Môi trường là lĩnh vực rộng, liên ngành, các quy định liên quan đến cơ sở dữ liệu (CSDL) môi trường vẫn còn thiếu, hạn chế; mặc dù môi trường là một vấn đề của phát triển bền vững, tác động sâu rộng đến phát triển kinh tế xã hội của quốc gia, tuy nhiên, vấn đề xây dựng một hệ thống CSDL tổng hợp, thống nhất về môi trường phục vụ hoạch định chính sách và triển khai thực hiện các hoạt động quản lý và bảo vệ môi trường vẫn còn chưa được đề cập xứng tầm.
Các thông tin môi trường hiện nay đang được các bộ, ngành, địa phương thu thập và quản lý theo cách phân tán, không đồng bộ, mỗi nơi tiếp cận theo cách riêng nên sự thống nhất chưa cao, việc cung cấp chưa nhất quán, không có CSDL tập trung. Thông tin, dữ liệu vẫn còn phân tán, rải rác, với các định dạng khác nhau… Các cơ chế, quy định pháp quy ràng buộc các đơn vị có liên quan trong chia sẻ thông tin, dữ liệu về môi trường giữa các bộ, ngành, cơ quan có liên quan còn thiếu, điều này làm hạn chế hiệu quả trong công tác hoạch định chính sách quản lý môi trường. Do vậy, việc xác lập cơ sở khoa học nghiên cứu khung CSDL tập trung và chuẩn hóa các loại dữ liệu môi trường là một trong những nhiệm vụ quan trọng và cần được ưu tiên, đảm bảo việc vận hành cập nhật và khai thác hiệu quả CSDL môi trường quốc gia, phục vụ sự chỉ đạo điều hành của các bộ, ban, ngành, địa phương hoạt động thống nhất và hiệu quả về công tác quản lý và bảo vệ môi trường.
CSDL môi trường quốc gia là CSDL dùng chung, sử dụng nhiều cho các bộ, ngành, địa phương phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, được hình thành trên cơ sở kết nối, tích hợp thông tin, dữ liệu tổng hợp từ CSDL lĩnh vực môi trường, CSDL lĩnh vực TN&MT khác (nếu có), CSDL môi trường của bộ, ngành, địa phương.
Xuất phát từ thực tiễn trên, Cơ quan chủ trì Trung tâm Công nghệ phần mềm và GIS cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài KS. Nguyễn Bảo Trung thực hiện “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng và hoàn thiện khung cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia và xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường theo chuyên ngành. Thử nghiệm ứng dụng và xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường cho một chuyên ngành” với mục tiêu: Nghiên cứu thiết kế khung cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin thông suốt, phục vụ quản lý hiệu quả trong lĩnh vực môi trường.
Đây là đề tài có tính cấp thiết cao đối với nhu cầu phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới chia sẻ và sử dụng có hiệu quả thông tin, dữ liệu trong công tác quản lý nhà nước tại Bộ TN&MT, hiện đại hoá nền hành chính, góp phần hoàn thiện CPĐT, thực hiện công cuộc chuyển đổi số ngành TN&MT.
– Đề tài được tiếp cận từ hướng tổng quát đến chi tiết, từ phân tích Kiến trúc chính phủ điện tử ngành TN&MT, phiên bản 2.0, đến xác lập kiến trúc CSDL lĩnh vực môi trường, và kiến trúc CSDL môi trường quốc gia, để xác định rõ vị trí vai trò, từ đó nghiên cứu xây dựng Khung cấu trúc dữ liệu chi tiết của CSDL môi trường quốc gia.
– Đề tài thử nghiệm vận hành Khung CSDL môi trường quốc gia cho một chuyên ngành “Quan trắc môi trường” tại 2 cấp Trung ương (Trung tâm QTMT miền Bắc) và Địa phương (Sở TN&MT Vĩnh Phúc và Sở TN&MT Quảng Ninh) với đầy đủ các loại hình dữ liệu về quan trắc Môi trường. Thực hiện kết nối chia sẻ, tích hợp dữ liệu thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) của Bộ TN&MT theo đúng mô hình Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành TN&MT. Kết quả thử nghiệm cho thấy các sản phẩm nghiên cứu phù hợp với các quy định pháp lý và yêu cầu thực tiễn. Các sản phẩm xây dựng trong quá trình thử nghiệm 22 (CSDL, phần mềm) đủ điều kiện để triển khai, áp dụng thực tế, đã được Trung tâm Kiểm định sản phẩm công nghệ thông tin – Cục Công nghệ Thông tin và Dữ liệu Tài nguyên Môi trường kiểm tra nghiệm thu, xác nhận khối lượng và chất lượng.
– Để đảm bảo tính thống nhất, có cơ sở để áp dụng, nhóm nghiên cứu cũng xây dựng Dự thảo Thông tư quy định nội dung và cấu trúc dữ liệu môi trường quốc gia và dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ trao đổi, tích hợp, chia sẻ và khai thác thông tin, dữ liệu.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18562/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI) vista.gov.vn