng tròn chuyển màu vàng xanh là quả đã chín kỹ, rất dễ bị rụng cuống.
Ưu điểm của công nghệ. Hiệu quả kinh tế
Ưu điểm:
- Quy trình trồng ít bị phụ thuộc vào thời tiết.
- Tạo ra sản phẩm dưa đạt tiêu chuẩn chất lượng, sạch và an toàn.
- Giảm được chi phí và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
- Giảm công lao động.
- Kỹ thuật không phụ thuộc thời vụ, có thể trồng quanh năm, phù hợp với cả vùng bất lợi như khô hạn hay ngập mặn.
- Tăng năng suất so với kỹ thuật cũ từ 1,5-2 lần.
Hiệu quả kinh tế: từ 20–30 triệu đồng/1.000 m2/vụ, thích hợp với nông nghiệp đô thị.
Thông tin chuyên gia, hỗ trợ
Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao. Địa chỉ: Ấp 1, Xã Phạm Văn Cội, Huyện Củ Chi, TP.HCM
Trích http://www.cesti.gov.vn/chi-tiet/8588/mo-hinh-cong-nghe-ung-dung-vao-san-xuat/mo-hinh-trong-dua-le-theo-huong-cong-nghe-cao