Trong bối cảnh các dự án chuyển nước từ sông Mê Công sang các con sông khác vẫn đang được triển khai trên quy mô lớn mà không thể kiểm soát. Đặc biệt, hoạt động khai thác, phát triển thủy điện vẫn diễn ra ồ ạt ở Thượng nguồn, bất chấp sự phản đối của các nước hạ nguồn sông cũng như nhiều tổ chức xã hội dân sự quốc tế. Trong khi đó, các thể chế về quản lý nguồn nước của khu vực lại chưa phát huy được tính thiếu hiệu quả. Ủy hội sông Mê Công (MRC) được coi là cơ chế hợp tác then chốt của Tiểu vùng về quản lý sử dụng nguồn nước trên sông Mê Công, nhưng sau hơn 25 năm hoạt động lại đang bộc lộ nhiều khiếm khuyết. Việc thiếu vắng Trung Quốc trong những cơ chế quản lý tài nguyên nước ở khu vực, cách hành xử đơn phương của quốc gia này trong khai thác và sử dụng nguồn nước, các dự án hợp tác “thuỷ – chính trị” do Trung Quốc khởi xướng trên sông Mê Công… càng đặt an ninh nguồn nước (ANNN) của khu vực Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS) và nhất là các nước hạ du sông đứng trước nhiều rủi ro.

Trước những đe dọa tiềm ẩn và hiện hữu đối với ANNN ở khu vực GMS nói chung và Việt Nam nói riêng, nhóm nghiên cứu của TS. Võ Thị Minh Lệ tại Viện kinh tế và chính trị thế giới thực hiện đề tài “An ninh nguồn nước khu vực Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam nhằm đánh giá thực trạng ANNN và quản lý tài nguyên nước của khu vực GMS, nhận diện các nhân tố ảnh hưởng đến ANNN và những thách thức mà các quốc gia GMS đang và sẽ phải đối mặt. Trên cơ sở đó, đề tài xác định những vấn đề đặt ra đối với ANNN ở Việt Nam và đề xuất một số giải pháp đảm bảo ANNN ở cấp độ quốc gia và khu vực GMS.

Hiện nay, đối với Việt Nam, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vấn đề đảm bảo ANNN ngày càng trở nên cấp bách, gay gắt, mang tính chiến lược và mang tính toàn cầu hơn bao giờ hết. Là quốc gia dồi dào về nước nhưng Việt Nam lại không chủ động được chính nguồn nước đó, do nguồn nước đa phần đến từ bên ngoài quốc gia, nguồn nước nội sinh rất hạn chế, do đó Việt Nam thường bị động trong mọi kế hoạch phát triển, sử dụng nước. So với các nước GMS khác, Việt Nam ở thế bất lợi hơn nhiều do nằm ở vị trí hạ nguồn con sông Mê Công. Việt Nam đang rơi vào thế bất lợi hơn so với các nước GMS trong công tác bảo đảm ANNN quốc gia khi các nước thành viên của khu vực vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong vấn đề chia sẻ lợi ích đối với nguồn tài nguyên nước. Trong khi đó, biến đổi khí hậu cũng đang và sẽ tác động mạnh mẽ tới ANNN của Việt Nam với mức độ dự báo ngày càng trầm trọng hơn và tần suất dày đặc hơn. Ngoài ra, Việt Nam còn phải đối mặt với những thách thức bên trong như tốc độ tăng dân số và quá trình đô thị hóa nhanh chóng, các chính sách quản lý nguồn nước tồn tại nhiều bất cập, nhu cầu gia tăng về nguồn cung nước phục vụ cho tăng trưởng kinh tế và bài toán ANNN – an ninh lương thực và an ninh năng lượng chưa thể giải quyết. Đặc biệt, nhu cầu nước lại gia tăng cùng với quá trình phát triển của nền kinh tế. Các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng nguồn nước đang dần xuất hiện, gây xung đột, mâu thuẫn giữa các ngành, các nước.

ĐBSCL, vùng kinh tế quan trọng của đất nước với dân số đông và có tài nguyên đất đai màu mỡ và tiềm năng phát triển kinh tế lớn. Tài nguyên nước của ĐBSCL được đánh giá là phong phú so với các vùng khác trong cả nước, là cơ hội lớn để phát triển, nhưng với vị trí địa lý đặc biệt nằm cuối lưu vực sông quốc tế lớn, hai mặt giáp biển, nguồn nước ĐBSCL cũng đứng trước thách thức không nhỏ. ANNN của vùng đang chịu sức ép ngày càng tăng do: (i) việc khai thác nước ngày càng lớn của các quốc gia thượng nguồn: nguồn nước đến ĐBSCL đang có thay đổi cả về cơ cấu dòng chảy theo mùa, về số lượng và chất lượng, đang tác động mạnh đến hệ sinh thái và điều kiện nguồn nước cho con người, cho phát triển và cho môi trường đã có từ hàng trăm năm nay. Nguồn nước đến ĐBSCL là một trong nhân tố quan trong làm thay đổi điều kiện xâm nhập mặn ở các vùng cửa sông và cả vùng sâu trong đồng bằng; (ii) ĐBSCL hai mặt giáp biển, được đánh giá là một trong những đồng bằng trên thế giới chịu tác động mạnh của BĐKH và NBD, tác động xâm nhập mặn ngày càng lớn, sói lở bờ biển và nhiều vùng đất có thể bị ngập; (iii), sự phát triển kinh tế – xã hội mạnh mẽ và chưa thực sự bền vững ở chính ĐBSCL đang tác động lên nguồn nước như việc khai thác qua mức nguồn nước mặt và nước dưới đất, đặc biệt vào mùa khô; ô nhiễm do nước thải không qua xử lý từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, công nghiệp và tốc độ đô thị hóa v.v… tạo nên nguồn nước thải sinh hoạt lớn, chỉ trừ một lượng rất nhỏ được qua xử lý, còn lại tất cả đều dồn xuống các nguồn nước mặt trong vùng. Rất nhiều các kênh rạch ở đô thị và nông thôn đều trong tình trạng ô nhiễm ở mức độ khác nhau. Những yếu tố trên là thách thức lớn và đang đe dọa đến an ninh nước của ĐBSCL. Mặc dù trong quá trình phát triển, đã có một số quy hoạch và chương trình phát triển, nhưng thách thức đối với an ninh nước ĐBSCL vẫn tồn tại. Do đó, ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung để bảo đảm phát triển bền vững nguồn nước, cần chú trọng tới một số giải pháp bao gồm các giải pháp chung và các giải pháp riêng theo năm khía cạnh. Song song với đó là việc nâng cao tính hiệu quả trong công tác tuyên truyền bảo vệ, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn nước nhằm hướng đến mục tiêu đảm bảo ANNN cho Việt Nam.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18613/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

N.P.D (NASATI) vista.gov.vn